Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Xỏ lá ba que
    Có ý kiến cho rằng thành ngữ này xuất phát từ một trò chơi ăn tiền, trong đó kẻ chủ trò nắm trong tay một cái lá có xỏ một cái que, đồng thời chìa ra hai que khác. Ai rút được que xỏ lá là được cuộc, còn rút que không lá thì phải trả tiền. Tuy vậy, kẻ chủ trò luôn mưu mẹo khiến người chơi bao giờ cũng thua. Vì thế người ta gọi nó là thằng xỏ lá hoặc thằng ba que.

    Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thống nhất về nguồn gốc của thành ngữ này.

  2. Phú Ân
    Địa danh nay là hai thôn Phú Ân Bắc và Phú Ân Nam, xã Diên An, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa. Đây là vùng đất nổi tiếng với nghề trồng mía. Theo Xứ trầm hương của Quách Tấn: Mía ở Khánh Hòa thân mướt, vỏ vàng hươm và răng ông già bà lão sáu mươi vẫn xiếc được. Nước mía lại ngọt thanh. Nổi tiếng nhất là mía Phú Ân.

    Mía Phú Ân

    Mía Phú Ân

  3. Oản
    Bánh làm bằng xôi nếp hoặc bột bánh khảo nén vào khuôn hình nón cụt để cúng.

    Oản làm bằng xôi

    Oản làm bằng xôi

  4. Não bạt
    Nhạc khí làm bằng hợp kim đồng thiếc, gồm hai chiếc giống nhau, hình tròn như chiếc đĩa, có núm để cầm. Người chơi hai tay cầm hai núm, đập hai mặt vào nhau, tạo ra âm thanh to, vang, hơi chói. Não bạt còn có tên là chũm chọe.

    Não bạt (chũm chọe)

    Não bạt (chũm chọe)

  5. Thế phát
    Cạo đầu đi tu (chữ dùng trong nhà Phật).
  6. Kiến lửa
    Loài kiến có đầu và thân màu đồng hoặc nâu, có râu hai nhánh rất đặc biệt. Kiến lửa thường làm ổ dưới đất, đá, cây mục... cắn đau, tạo mụn mủ.

    Kiến lửa

    Kiến lửa

  7. Kiến vàng
    Loài kiến nhỏ, màu vàng, đốt đau, làm tổ trên cây. Ở Tây Nguyên người ta dùng kiến vàng làm muối chấm với thịt nướng rất ngon.

    Kiến vàng

    Kiến vàng

  8. Kiến hùm
    Loại kiến lớn, thân màu đen, thường làm tổ trên các cây cao.
  9. Kiến gió
    Còn gọi kiến kim, loài kiến rất nhỏ, màu hơi đen, cắn rất đau, vết cắn thành mẩn to.
  10. Kiến nhọt
    Loại kiến có màu đen bóng, đốt rất đau và độc.
  11. Mọt
    Giống bọ cánh cứng có hàm khỏe, chuyên đục khoét tre, gỗ, ngũ cốc khô.

    Mọt gạo

    Mọt gạo

  12. Kiến hôi
    Loài kiến màu nâu hoặc đen, làm tổ dưới đất hoặc trên các cây ăn quả, thức ăn là các chất đường, mật. Kiến hôi có tên gọi như vậy do có một mùi hôi rất đặc trưng.

    Kiến hôi

  13. Kiến cánh
    Kiến chúa và kiến đực thường có cánh. Tới mùa sinh sản chúng bay đi tìm nơi giao phối và lập tổ kiến mới.

    Kiến cánh

    Kiến cánh

  14. Kiến riện
    Loại kiến có màu nâu đen, kích thước nhỏ khoảng đầu kim. Kiến riện thường làm tổ gây hại trên các loại cây ăn quả.

    Kiến riện

    Kiến riện

  15. Đơn chai
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đơn chai, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  16. Bàn Cổ
    Vị thần khai thiên lập địa, sáng tạo ra vũ trụ trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc.

    Chân dung Bàn Cổ trong sách Tam tài đồ hội (1609)

    Chân dung Bàn Cổ trong sách Tam tài đồ hội (1609)

  17. Sở phân
    Phân chia rõ ràng (từ Hán Việt).
  18. Ấu tử
    Trẻ con (từ Hán Việt).
  19. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  20. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  21. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  22. Ri
    Thế này (phương ngữ Trung Bộ).
  23. Giả như
    Giống như, ví dụ như (phương ngữ).
  24. Hoài
    Uổng phí, mất đi một cách hoàn toàn vô ích do đem dùng vào việc không đáng hoặc không mang lại một kết quả nào cả.
  25. Vô tri
    Không hiểu biết
  26. Chuông được đúc bằng đồng
  27. Nài
    Nề, từ chối.
  28. Lương
    Người không theo Công giáo. Thời cấm đạo, vua quan chia dân chúng thành hai thành phần. Những người theo Đạo Khổng, Đạo Phật, Đạo Lão hay những người theo tín ngưỡng thờ cúng ông bà, được gọi là lương dân (người dân tốt). Những người Công giáo bị gọi là dửu dân (dân cỏ dại) hay tả đạo.
  29. Lạc Hồng
    Con Lạc cháu Hồng (Con của loài chim Lạc, cháu của dòng giống Hồng Bàng). Chim Lạc là một loài chim trong truyền thuyết, được xem là biểu tượng của Âu Lạc, nhà nước thứ hai trong lịch sử nước ta (sau Văn Lang của các vua Hùng). Hồng Bàng là tên gọi chung cho giai đoạn thượng cổ nước ta, chủ yếu dựa trên các truyền thuyết, truyện kể và một số ít bằng chứng khảo cổ học.

