Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Vì chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  2. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  3. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  4. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  5. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  6. Hoàng Sa
    Một quần đảo của Việt Nam gồm khoảng 30 đảo, bãi san hô và mỏm đá ngầm nhỏ ở Biển Đông, cách đảo Lý Sơn khoảng 200 hải lí. Hoàng Sa có nghĩa là cát vàng hay bãi cát vàng. Các chính quyền của Việt Nam từ thế kỷ 17-18 đã tổ chức khai thác ở quần đảo này và đến đầu thế kỷ 19, nhà Nguyễn đã chính thức xác lập chủ quyền ở đây. Hiện nay, quần đảo này của Việt Nam đang bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.

    Đại Nam nhất thống toàn đồ được xuất bản năm 1838

    Quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt nam được vẽ trong Đại Nam nhất thống toàn đồ năm 1838

  7. Có bản chép: Tháng ba.
  8. Lễ khao lề thế lính
    Một lễ hội của nhân dân huyện đảo Lý Sơn được duy trì hàng trăm năm nay. Lễ nhằm khao quân, tế sống, và làm các nghi lễ thế mạng cho những người sắp xuống thuyền đi thực thi nhiệm vụ do triều đình nhà Nguyễn giao phó, mặt khác còn để tế lễ và tưởng nhớ những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa đã khuất. Khao lề tức là lệ khao định kì hằng năm giống như hình thức cúng việc lề mà một số nơi trong nước còn gìn giữ. Thế lính là nghi lễ tế sống, mang đậm yếu tố phù phép của đạo giáo nhằm thế mạng cho người đi lính. Khi buổi lễ tế thế lính Hoàng Sa kết thúc, người lính coi như “đã có một lần chết,” và “hùng binh” ấy (như cách gọi của vua Tự Đức) có quyền tin tưởng rằng mình sẽ không còn phải chết nữa và có thể an tâm làm nhiệm vụ trong ròng rã sáu tháng trên biển.

    Lễ khao lề thế lính ở đảo Lý Sơn

    Lễ khao lề thế lính ở đảo Lý Sơn

  9. Tam Hoàng Ngũ Đế
    Thời kỳ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc, và là các vị vua huyền thoại của Trung Quốc trong thời kỳ từ năm 2852 TCN tới 2205 TCN, ngay trước thời nhà Hạ. Tam Hoàng là ba vị vua đầu tiên của nước này, Ngũ Đế là năm vị vua nối tiếp theo Tam Hoàng, có công khai hóa dân tộc Trung Hoa, đưa dân tộc này thoát khỏi tình trạng sơ khai.

    Các học giả Trung Hoa không nhất trí với nhau về Tam Hoàng và Ngũ Đế cụ thể là ai.

    Tam hoàng, tùy theo ý kiến, có thể bao gồm Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông; hoặc Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng; hoặc Phục Hy, Thần Nông, Toại Nhân.

    Ngũ đế có thể là Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu, và Đế Thuấn; có thể là các vị thần ở các phương: Thiếu Hạo (đông), Chuyên Húc (bắc), Hoàng Đế (trung), Phục Hi (tây), Thần Nông (nam); hoặc có thể đồng nhất với Ngũ thị, bao gồm: Hữu Sào thị, Toại Nhân thị, Phục Hi thị, Nữ Oa thị, Thần Nông thị.

    Ngoài ra, còn có các thuyết khác về thành phần của Tam Hoàng Ngũ Đế.

     

  10. Tam Hoàng Ngũ Đế chi thư
    Sách của Tam Hoàng, Ngũ Đế.
  11. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  12. Phù Lưu
    Một ngôi làng cổ ở Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh, còn gọi là làng Giầu, Chợ Giầu. Làng có truyền thống buôn bán và văn hóa. Vào các thế kỷ 15, 16, 17, Phù Lưu là một làng chợ lớn nên mới có tên chữ là Thị thôn (làng chợ). Nay Thị Thôn là tên một thôn ở xã Hán Quảng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
  13. Người nghĩa
    Người thương, người tình.
  14. Lạc
    Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.

