Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Có bản chép: Vua còn vua mất.
  2. Bài ca dao này nói về biến cố Kinh thành thất thủ năm Ất Dậu (1885, giặc Pháp chiếm được kinh thành Huế). Kiên Thái Vương (em vua Tự Đức) sanh được ba con trai đều làm vua là vua Kiến Phước, Hàm Nghi và Đồng Khánh. Vua Kiến Phước bị Nguyễn Văn Tường bỏ thuốc độc chết, vua Hàm Nghi thì gặp bước nhà tan, nước mất, phải sống lưu lạc, còn vua Đồng Khánh lên làm vua được ba năm thì mất.
  3. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  4. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  5. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  6. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  7. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  8. Chíp miệng
    Chép miệng (phương ngữ Trung Bộ).
  9. Chợ Chùa
    Tên dân gian của một ngôi chợ có từ lâu đời, hiện nằm ở khu vực trung tâm huyện Nghĩa Hành, đồng thời cũng là tên một thị trấn thuộc huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Đây là nơi chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng sống và làm việc những năm tháng cuối đời.

    Thị trấn Chợ Chùa ngày nay

    Thị trấn Chợ Chùa ngày nay

  10. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  11. Có bản chép: Đặt chưn (chân, cách nói của người miền Trung).
  12. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  13. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  14. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  15. Mùa nước nổi
    Tên gọi dân gian của mùa lũ từ tháng 7 âm lịch ở vùng đồng bằng Tây Nam Bộ. Vào mùa này, nước ở các sông ngòi kênh rạch dâng lên tràn bờ, nhiều khi ngập nhà cửa. Nước nổi gây ra nhiều khó khăn vất vả cho người dân, nhưng đồng thời cũng đem lại nhiều sản vật tự nhiên và bồi đắp phù sa cho vùng đất này.

    Đánh bắt cá mùa nước nổi

    Đánh bắt cá mùa nước nổi

  16. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  17. Sông Thương
    Còn có tên là sông Nhật Đức, xưa còn gọi là sông Nam Bình, sông Lạng Giang, sông Long Nhỡn, một con sông lớn ở miền Bắc. Sông bắt nguồn từ dãy núi Na Pa Phước, làng Man, xã Vân Thuỷ, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn, chảy qua các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương rồi đổ vào sông Thái Bình. Sông Thương có hiện tượng "nước chảy đôi dòng" do hiện tượng nhập giang của sông Sim mang nhiều phù sa đục vào dòng chính trong xanh, tạo thành hai dòng chảy song song không hòa với nhau.

    Nghe ca khúc Con thuyền không bến của nhạc sĩ Đặng Thế Phong, có nhắc đến sông Thương.

    Sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang

    Sông Thương đoạn chảy qua thành phố Bắc Giang

  18. Ngũ Kinh
    Năm bộ sách kinh điển trong văn học Trung Hoa dùng làm nền tảng trong Nho giáo, được cho là do Khổng Tử san định, soạn thảo hay hiệu đính. Ngũ Kinh gồm có:

    1. Kinh Thi: sưu tập các bài thơ dân gian có từ trước Khổng Tử, nói nhiều về tình yêu nam nữ.
    2. Kinh Thư: ghi lại các truyền thuyết, biến cố về các đời vua cổ có trước Khổng Tử.
    3. Kinh Lễ: ghi chép các lễ nghi thời trước.
    4. Kinh Dịch: nói về các tư tưởng triết học của người Trung Hoa cổ đại dựa trên các khái niệm âm dương, bát quái...
    5. Kinh Xuân Thu: ghi lại các biến cố xảy ra ở nước Lỗ, quê hương của Khổng Tử. Xuân thu có nghĩa là mùa xuân và mùa thu, ý nói những sự việc đã xảy ra.