    Nhân dân ta tự nhận là con Lạc cháu Hồng. Từ "Lạc Hồng" đôi khi được đảo thành Hồng Lạc, tương tự như đối với "con Hồng cháu Lạc."

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

    Hình ảnh chim Lạc trên trống đồng

  30. Bang
    Nước, quốc gia (từ Hán Việt).
  31. Lính mộ
    Lính được chiêu mộ. Từ này thường dùng để chỉ những người bị thực dân Pháp gọi (mộ) đi lính trước đây.

    Lính khố đỏ.

    Lính khố đỏ.

  32. Chợ Giang
    Tên ngôi chợ thuộc xã Thổ Tang (nên cũng gọi là chợ Thổ Tang), huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Từ thế kỉ 13, đây đã được coi là một vùng đất buôn bán có tiếng. Ngày nay đây là một chợ lớn của vùng, với mặt hàng tiêu thụ chính là nông sản.

    Dừa Bến Tre được nhập về Thổ Tang để xuất đi Sơn La (ảnh Đỗ Hữu Lực)

    Dừa Bến Tre được nhập về Thổ Tang để xuất đi Sơn La (ảnh Đỗ Hữu Lực)

  33. Bắc Đẩu
    Cũng gọi là Bắc Thần, Tinh Đẩu, hoặc Đại Hùng Tinh (sao Gấu Lớn), một mảng sao gồm bảy ngôi sao sáng có hình dạng như cái gầu múc nước, hoặc như cái bánh lái (nên lại còn có tên là sao Bánh Lái). Cạnh ngắn phía dưới của chòm sao Bắc Đẩu (xem hình dưới) nối dài sẽ gặp sao Bắc Cực nằm rất gần với hướng Bắc. Vì vậy, người xưa thường dùng chòm sao Bắc Đẩu và sao Bắc Cực để tìm hướng Bắc.

    Chòm sao Bắc Đẩu

    Cụm sao Bắc Đẩu

  34. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  35. Tô mộc
    Còn gọi là vang, tô phượng, vang nhuộm, co vang, mạy vang, một loại cây thân gỗ nhỏ, rất rắn, có phần đỏ nâu ở phần lõi và trắng ở phần ngoài. Gỗ cây được dùng làm vị thuốc đông y, hay làm thuốc nhuộm đỏ. Ở nước ta gỗ tô mộc còn được sử dụng như một thành phần nấu nước rửa hài cốt khi cải táng. Phần lõi gỗ được dùng trong chạm khắc mĩ nghệ.

    Cây vang

    Cây vang

    Gỗ vang

    Gỗ vang

  36. Hát ví
    Lối hát giao duyên nam nữ phổ biến ở vùng Nghệ Tĩnh, xưa kia thường dùng để trao đổi tình cảm giữa đôi trai gái.
  37. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  38. Sông Cái
    Tên con sông lớn nhất tỉnh Khánh Hoà, dài 79 km, phát nguyên từ Hòn Gia Lê, cao 1.812 m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thành phố Nha Trang rồi đổ ra biển ở Cửa Lớn. Phần thượng lưu của sông có rất nhiều thác: Đồng Trăng, Ông Hào, Đá Lửa, Nhét, Mòng, Võng, Giằng Xay, Tham Dự, Ngựa Lồng, Hông Tượng, Trâu Đụng, Giang Ché, Trâu Á... Sông còn có tên là sông Cù (do chữ Kaut của người Chiêm Thành xưa) hoặc sông Nha Trang.

    Cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái

    Cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái

  39. Đông Anh
    Tên một huyện ngoại thành nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hà Nội. Di tích thành Cổ Loa nằm ở xã Cổ Loa thuộc huyện này. Hằng năm huyện tổ chức nhiều lễ hội: hội Cổ Loa, hội làng Cổ Dương, hội làng Quan Âm...

    Hội Cổ Loa

    Hội Cổ Loa

  40. Cổ Loa
    Kinh đô của nhà nước phong kiến Âu Lạc, dưới thời An Dương Vương vào khoảng thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên và của nhà nước dưới thời Ngô Quyền thế kỷ 10 sau Công nguyên, nay thuộc xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội. Thành Cổ Loa được xây theo hình trôn ốc (loa từ Hán Việt nghĩa là ốc, nên còn gọi là Loa Thành), tương truyền có chín vòng, nhưng căn cứ theo dấu tích thì có ba vòng. Theo truyền thuyết, thành Cổ Loa được xây dựng nhờ sự giúp đỡ của thần Kim Quy.

    Sơ đồ Cổ Loa

    Sơ đồ Cổ Loa

  41. An Dương Vương
    Tên thật là Thục Phán (nên cũng gọi là Thục Vương), vị vua lập nên nhà nước Âu Lạc trong lịch sử nước ta. Ông đã cho xây dựng thành Cổ Loa để giữ nước, song lại mắc kế thông gia khi gả con gái mình là Mỵ Châu cho con trai của Triệu Đà, cuối cùng để mất nước và tự sát. Hiện tại xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội còn đền thờ ông.

    Đền thờ An Dương Vương

    Đền thờ An Dương Vương