    Hạt lạc (đậu phộng)

    Hạt lạc (đậu phộng)

  15. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  16. Đầu thai
    Một khái niệm trong được tìm thấy trong các triết lý tôn giáo lớn của Ấn Độ, bao gồm Yoga, Phật giáo, đạo Jain và một số tôn giáo khác. Đó là niềm tin về việc con người có nhiều kiếp sống. Sau khi chết, mỗi người tùy theo các điều kiện riêng của mình sẽ tái sinh trong một kiếp mới, mang một thân phận mới. Thân phận này có thể là người, cũng có thể là những sinh linh khác như con vật hoặc cái dạng tồn tại khác.
  17. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  18. Tùng
    Cây thuộc họ thông, thân và tán có dáng đẹp. Tùng có rất nhiều loại, có loại cao lớn, cũng có loại làm cảnh nhỏ. Theo quan điểm Nho giáo, cây tùng thường được ví với lòng kiên trinh, người quân tử.

    Loại tùng bách mọc trên núi

    Loại tùng bách mọc trên núi

  19. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  20. Nhất niên nhất lệ
    Mỗi năm (chỉ có) một lần.
  21. Hát trống quân
    Hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và trung du Việt Nam, kể từ Thanh Hóa trở ra Bắc. Hát trống quân ở mỗi địa phương có khác nhau về làn điệu, lối hát và thời điểm hát, nhưng đều mang một số điểm chung như: những người tham gia chia thành hai bên "hát xướng" và "hát đáp", lời ca thường mang tính ứng đối, sử dụng trống dẫn nhịp gọi là "trống thùng", giữa những câu đối đáp có đoạn ngừng gọi là "lưu không".

    Hát trống quân thường được tổ chức vào rằm tháng bảy, tháng tám âm lịch, ngoài ra còn được tổ chức hát thi vào những ngày hội. Trong những ngày mùa, vào chiều tối, những người thợ gặt ở nơi khác đến thường tổ chức hát với nhau hoặc với trai gái trong làng.

    Hát trống quân

    Hát trống quân

    Xem phóng sự Hát trống quân - Nét dân ca của đồng bằng Bắc Bộ.

  22. Trai son gái hóa
    Không xứng đôi vừa lứa: trai thì trẻ trung, chưa vợ (son); gái đã góa (hóa) chồng.
  23. Trai tân
    Con trai chưa vợ.
  24. Thủ Đức
    Một địa danh thuộc Sài Gòn, nay là quận ở cửa ngõ Đông Bắc của thành phố Hồ Chí Minh. Về tên gọi Thủ Đức, có ý kiến cho rằng xưa ông Tạ Dương Minh (Tạ Huy), hiệu Thủ Đức, đã góp phần khai khẩn lập ấp vùng Linh Chiểu và xây dựng ngôi chợ đầu tiên tại đây mang tên hiệu của ông là chợ Thủ Đức. Lại có thuyết khác cho ông Tạ Dương Minh lấy tên vị quan tên Đức trấn thủ ngọn đồi nơi đây đặt tên chợ để tỏ lòng biết ơn.

    Chợ Thủ Đức

    Chợ Thủ Đức

  25. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  26. Cần Thơ
    Một thành phố nằm bên bờ sông Hậu, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1739, vùng đất Cần Thơ được khai phá và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang. Thời Nhà Nguyễn Cần Thơ là đất cũ của tỉnh An Giang. Thời Pháp thuộc, Cần Thơ được tách ra thành lập tỉnh, một thời được mệnh danh là Tây Đô, và là trung tâm của vùng Tây Nam Bộ. Hiện nay Cần Thơ là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương của nước ta.

