Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  2. Phan Bá Vành
    Thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân từ năm 1821 đến năm 1827 chống lại ách thống trị của nhà Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng. Ông quê ở làng Minh Giám, nay là làng Nguyệt Lâm, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Vì là con thứ ba trong gia đình, ông còn được gọi là Ba Vành. Ba Vành có sức khỏe phi thường và tài ném lao. Khoảng năm 1821 (có sách chép là 1825 hoặc 1826), ông tập hợp dân nghèo nổi dậy, đánh chiếm nhiều đồn của quan quân nhà Nguyễn ở Thái Bình. Đến năm 1827 thì cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, Ba Vành bị bắt và cắn lưỡi tự sát trên đường áp giải về kinh.
  3. Dặm
    Đơn vị đo chiều dài được dùng ở Việt Nam và Trung Quốc ngày trước. Một dặm dài 400-600 m (tùy theo nguồn).
  4. Nuốt lống
    Nuốt không cần nhai.
  5. Ve
    Ve vãn, tán tỉnh.
  6. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  7. Linh đinh
    Lênh đênh (phương ngữ Nam Bộ). Nghĩa rộng là nay đây mai đó.
  8. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  9. Lạc
    Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.

    Hạt lạc (đậu phộng)

    Hạt lạc (đậu phộng)

  10. Đậu nành
    Một giống đậu rất phổ biến ở nước ta và trên cả thế giới. Hạt đậu nành được sử dụng rất đa dạng, bao gồm dùng trực tiếp (rang, luộc, nấu canh, nấu chè...) hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa...

    Hạt và các sản phẩm từ đậu nành

    Hạt và các sản phẩm từ đậu nành

  11. Sả
    Một loại cỏ cao, sống lâu năm, có mùi thơm như chanh. Tinh dầu sả được dùng để ướp tóc. Thân cây sả có thể làm gia vị.

    Sả

    Sả

  12. Rau húng
    Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.

    Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.

    Rau húng

    Húng lủi (húng Láng)

  13. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  14. Thủ
    Đầu (từ Hán Việt).
  15. Khăn rằn
    Một loại khăn đặc trưng của người Nam Bộ, thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn.

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

    Thiếu nữ Nam Bộ với áo bà ba và khăn rằn

  16. Cơm phiếu mẫu
    Một điển tích trong văn học Trung Quốc. Sở Vương Hàn Tín thuở hàn vi hay ngồi câu cá dưới thành, một bà làm nghề phiếu hàng lụa (giặt lụa đem phơi cho trắng) thương tình chia cho phần cơm. Được mươi bữa như thế, Tín cảm động hứa sau này sẽ cảm tạ, bà mới giận mắng: "Đại trượng phu không kiếm đủ miếng ăn, tôi thương tình mới cấp dưỡng chứ nào mong đền đáp?" Về sau Hàn Tín công thành danh toại, không quên ơn cũ, mời phiếu mẫu đến tặng nghìn vàng. Từ đó, cụm từ cơm phiếu mẫu được dùng để chỉ lòng giúp đỡ người khác khi hoạn nạn (có nguồn giảng là sự đền đáp ơn sâu nặng).

    Nghìn vàng gọi chút lễ thường
    Mà lòng phiếu mẫu, mấy vàng cho cân!

    (Truyện Kiều)

  17. Gối Trần Đoàn
    Một điển tích trong văn học Trung Quốc. Trần Đoàn, hiệu Hi Di tiên sinh, là một ẩn sĩ sống vào cuối đời Đường, đầu đời Tống, nổi tiếng học thức uyên thâm, đặc biệt về y, dược, lý, số, được cho là người sáng lập khoa tử vi Trung Hoa. Vua Tống nhiều lần mời ra làm quan nhưng ông đều từ chối. Tương truyền ông có thuật ngủ rất sâu, có thể ngủ hơn một trăm ngày mới dậy. Cách nói giấc Trần Đoàn chỉ giấc ngủ ngon, vô tư, thoát tục, không mộng mị.

    Tượng Trần Đoàn lão tổ ở núi Hoa Sơn (Thiểm Tây, Trung Quốc)

    Tượng Trần Đoàn lão tổ ở núi Hoa Sơn (Thiểm Tây, Trung Quốc)

  18. Nương long
    Ngực. Cũng hiểu là hông, bụng. Hiểu rộng ra là suy nghĩ, lòng dạ.

    Phúc gặp chúa đẹp duyên cá nước
    Mở nương long dâng chước luận môn

    (Thiên Nam minh giám)

  19. Câu ca dao tương truyền là thơ của nhà nho Phan Văn Trị vịnh "tứ khoái" (theo quan niệm dân gian, gồm: ăn, ngủ, đụ, ỉa).
  20. Phụng loan
    Đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng. Xem thêm chú thích phượngloan.
  21. Nhà Bè
    Tên một đoạn sông ngắn và cũng là tên một huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Đoạn sông Nhà Bè bắt đầu ở nơi giao nhau giữa sông Sài Gònsông Đồng Nai, chảy xuôi về phía Nam khoảng 12 km thì lại chia hai thành sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu. Xưa kia, tại khúc sông này, việc đi lại rất khó khăn, vì lòng sông rộng và nước chảy xiết. Ghe thuyền phải neo lại, đợi khi nào thuận lợi mới đi tiếp. Một phú hộ tên Võ Thủ Hoằng (thường gọi Thủ Huồn), nhằm chuộc lại tội lỗi trước đây, đã làm phước kết tre làm bè và cất nhà ở trên sông, chứa sẵn củi, gạo, nước ngọt để giúp khách đi đường thuỷ khỏi bị đói. Sau đó, nhiều người buôn bán cũng kết hàng chục chiếc bè, tạo thành chợ nổi trên sông. Vì vậy mới có địa danh Nhà Bè.

    Ngã ba sông Nhà bè nhìn từ  máy bay. Nhánh sông lớn phía trên bên trái là sông Sài Gòn.

    Ngã ba sông Nhà bè nhìn từ máy bay. Nhánh sông lớn phía trên bên phải là sông Sài Gòn.

  22. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  23. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Núi Bụt Mọc
    Cũng gọi là rú (núi) Bụt, tên chữ là Tiên Tích Sơn, một ngọn núi nằm trên địa bàn 3 xã Gia Hanh, Phú Lộc, Thường Nga, thuộc địa bàn huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Lưng núi có tảng đá giống hình người, có vết lõm của bàn chân khổng lồ gọi là Tiên Tích. Trên núi có chùa Bụt Sơn nổi tiếng.
  25. Trụt
    Tụt (phương ngữ).
  26. Khe Giao
    Một làng nay thuộc xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
  27. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  28. Hổi
    Khô, héo. Còn có nghĩa là hư, hỏng, thất bại (phương ngữ Nam Bộ).