Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tiểu nhân
    Một khái niệm của Nho giáo, chỉ những người hèn hạ, thiếu nhân cách, không có những phẩm chất cao thượng và lí tưởng lớn. Trái nghĩa với tiểu nhân là quân tử.
  2. Nam nhân như chấy, nữ nhân như rận
    Một cách nói bỡn cợt có nguồn gốc từ câu "Nam nhi chi chí, nữ nhi chi hạnh."
  3. Đà
    Màu nâu sẫm. Ở một số tỉnh miền Trung (Phú Yên, Bình Định...) màu này cũng được gọi là màu dà. Thuốc nhuộm màu dà được lấy từ cây dà.

    Da thuộc màu đà

    Da thuộc màu đà

  4. Tàu thủy.
  5. Héo don
    Héo hon (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  6. Bánh ít
    Loại bánh dẻo làm bằng bột nếp, có mặt ở nhiều địa phương, có nơi gọi là bánh ếch hay bánh ết. Tùy theo từng vùng mà bánh ít có hình dạng và mùi vị khác nhau: hình vuông, hình tháp, hình trụ dài, gói lá chuối, lá dứa, không nhân, nhân mặn, nhân ngọt... Bánh ít là món bánh không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, giỗ cúng.

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít lá gai

    Bánh ít trần

    Bánh ít trần

  7. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

  8. Hòa Đại
    Tên một làng nay thuộc xã Cát Hiệu, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.
  9. Có bản chép: thâu đêm.
  10. Ghế
    Độn (cho khoai, sắn, bắp... vào nồi cơm, thường là để tiết kiệm gạo).

    Cơm độn khoai

    Cơm độn khoai

  11. Bủa
    Từ từ Hán Việt bố, nghĩa là giăng ra trên một diện tích rộng lớn (bủa lưới, vây bủa, sóng bủa...).
  12. Bãi Bàng
    Tên một bãi cát thuộc thôn Phú Ốc, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Bãi chạy dài khoảng 300m, phía nam gần với gành Đá Dĩa, cách chừng 100m.

    Tương truyền khi Nguyễn Ánh cùng quân lính bôn tẩu vào Nam, bị quân Tây Sơn chặn đánh tan rã, phải cùng một số cận thần chạy thoát xuống thôn Hội Phú. Quân Tây Sơn đuổi đến thôn Hội Phú, bỗng dưng trời tối như mực, cho là điềm lạ nên không dám xua quân vượt núi. Nguyễn Ánh vượt qua khỏi núi đến dừng chân tạm nơi bãi biển này. Lúc bấy giờ số tàn quân và tướng tá tùy tùng tìm đến, họp bàn rồi dùng thuyền vượt biển vào Nam. Các cụ lão làng lân cận kể lại, từ đó bãi này có tên Bãi Bàng (giọng miền Trung không phân biệt bànbàng).

  13. Hàng xén
    Cửa hàng tạp hóa hoặc gánh hàng chuyên bán những thứ vặt vãnh như kim, chỉ, đá lửa, giấy bút...

    Những cô hàng xén răng đen
    Cười như mùa thu tỏa nắng
    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

  14. Phất
    Dán giấy hay lụa phủ lên khung, thường làm bằng tre hoặc gỗ, để tạo thành đồ vật như quạt, đèn lồng, diều.

    Phất quạt lụa (làng Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội)

    Phất quạt lụa (làng Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội)

  15. Thép
    Chực, nhờ của người khác. Bú thép là bú nhờ; ăn thép là ăn chực.
  16. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  17. Nạ
    Mẹ. Theo học giả An Chi, đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn từ chữ 女 (nữ).
  18. Mỹ Xuyên
    Tên một làng cổ thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Làng này nổi tiếng là nơi có nhiều sắc phong nhất Việt Nam.
  19. Niền
    Cái đai, cái vành của một vật gì (ví dụ như cối xay).
  20. Vàng Danh
    Địa danh nay là một phường thuộc thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây có mỏ than Uông Bí, đã được khai thác từ thời Pháp thuộc.
  21. Rau sam
    Một loại cỏ dại sống quanh năm ở những vùng ẩm mát như bờ ruộng, bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong những luống hoa màu. Thân gồm nhiều cành màu đỏ nhạt, lá hình bầu dục, phiến lá dày, mặt láng, mọc bò lan trên mặt đất. Rau sam có thể dùng để ăn như những loại rau trồng khác. Rau sam phơi khô dùng làm thuốc.

    Rau sam

    Rau sam

  22. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  23. Hòa An
    Một xã thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Vùng này trước kia có nghề trồng và làm thuốc lá với thương hiệu thuốc lá Hòa An nổi tiếng một thời, nay không còn.
  24. Cá trê
    Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.

    Cá trê

    Cá trê

  25. Kênh Vĩnh Tế
    Một con kênh đào nằm song song với đường biên giới Việt Nam-Campuchia, bắt đầu từ bờ tây sông Châu Đốc thẳng nối giáp với sông Giang Thành, thuộc thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang ngày nay. Kênh được vua Gia Long cho bắt đầu đào với tháng 9 âm lịch năm 1819 đến tháng 5 âm lịch năm 1824 mới xong, qua hai lần tạm ngừng rồi tiếp tục đào. Đại Nam nhất thống chí chép: Từ ấy đường sông lưu thông, từ kế hoạch trong nước, phòng giữ ngoài biên cho tới nhân dân mua bán đều được tiện lợi vô cùng.

    Kênh Vĩnh Tế đoạn chảy qua Châu Đốc, An Giang

    Kênh Vĩnh Tế đoạn chảy qua Châu Đốc, An Giang

  26. Thoại Ngọc Hầu
    (1761-1829) Tên thật là Nguyễn Văn Thoại hay Nguyễn Văn Thụy, một danh tướng nhà Nguyễn. Ông là người có công rất lớn trong việc khai khẩn vùng Châu Đốc-An Giang hiện nay, với các công trình đào kênh Vĩnh Tế, làm đường Núi Sam-Châu Đốc, lập nhiều làng xã... Sau khi mất, ông được an táng trong lăng dưới chân núi Sam, người dân cũng gọi là lăng Ông Lớn.

    Tượng Thoại Ngọc Hầu trong đền thờ ông dưới chân núi Sam

    Tượng Thoại Ngọc Hầu trong đền thờ ông dưới chân núi Sam

  27. Chiêu an
    Kêu gọi kẻ chống đối đầu hàng để cho yên ổn, hoặc kêu gọi nhân dân trở về làm ăn sinh sống sau chiến tranh.
  28. Ông Núi
    Tương truyền năm Nhâm Ngọ 1702, có vị thiền sư Tánh Ban (tục danh Lê Ban) lên đỉnh Chóp Vung thuộc dãy Núi Bà lập chùa tranh, gọi là Dũng Tuyền tự (chùa Suối). Nhà sư dùng vỏ cây kết làm áo mặc nên nhân dân gọi là Mộc Y Sơn Ông, nghĩa là "ông Núi mặc áo vỏ cây." Sau chúa Nguyễn nghe tin, cho là đáng bậc chân tu, năm Quý Sửu (1733) truyền dựng nơi đây ngôi chùa ngói, đặt tên là Linh Phong Thiền tự, gọi tắt là chùa Linh Phong, nhưng dân chúng vẫn quen gọi là chùa Ông Núi. Lễ hội chùa Ông Núi được tổ chức vào ngày 24-25 tháng giêng hàng năm, là một trong những lễ hội lớn nhất của tỉnh Bình Định.

    Chùa Ông Núi

    Chùa Ông Núi

  29. Sơn thủy
    Núi sông (từ Hán Việt).
  30. Tà huy
    Ánh nắng (暉 huy) nghiêng (斜 tà). Chỉ ánh nắng buổi chiều, đồng thời hiểu rộng ra là buổi chiều.

    Em về rũ áo mù sa,
    Trút quần phong nhụy cho tà huy bay

    (Bùi Giáng)