Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ngã Bảy
    Địa danh nay là một thị xã thuộc tỉnh Hậu Giang, là nơi gặp nhau của bảy dòng kênh là Xẻo Môn, Xẻo Đông, Bún Tàu, Lái Hiếu, Cái Côn, Mang Cá và kênh Xáng. Trước đây ở đây có chợ nổi Ngã Bảy (cũng gọi là chợ Phụng Hiệp), một khu chợ trên sông nổi tiếng của vùng Tây Nam Bộ, là đầu mối buôn bán giao thương rất sầm uất. Chợ nổi Ngã Bảy được nhắc đến trong bản vọng cổ Tình anh bán chiếu của cố soạn giả Viễn Châu:

    Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào bên dòng kinh Ngã Bảy
    Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào?

    Chợ Ngã Bảy

    Chợ Ngã Bảy

  2. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Ba Gà.
  3. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  4. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  5. Tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, hằng năm từ mùng 4 đến mùng 7 có hội đua ghe hàng năm, sau đó là hội dội bòng. Người ta xây một lễ đài để làm lễ gọi là “nhà trò,” trước nhà trò trên bãi biển rộng, ở hai đầu bãi dựng hai cây tre có ngọn, cao chừng 4 mét, trên mỗi cây tre có treo một giỏ tre, trong khi diễn ra cuộc chơi thì hai phe cử hai người giữ hai cột tre của nhau, để mỗi khi quả bòng được dồi vào thì cố lắc mạnh để quả bòng khó lọt được vào giỏ tre, nếu người phe nào giành được quả bòng và ném lọt vào giỏ tre của phe mình là xem như thắng cuộc.
  6. Trảy
    Loại cây thuộc họ tre trúc, thân thẳng, không có gai.
  7. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  8. Phước Kiều
    Tên một làng nay thuộc thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, hình thành từ hơn 400 năm nay. Làng này nổi tiếng cả nước với nghề đúc các loại nhạc cụ truyền thống như thanh la, chiêng, tạ... và các vật dụng, hàng mĩ nghệ bằng đồng.

    Đúc đồng ở làng đúc Phước Kiều

    Đúc đồng ở làng đúc Phước Kiều

  9. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  10. Đây là một cách nói vui về hai làng nghề Phước Kiều và Thanh Hà. Khi đúc xong chiêng đồng, thợ đúc của làng Phước Kiều thực hiện công đoạn “dạy tiếng,” nghĩa là phải đánh liên tục để chỉnh sửa cho âm thanh đạt đến độ trong, thanh và vang. Tiếng thử chiêng ấy rất giống tiếng chiêng của đám ma. Tương tự, các lò nung gốm ở Thanh Hà hằng ngày thải khói bay lên trời nghi ngút giống như nhà cháy.
  11. Cù lao Ông Chưởng
    Tên một cù lao thuộc tỉnh An Giang, nằm trên con rạch cùng tên chia nước từ sông Tiền qua sông Hậu. Tên cù lao và rạch được đặt theo tên của quan Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh. Cù lao này cùng với vùng đất hai bên bờ rạch rất màu mỡ, nhiều ruộng vườn tươi tốt, giàu tôm cá. Gia Định thành thông chí chép:

    Tục gọi là vàm Ông Chưởng; cửa sông nầy rộng 8 tầm, sâu 8 thước ta. Trước cửa sông có cù lao nhỏ và nhân tên sông mà gọi tên cù lao ấy, ở cách phía tây đạo Đông Khẩu 90 dặm rưỡi. Sông chảy vào nam 60 dặm rưỡi đến hạ khẩu rồi hợp lưu với Hậu Giang. Bờ phía tây có sở thủ ngự Hùng Sai, bờ phía tây thượng khẩu có miếu thờ Khâm sai Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn (Nguyễn Hữu Cảnh) vì dân ở đấy cho rằng ông có công dẹp yên Cao Miên, khai thác đất này, nên nhân dân nhớ công đức mà lập miếu thờ...

    Rạch Ông Chưởng

    Rạch Ông Chưởng

  12. Vàm Nao
    Tên một con sông tại tỉnh An Giang, nối sông Tiền với sông Hậu. Theo học giả Vương Hồng Sển, sông này "đứng làm ranh giới giữa Long Xuyên và Châu Đốc, chảy dọc theo làng Hòa Hảo... Vì nước chảy như cắt, sóng to, xoáy tròn khu ốc, nên gọi là Hồi Oa, nôm gọi là Vàm Nao, do tiếng Cơ Me (Khmer) là 'pãm pênk nàv'."
  13. Cá bông lau
    Một loại cá nước lợ có nhiều ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cá có mình trắng, da trơn, thân có lớp mỡ dày rất béo. Cá bông lau gắn liền với các món ăn dân dã đặc trưng miền Tây Nam Bộ như canh chua cá bông lau, cá bông lau kho tộ...

    Cá bông lau

    Cá bông lau

    Cá bông lau kho tộ

    Cá bông lau kho tộ

  14. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  15. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  16. Luống
    Uổng phí, để mất (từ cổ).

    Tôi viết chiều nay, chiều tưởng vọng
    Làm thơ mình lại tặng riêng mình
    Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
    Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh

    (Trắc ẩn - Quang Dũng)

  17. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  18. Ý muốn nhắc đến tích Quan Vân Trường về hàng Tào Tháo trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung: Tào Tháo khởi 20 vạn quân đánh Lưu Bị. Lưu Bị thua to phải chạy sang nương nhờ Viên Thiệu. Bấy giờ, Quan Vân Trường đóng giữ Hạ Bì. Tào Tháo đem quân đến đánh, Hạ Bì thất thủ. Vân Trường phải rút quân lên núi đất đóng quân tạm nghỉ. Tào Tháo cho Trương Liêu lên dụ Quan Vân Trường hàng. Thế cô lực kiệt, Vân Trường nói: "Tôi có 3 điều giao ước, nếu Thừa tướng (Tào Tháo) nghe cho, tôi xin lập tức cởi giáp lại hàng, nhược bằng không nghe, tôi đành chịu 3 tội mà chết. Một là: Ta cùng Hoàng Thúc (chỉ Lưu Bị) có lập lời thề cùng nhau giúp nhà Hán, nay ta chỉ hàng vua Hán, không hàng Tào Tháo. Hai là: hai chị dâu ta phải được cấp dưỡng theo bổng lộc của Hoàng Thúc, nhất nhất người ngoài không được đến cửa. Ba là: Hễ ta được thấy Hoàng thúc ở đâu, ta lập tức cáo từ rồi đi theo. Ba điều ấy nếu thiếu một điều, ta nhất địnhkhông hàng." Tào Tháo ưng thuận, Quan Vân Trường bèn quy hàng Tào.
  19. Trượng phu
    Người đàn ông có khí phách, giỏi giang, hào kiệt.
  20. Ảng
    Đồ chứa nước sinh hoạt hình tròn giống cái lu, được đúc bằng xi măng, thường thấy ở các vùng quê Quảng Nam.
  21. Lỗ lù
    Lỗ khoét trên thành hoặc dưới đáy các vật đựng nước hay ghe thuyền, dùng để xả nước khi cần.
  22. Mỗi cái ảng có một cái lù, nhưng nếu anh chàng này ngây thơ mà trả lời “hai cặp ảng là bốn cái lù” thì rơi vào bẫy của cô gái ngay, vì “bốn lù” nói lái lại thành “bú l…”
  23. Cây trước
    Cây trúc (cách phát âm của người Nam Bộ).
  24. Vầy
    Vầy duyên, kết duyên (phương ngữ Nam Bộ).