Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  2. Thần Trụ Trời
    Theo truyện cổ tích Việt Nam, thuở ấy, chưa có muôn vật và loài người. Trời đất chỉ là một vùng hỗn độn, tối tăm. Bỗng xuất hiện một vị thần khổng lồ, đào đất, khuân đá, đắp thành một cái cột vừa to, vừa cao để chống trời. Từ đó, trời đất mới phân đôi: Đất bằng như cái mâm vuông, trời tròn như cái bát úp, chỗ trời đất giáp nhau ấy là chân trời.

    Khi trời đã cao và khô cứng, thần liền phá tan cột đi, lấy đất đá ném tung ra khắp nơi. Mỗi hòn đá văng đi biến thành một hòn núi hay một hòn đảo, đất tung tóe ra mọi nơi thành gò, đống, thành những dải đồi cao. Vì thế, mặt đất ngày nay không còn bằng phẳng mà có chỗ lõm, chỗ lồi. Chỗ thần đào sâu để lấy đất đá đắp cột, ngày nay là biển cả mênh mông.

    Cột trụ trời bây giờ không còn nữa. Người ta kể rằng vết tích cột đó ở núi Thạch Môn, vùng Hải Dương. Núi ấy còn gọi là Kình Thiên Trụ tức Cột chống Trời.

    Sau khi thần Trụ Trời chia ra trời đất thì có những thần khác nối tiếp công việc xây dựng nên cõi thế gian này. Các vị thần đó rất nhiều, như thần Sao, thần Sông, thần Núi, thần Biển...

  3. Bài này có sự chơi chữ thuần Việt / Hán Việt: sông / giang (dang), ngày / nhật, đêm / dạ.
  4. Suy
    Suy nghĩ, tính toán cặn kẽ.
  5. Tiền
    Năm 1439, vua Lê Thánh Tông quy định: 1 quan = 10 tiền = 600 đồng, gọi là tiền tốt hoặc tiền quý (quy định này ổn định cho đến năm 1945). Khoảng thế kỉ 18, trong dân gian xuất hiện cách tính tiền gián, mỗi quan tiền gián chỉ gồm 360 đồng.
  6. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  7. Nóc nhà xa hơn cửa chợ, lồn vợ gần hơn mả cha
    Nóc nhà dột mà thì không lo sửa mà chợ thì đi mãi. Mồ cha thì không thăm viếng, chăm sóc mà tối ngày thích quấn quít, gần gũi vợ. Đây là câu chê trách thói đời.
  8. Mỹ Sơn
    Một địa danh nay thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Tại đây có thánh địa Mỹ Sơn, bao gồm nhiều đền đài Chăm Pa được xây dựng từ thế kỉ thứ 7 đến thế kỉ thứ 14, vào thời thịnh trị của vương quốc Chiêm Thành. Tuy nhiên, đến nay các đền đài này hầu hết đã bị hư hại và xuống cấp.

    Thánh địa Mỹ Sơn

    Thánh địa Mỹ Sơn

  9. Trà Kiệu
    Một làng thuộc xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Là kinh đô của vương quốc Champa cổ, hiện nay ở Trà Kiệu vẫn còn lưu giữ các di chỉ, di tích khảo cổ quan trọng: thành cổ Trà Kiệu, đền, tượng, bệ thờ, phù điêu...

    Thành cổ Trà Kiệu

    Thành cổ Trà Kiệu

  10. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Phú Bông
    Tên một làng nay thuộc xã Điện Phong, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  12. Khăn vuông
    Loại khăn to bề khổ, bốn cạnh bằng nhau, dùng để đội đầu hoặc gói bọc đồ đạc quần áo đem theo mình. Đầu tiên, người ta để quần áo vật dụng vào giữa khăn, lấy hai chéo đối nhau siết chặt lại, cuối cùng thắt gút hai chéo còn lại với nhau, xỏ tay vào để mang túi lên vai.
  13. Người nghĩa
    Người thương, người tình.
  14. Đại Bình
    Dân gian quen gọi là Đại Bường, một ngôi làng cổ trù phú nằm bên mạn trái sông Thu Bồn, thuộc xã Quế Trung, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Làng này được coi như một Nam Bộ thu nhỏ vì trồng được rất nhiều loại trái cây ăn quả cho trái quanh năm.

    Đường làng ở Đại Bình

    Đường làng ở Đại Bình

  15. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  16. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  17. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  18. Ý chỉ loại mâm đan từ cây giang gắn sơn.
  19. Thiên Lôi
    Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
  20. Đàn bầu
    Còn gọi là đàn độc huyền hoặc gọi tắt là đàn độc, vì chỉ có duy nhất một dây. Hộp đàn làm bằng ống tre hay gỗ, bầu đàn được làm từ một nửa quả bầu khô. Trước đây, dây đàn trước đây được làm bằng tơ, sau này thay bằng dây kim loại. Đàn bầu là một loại nhạc khí truyền thống rất độc đáo của dân tộc ta và chỉ duy nhất người Việt Nam mới có. 

    Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải về những nét độc đáo của đàn bầu Việt Nam đây và nghe nghệ sĩ ưu tú Thanh Tâm diễn tấu đàn bầu tại đây.

    Đàn bầu Việt Nam

    Đàn bầu Việt Nam

  21. Cố cùng
    Lúc cùng khốn. Luận ngữ: Vệ Linh Công nói: "Tiểu nhân cùng tư lạm hỹ" (kẻ tiểu nhân gặp lúc cùng khốn thì làm bậy, làm càn).
  22. Két
    Còn gọi là vẹt, một loài chim có lông sặc sỡ, đặc biệt có khả năng bắt chước tiếng người nên thường được nuôi làm cảnh.

    Vẹt

    Vẹt

  23. Tự Đức
    (1829 – 1883) Vị hoàng đế thứ tư của nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến nước ta. Thời gian ông ở ngôi đánh dấu nhiều sự kiện trong lịch sử nước ta, trong đó quan trọng nhất là tháng 8/1858, quân Pháp nổ phát súng đầu tiên tấn công Đà Nẵng, mở đầu cho thời kì thống trị của người Pháp ở Việt Nam.

    Vua Tự Đức

    Vua Tự Đức

  24. Bất nhơn
    Bất nhân (cách nói của miền Trung và miền Nam), không có tính người, tàn ác. Từ này cũng được dùng với mục đích than vãn, ta thán.
  25. Dưới thời vua Tự Đức, trong triều xảy ra việc Hồng Bảo (anh cùng cha khác mẹ của Tự Đức) mưu toan cướp ngôi, sau đó chết một cách bí ẩn trong ngục. Người đương thời cho là vua Tự Đức giết anh để trừ hậu họa. Bài ca dao này ám chỉ đến việc này.
  26. Thị phi
    Phải và không phải. Chỉ sự đồn đại, chê bai.

    Kẻ yêu nên ít lời cao hạ,
    Người ghét càng nhiều tiếng thị phi.

    (Than thân - Nguyễn Hữu Chỉnh)

  27. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