Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bằng hữu chi giao
    Tình nghĩa bạn bè. Theo Trung Dung (một trong Tứ thư): Quân thần dã, phụ tử dã, phu phụ dã, côn đệ dã, bằng hữu chi giao dã; ngũ dã thiên hạ chi đạt đạo dã (Đạo vua tôi, cha con, chồng vợ, anh em, bạn bè giao thiệp; đó là năm đường lối thành tựu của con người).
  2. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  3. Vong
    Quên (từ Hán Việt).
  4. Chầy
    Trễ, chậm (từ cổ). Trong ca dao ta cũng thường gặp cụm từ "canh chầy," nghĩa là canh khuya, đêm khuya.
  5. Vu quy
    Về nhà chồng.
  6. Tài tử giai nhân
    Người con trai có tài, người con gái có sắc. Chỉ những người tài sắc nói chung.

    Dập dìu tài tử giai nhân
    Ngựa xe như nước, áo quần như nêm

    (Truyện Kiều)

  7. Giang hồ
    Từ hai chữ Tam giang (ba dòng sông: Kinh Giang thuộc Hồ Bắc, Tùng Giang thuộc Giang Tô, Chiết Giang thuộc tỉnh Chiết Giang) và Ngũ hồ (năm cái hồ: Bà Dương Hồ thuộc Giang Tây, Thanh Thảo Hồ và Động Đình Hồ thuộc Hồ Nam, Đan Dương Hồ và Thái Hồ thuộc Giang Tô) đều là các địa danh được nhiều người đến ngao du, ngoạn cảnh ở Trung Hoa ngày xưa. Từ giang hồ vì thế chỉ những người sống phóng khoáng, hay đi đây đi đó, không nhà cửa. Nếu dùng cho phụ nữ, từ này lại mang nghĩa là trăng hoa, không đứng đắn.

    Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
    Hình như ta mới khóc hôm qua
    Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
    Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

    (Giang hồ - Phạm Hữu Quang)

  8. Nằm đò
    Đi đò dọc (tiếng địa phương).
  9. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  10. Chợ Chì
    Ngôi chợ ở làng Chì, nay thuộc địa phận xã Bồng Lai, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh.
  11. Làm giàu bất nhân, làm nhân bất phú
    Làm giàu thì khó ăn ở nhân từ, có đạo nghĩa, và ngược lại.
  12. Tịnh Tâm
    Tên một hồ nước trong kinh thành Huế, nguyên là vết tích của sông Kim Long, dưới thời vua Minh Mạng được cải tạo thành hồ hình chữ nhật làm chỗ tiêu dao, giải trí. Trên hồ có ba đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Dưới thời vua Thiệu Trị hồ được coi là một trong 20 cảnh đẹp của đất Thần Kinh. Đây cũng là nơi hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân giả làm người câu cá bí mật gặp vua Duy Tân bàn kế hoạch cho phong trào Duy Tân chống Pháp.

    Hồ Tịnh Tâm

    Cảnh hồ Tịnh Tâm

  13. Bách Diệp
    Một loại sen quý, hoa có nhiều cánh nhỏ màu hồng ("bách diệp" nghĩa là "trăm cánh").

    Sen Bách Diệp

    Sen Bách Diệp

  14. Có bản chép: sen Bách Hợp.
  15. Hương Cần
    Một làng bên sông Bồ, thuộc xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên–Huế. Quýt Hương Cần là giống quýt quý hiếm nổi tiếng, sinh thời Nguyễn Du và Tùng Thiện Vương có làm thơ ca tụng.

    Quýt Hương Cần

    Quýt Hương Cần

  16. Cầu ngói Thanh Toàn
    Cây cầu vồng bằng gỗ bắc qua một con mương làng Thanh Thủy Chánh, thuộc xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách thành phố Huế khoảng 8 km về phía Đông Nam. Cầu được xây vào thế kỉ 16, theo lối "thượng gia hạ kiều," được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở nước ta.

    Cầu ngói Thanh Toàn

    Cầu ngói Thanh Toàn

  17. Có bản chép: Cho em.
  18. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  19. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  20. Phù Mỹ
    Một huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Bình Định. Thắng cảnh của Phù Mỹ tuy hoang sơ nhưng đẹp như: Chùa Hang, Giếng Tiên, di tích lịch sử đèo Nhông, đặc biệt phía đông là một vùng biển đẹp kéo dài từ Vĩnh Lợi đến cửa Hà Ra.
  21. Phù Cát
    Một huyện miền biển thuộc tỉnh Bình Định. Huyện có nhiều cảnh đẹp như bãi biển Cát Tiến, Đề Gi, suối nước nóng Hội Vân chùa Ông Núi... nổi tiếng nhất có lẽ là hòn Vọng Phu ở Núi Bà. Phù Cát còn có các làng nghề truyền thống như: đan lát Trung Chánh, gạch ngói Gia Thạnh, làng muối Đức Phổ, nước mắm cá cơm Đề Gi, đá mĩ nghệ Cát Tường...

    Biển Trung Lương (Cát Tiến)

    Biển Trung Lương (Cát Tiến)

  22. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  23. Bình Khê
    Tên cũ của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

    Bảo tàng Quang Trung thuộc Tây Sơn, Bình Định

    Bảo tàng Quang Trung thuộc Tây Sơn, Bình Định

  24. Xống
    Váy (từ cổ).
  25. Giang
    Cũng gọi là lá giang, một loại cây dây leo cho lá có vị chua (nên còn có tên là cây giang chua). Lá giang thường dùng để nấu canh hoặc lẩu, tạo thành những món ăn có vị chua rất đặc trưng.

    Lá giang

    Lá giang

    Canh gà lá giang

    Canh gà lá giang

  26. Gạo
    Loại cây thân mộc, có hoa đỏ thường nở vào tháng 3 âm lịch, thời điểm hết xuân sang hè. Cũng như cây đa, cây hoa gạo là một nét bản sắc quen thuộc của làng quê Việt Nam, thường mọc ở đầu làng, cạnh đình, bến sông... Hoa gạo còn có tên Hán Việt là mộc miên, người Tây Nguyên gọi là hoa pơ-lang.

    Cây hoa gạo

    Cây gạo

  27. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  28. Đông Phù
    Tên nôm là làng Nhót, nay thuộc xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội. Trước đây Đông Phù là vùng đất trọng yếu ở phía nam kinh thành Thăng Long, nơi có đường bộ, đường thuỷ khá thuận tiện cho việc giao thương. Thời 12 sứ quân, tướng Nguyễn Siêu lập đại bản doanh ngay trên đất này, nay còn dấu vết thành luỹ. Cuối năm 1426, Bình Định Vương Lê Lợi bao vây quân Minh ở thành Đông Quan, đã đặt sở chỉ huy tại đình làng. Hơn 300 năm sau, đại quân Nguyễn Huệ từ Phú Xuân ra giải phóng Thăng Long cũng có qua Đông Phù.
  29. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  30. Vồ
    Dụng cụ gồm một đoạn gỗ chắc và nặng có tra cán, dùng để nện, đập. Trong nông nghiệp, vồ được dùng để đập cho đất nhỏ ra.

    Cái vồ

    Cái vồ

  31. Giã ơn
    Cảm tạ ơn.

    Kíp truyền thu lễ, trao lời giã ơn
    (Nhị Độ Mai)

  32. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  33. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai