Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trương Định
    Còn có tên là Trương Công Định hoặc Trương Đăng Định, một võ quan dưới thời vua Tự Đức triều Nguyễn và là thủ lĩnh chống Pháp trong giai đoạn 1859-1864. Ông sinh tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Tháng 2 năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, Trương Định đem quân đồn điền của mình lên đóng ở Thuận Kiều, bắt đầu chống Pháp. Ông tổ chức lực lượng, triển khai tác chiến trong các vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười và kéo dài đến tận biên giới Campuchia. Ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình Huế ký kết hòa ước với Pháp, ra lệnh cho tất cả các lực lượng chống Pháp phải bãi binh. Trương Định kháng mệnh vua, rút quân về Gò Công, xưng là Trung thiên tướng quân, và được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái, tiếp tục đánh Pháp. Ngày 19 tháng 8 năm 1864, Huỳnh Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Bản doanh Đám lá tối trời thất thủ, Trương Định bị trọng thương và rút gươm tự sát lúc rạng sáng ngày 20. Khi ấy, ông 44 tuổi.

    Trương Định

    Trương Định

    Xem vở cải lương Cờ nghĩa giồng Sơn Quy nói về cuộc khởi nghĩa Trương Định.

  2. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  3. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  4. Khóc điếng
    Khóc ngất, khóc một hơi dài (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  6. Chàm
    Màu xanh gần với xanh lam và tím. Có một loại cây tên là cây chàm, được dùng để chế thuốc nhuộm màu chàm, được sử dụng để nhuộm vải. Thuốc nhuộm màu chàm cũng gọi là chàm. Việc nhuộm vải màu chàm cũng gọi là nhuộm chàm.

    Nhuộm chàm

    Nhuộm chàm

  7. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  8. Kẻ Quát
    Một làng nằm về phía tả ngạn sông Ngàn Phố, thuộc địa phận xã Sơn Giang huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
  9. Xuân Trì
    Tên Nôm là kẻ E, một làng nay thuộc xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
  10. Nang
    Cái túi (từ Hán Việt).
  11. Tất niên
    Cuối năm (từ Hán Việt).
  12. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  13. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  14. Độc bình
    Đọc trại là lục bình hoặc lộc bình, một vật dụng bằng gỗ, sứ hoặc đồng, dạnh thuôn, cổ cao, dùng để cắm hoa trên bàn thờ hoặc để trang trí.

    Độc bình sứ

    Độc bình sứ

  15. Thư thư
    Thong thả, từ từ, không bức bách.
  16. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  17. Nác
    Nước (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  18. Khái
    Con hổ.
  19. Lòi
    Lùm cây, bụi rậm (phương ngữ Nghệ Tĩnh).
  20. "Xanh cọng, nóng nác" chỉ việc luộc rau chưa chín. Cả câu ý nói hấp tấp, thiếu chín chắn thì dễ gặp tai vạ.
  21. Có bản chép: mười sáu.
  22. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  23. Quạ khoang
    Một giống quạ có bộ lông màu đen, ánh đỏ tím, quanh cổ có một khoang màu trắng. Trong ca dao dân ca, quạ khoang nói riêng và quạ nói chung thường dùng để chỉ những người thấp hèn.

    Quạ khoang

    Quạ khoang

  24. Có bản chép: còn như.
  25. Gạo
    Loại cây thân mộc, có hoa đỏ thường nở vào tháng 3 âm lịch, thời điểm hết xuân sang hè. Cũng như cây đa, cây hoa gạo là một nét bản sắc quen thuộc của làng quê Việt Nam, thường mọc ở đầu làng, cạnh đình, bến sông... Hoa gạo còn có tên Hán Việt là mộc miên, người Tây Nguyên gọi là hoa pơ-lang.

    Cây hoa gạo

    Cây gạo

  26. Hội Gióng
    Một lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của Thánh Gióng. Có hai hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm. Các nghi lễ truyền thống trong lễ hội gồm có lễ rước, lễ dâng hương, lễ hóa voi và ngựa, hoạt cảnh đánh giặc Ân...

    Hội Gióng

    Hội Gióng

  27. Thánh Gióng
    Cũng gọi là Phù Đổng Thiên Vương, một trong bốn vị Thánh bất tử trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam (tứ bất tử). Theo truyền thuyết, ông sinh ra tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, thời vua Hùng thứ 6. Gióng lên ba tuổi vẫn chưa biết nói, biết đi. Khi giặc Ân sang xâm lược nước ta, Gióng bỗng nhiên cất tiếng xin vua đóng cho ngựa sắt, roi sắt, giáp sắt và nón sắt. Sau đó Gióng ăn hết bảy nong cơm, ba nong cà, vươn vai trở thành một chàng trai cao lớn, lên ngựa đi đánh tan giặc, rồi bay về trời tại chân núi Sóc Sơn.

    Hiện nay tại làng Phù Đổng vẫn còn đền thờ Thánh Gióng. Ở nhiều làng quê Hà Nội cũng có ngày hội Gióng.

  28. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  29. Nhật thực
    Hiện tượng thiên văn học xảy ra khi mặt trăng chen vào giữa mặt trời và trái đất. Khi quan sát từ trái đất, mặt trăng che khuất một phần hay toàn bộ mặt trời, làm trời tối giữa ban ngày và cho cảm giác mặt trời bị mặt trăng ăn (thực).
  30. Giờ Ngọ
    Khoảng thời gian từ khoảng 11 giờ trưa đến 1 giờ chiều. Xem thêm Khắc.
  31. Bài ca dao này nói về trận bão năm Giáp Thìn (1904). Các cụ già kể lại: Một trận mưa bão dữ dội kéo dài suốt ngày 13 tháng 3 âm lịch làm trời đất tối âm u.
  32. Lỗ Ban
    Được xem là ông tổ của nghề mộc và nghề xây dựng. Có nguồn dẫn rằng ông là một thợ mộc rất giỏi của nước Lỗ (nay là tỉnh Sơn Đông) thời Xuân Thu (770-476 TCN), tên là Ban, nên gọi là Lỗ Ban (ông Ban người nước Lỗ). Theo dân gian, trong nghề mộc có “bùa Lỗ Ban” do những người thợ mộc dùng ếm cho chủ nhà phải gặp tai ương.