  19. Lưu Bình - Dương Lễ
    Tên một truyện thơ Nôm khuyết danh theo thể lục bát, kể về hai người bạn rất thân. Dương Lễ nhà nghèo nên cố công học hành, trong khi Lưu Bình nhà giàu lại lười biếng ham chơi. Sau Dương Lễ đỗ đạt, ra làm quan, còn Lưu Bình thì nhà cửa khánh kiệt. Khi tìm đến nhà Dương Lễ để nhờ giúp đỡ, Lưu Bình bị bạn bạc đãi, lánh mặt không tiếp, chỉ sai người ở dọn cơm hẩm dưa cà cho ăn. Chàng tủi nhục bỏ về, giữa đường gặp một người con gái tên là Châu Long. Nàng khuyên giải và lo liệu cho chàng ăn học. Sau này Lưu Bình đỗ Trạng nguyên, quay về thì không thấy Châu Long đâu. Khi đến phủ của Dương Lễ để mỉa mai trách móc bạn bạc nghĩa, Lưu Bình mới phát hiện ra Châu Long chính là vợ thứ ba của Dương Lễ, và tất cả là mưu kế của bạn để khích cho mình quyết chí tu tỉnh.

    Truyện thơ Lưu Bình - Dương Lễ đã được dựng thành các vở chèo, tuồng và truyện thơ theo thể lục bát qua nhiều thời kỳ, và trở thành biểu tượng về tình bạn khắng khít, tình vợ chồng chung thủy.

  20. Đây là cách gỡ bí của người hát câu đáp này, vì không có tài liệu nào chép tên cha mẹ của Lưu Bình, nên người hát đáp đã dùng chữ "hũ" gần nghĩa với chữ "bình" trong Lưu Bình để bịa ra cái tên Lưu Hũ, nhằm thoát câu bắt bí của người hát đố.
  21. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  22. Bố đĩ là người đàn ông dân dã trong làng nước, không có chức phận gì trong xã hội. Ông tổng là ông cai tổng, một người có quyền thế. Trên nguyên tắc, ông tổng quyền uy hơn bố đĩ, nhưng thực tế, kẻ nào có tiền thì được trọng vọng.
  23. Chợ Già
    Tên một cái chợ cũ nay thuộc xã Hoằng Kim, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  24. Quán Nam
    Một địa danh thuộc huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Phía Nam thành phố Thanh Hóa ngày nay cũng có một cây cầu gọi là cầu Quán Nam.
  25. Trinh Sơn
    Tên nôm là làng Chiêng, nay thuộc địa phận xã Hoằng Giang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây có đặc sản bún gọi là bún làng Chiêng. Bến đò ở đây cũng gọi là bến Chiêng.
  26. Dương Xá
    Tên Nôm là làng Giàng, nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Làng nằm bên dòng sông Mã, cạnh ngã ba Đầu. Đây là quê hương của Dương Đình Nghệ, người anh hùng đã khởi binh đánh đuổi quân Nam Hán giải phóng thành Đại La, giành quyền tự chủ cho đất nước Việt được 6 năm, và là bố vợ của Ngô Quyền.
  27. Đông Thổ
    Địa danh thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày nay.
  28. Đình Hương
    Tên một làng thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa ngày nay. Hiện nay ở Thanh Hóa có đường và chợ mang tên này.
  29. Quang Trung Nguyễn Huệ
    (1753 – 1792) Người anh hùng áo vải của dân tộc ta, người lãnh đạo phong trào Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài giữa hai vương triều chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Ông là một trong những nhà chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, quân sự xuất sắc trong lịch sử, với những trận đánh trong nội chiến và chống ngoại xâm chưa thất bại lần nào.

    Tượng đài hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ

    Tượng đài hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ

  30. Khăn xéo
    Một loại khăn bịt đầu ngày xưa, vừa để che mưa nắng vừa có thể làm tay nải để đựng đồ đạc khi cần. Cũng gọi là khăn chéo.
  31. Khúc nôi
    Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
  32. Ăn de
    Ăn nhín, ăn dè.
  33. Kiều
    Cầu (từ Hán Việt).
  34. Gối loan
    Gối của vợ chồng. Xem thêm chú thích loan.
  35. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  36. Đồng tịch đồng sàng
    Cùng chiếu cùng giường (từ Hán Việt đồng: cùng, tịch: chiếu; sàng: giường), dùng để chỉ quan hệ vợ chồng.