    Cầu Cần Thơ

    Cầu Cần Thơ

  27. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  28. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  29. Khắc
    Đơn vị tính thời gian ban ngày thời xưa. Người xưa chia ban ngày ra thành sáu khắc (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo Lý Thái Thuận, khắc một là giờ Mão/Mạo (5h-7h), khắc hai là giờ Thìn (7h-9h), khắc ba là giờ Tị (9h-11h), khắc tư là giờ Ngọ (11h-13h), khắc năm là giờ Mùi (13-15h), khắc sáu là giờ Thân (15-17h). Theo đó, giờ Dậu (17-19h) không thuộc về ngày cũng như đêm. Xem thêm chú thích Canh.
  30. Gò Công
    Nay là tên một thị xã thuộc tỉnh Tiền Giang, giáp với thành phố Mỹ Tho. Tỉnh Gò Công ngày xưa bao gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây ngày nay. Gò Công Đông và Gò Công Tây là vùng duyên hải, có hai cửa biển của sông Tiền: cửa Đại và cửa Tiểu. Tên gọi Gò Công xuất phát từ việc vùng đất này trước đây có nhiều chim công (khổng tước), vì vậy tên Hán Việt của Gò Công là Khổng Tước Nguyên. Gò Công gắn liền với tên tuổi người anh hùng Trương Định.

    Phong cảnh Gò Công Đông

    Phong cảnh Gò Công Đông

  31. Ngù
    Núm tròn chụp lên chóp mũ nón, cán cờ, cán binh khí thời trước, thường có đính những tua màu đẹp rủ xuống hoặc chòm lông dài.
  32. Căn nợ
    Món nợ nần của đôi trai gái từ kiếp trước phải trả trong kiếp này, theo giáo lí nhà Phật.
  33. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  34. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu

  35. Cù lao Ông Chưởng
    Tên một cù lao thuộc tỉnh An Giang, nằm trên con rạch cùng tên chia nước từ sông Tiền qua sông Hậu. Tên cù lao và rạch được đặt theo tên của quan Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh. Cù lao này cùng với vùng đất hai bên bờ rạch rất màu mỡ, nhiều ruộng vườn tươi tốt, giàu tôm cá. Gia Định thành thông chí chép:

    Tục gọi là vàm Ông Chưởng; cửa sông nầy rộng 8 tầm, sâu 8 thước ta. Trước cửa sông có cù lao nhỏ và nhân tên sông mà gọi tên cù lao ấy, ở cách phía tây đạo Đông Khẩu 90 dặm rưỡi. Sông chảy vào nam 60 dặm rưỡi đến hạ khẩu rồi hợp lưu với Hậu Giang. Bờ phía tây có sở thủ ngự Hùng Sai, bờ phía tây thượng khẩu có miếu thờ Khâm sai Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn (Nguyễn Hữu Cảnh) vì dân ở đấy cho rằng ông có công dẹp yên Cao Miên, khai thác đất này, nên nhân dân nhớ công đức mà lập miếu thờ...

    Rạch Ông Chưởng

    Rạch Ông Chưởng

  36. Bến Lức
    Tên một huyện thuộc tỉnh Long An, là cửa ngõ phía Bắc của miền Tây Nam Bộ. Huyện Bến Lức cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 km về hướng tây nam và cách thành phố Tân An (thủ phủ Long An) 15 km về hướng đông bắc.
  37. Mắt xanh
    Do điển tích Thanh Bạch Nhãn, nghĩa là mắt xanh (đồng tử), tròng trắng. Nhà thơ Nguyễn Tịch, người đời Tấn, là người rất ưa rượu và đàn. Ông làm quan rồi cáo bệnh về nhà, kết bạn cùng Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàn, Sơn Đào, Hướng Tú và Vương Nhung, người thường gọi là "Trúc lâm thất hiền" (bảy người hiền ở rừng trúc). Khi tiếp khách hễ là hạng quân tử, là hạng người vừa lòng mình thì Nguyễn Tịch nhìn thẳng bằng tròng mắt xanh; trái lại khách là kẻ tầm thường, người không vừa lòng mình thì ông nhìn bằng đôi tròng trắng. Do điển đó, sau này người ta dùng chữ "mắt xanh" để chỉ sự bằng lòng, vừa ý.

    Bấy lâu nghe tiếng má đào,
    Mắt xanh chẳng để ai vào có không?

    (Truyện Kiều)

  38. Năm xung tháng hạn
    Thời kì gặp nhiều rủi ro, tai họa, theo quan điểm về lí số. Ví dụ, những người sinh vào năm thân thì dễ gặp xui xẻo trong những "năm xung" là Dần, Thân, Tị, Hợi.