Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  2. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  3. 3 ngày này thường bị xem là ngày xấu, nhưng có thuyết cho rằng đó là ba ngày tốt nhất trong cả tháng. Vì vậy cho nên ngày xưa vua chúa thường chọn 3 ngày này để đi du ngoạn.  Nhưng vì vua chúa đi đâu cũng có binh lính dẹp đường, dân chúng thì không được phép nhìn mặt vua chúa, phải cúi rạp hai bên vệ đường, chờ cho xa giá đi qua mới được đứng dậy. Cho nên muốn được việc, đành phải tìm đường khác đi cho nhanh, đỡ mất thì giờ, nhiều khi phải bỏ việc quay trở về. Dần dần, trở thành phong tục trong dân gian là tránh 3 ngày này và gọi 3 ngày này là ngày Nguyệt kỵ, tức là ngày kiêng kỵ xuất hành của từng tháng.
  4. Bánh lá dong
    Bánh gói bằng lá dong.

    Bánh tét và bánh chưng gói lá dong

    Bánh tét và bánh chưng gói lá dong

  5. Trâm anh
    Cái trâm cài đầu và dải mũ; dùng để chỉ dòng dõi quyền quý, cao sang trong xã hội phong kiến.
  6. Bợp xợp
    Tóc tai rối bù, dài ngắn không đều (khẩu ngữ).
  7. Thanh Hà
    Tên một ngôi làng ở Quảng Nam, nằm ngay bên bờ sông Thu Bồn, cách phố cổ Hội An chừng 3 km về hướng Tây. Làng có nghề làm gốm truyền thống từ đầu thế kỉ 16.

    Gốm Thanh Hà

    Gốm Thanh Hà

  8. Hát đúm
    Một loại hình ca hát dân gian ở các tỉnh phía Bắc (nổi bật nhất là huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng), do nhiều thanh niên trai gái cùng tham gia, thường ở dạng đối đáp. Theo người dân vùng ven biển Thủy Nguyên thì hát đúm đã có ở đây cách ngày nay khoảng bảy, tám trăm năm vào thời nhà Trần, nhưng có lẽ phải tới thế kỉ 16 (thời nhà Mạc), sau khi chùa Kiến Linh được tạo dựng ở Phục Lễ thì nó thực sự mới được hát trong lễ hội chùa.

    Xem video về lễ hội hát đúm ở Thủy Nguyên.

  9. Đu tiên
    Một trò chơi có nguồn gốc từ miền Bắc, được tổ chức trong các dịp lễ hội, nhất là dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh cây đu, người ta treo một chiếc khăn hồng ở độ cao xấp xỉ chiều cao giá đu. Người dự cuộc đu phải đưa cánh đu bay cao, giật cho được chiếc khăn kia, mới được coi là thắng cuộc. Ngoài việc đu cao, họ còn phải nhún sao cho đẹp mắt, thì mới được tán thưởng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết: “Ất Tị, năm thứ tám niên hiệu Đại Trị đời Trần Dụ Tông (1363)… mùa xuân, tháng Giêng, người Chiêm Thành đến bắt dân ở châu Hóa. Hàng năm, cứ đến mùa xuân tháng Giêng, con trai, con gái họp nhau đánh đu ở Bà Dương. Người Chiêm Thành khoảng tháng 12 năm trước, nấp sẵn ở nơi đầu nguồn của châu Hóa, đến khi ấy ụp đến cướp bắt lấy người đem về.”

    Đu tiên

    Đu tiên

  10. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  11. Trù
    Trầu (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  12. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  13. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  14. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  15. Nồi
    Nùi (phương ngữ Nam Bộ).
  16. Khoảng đất nổi cao lên giữa nơi bằng phẳng.
  17. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

  18. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Thiên linh linh, địa linh linh
    Một câu "thần chú" theo tín ngưỡng dân gian. Cũng có nơi ghi và đọc là "Thiên minh minh, địa minh minh."
  20. Nam Phổ
    Còn gọi là Nam Phố, tên một làng nay thuộc xã Phú Thượng, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tại đây có một đặc sản nổi tiếng là bánh canh Nam Phổ. Trước đây ở vùng đất này cũng có nghề trồng cau truyền thống - cau Nam Phổ là một trong những sản vật tiêu biểu của Phú Xuân-Thuận Hóa ngày xưa.

    Bánh canh Nam Phổ

    Bánh canh Nam Phổ

  21. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  22. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  23. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  24. Do hà cớ sự
    Bởi cớ sự ra sao? (chữ Hán).
  25. Bạn vàng
    Bạn thân, bạn quý. Thường dùng để chỉ người yêu.
  26. Đồng Tháp
    Một tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Tháp nằm ở cửa ngõ của sông Tiền, có đường biên giới giáp với Campuchia, nổi tiếng với những đầm sen, bàu sen... Ngó và hạt sen là những đặc sản của vùng này.

    Đầm sen Đồng Tháp

    Đầm sen Đồng Tháp

  27. Võ Duy Dương
    (1827-1866) Lãnh tụ cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp (1862-1866) ở Đồng Tháp Mười. Ông giữ chức Thiên hộ, nên cũng được gọi là Thiên Hộ Dương. Ông sinh ra ở Bình Định, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, giỏi võ nghệ. Tháng 2/1859, Pháp đánh chiếm Gia Định rồi đánh chiếm thành Mỹ Tho (tháng 4/1861). Từ đó đến năm 1866, ông lần lượt liên kết với các thủ lĩnh nghĩa quân khác như Nguyễn Hữu Huân, Trương Định, Đốc binh Kiều, Trương Quyền... đánh Pháp. Tháng 10/1866, ông dùng thuyền theo đường biển ra Bình Thuận để cầu viện sự giúp đỡ của triều đình và liên lạc với nghĩa sĩ miền Trung nhằm gây dựng lại lực lượng, nhưng chẳng may đến cửa biển Cần Giờ thì bị cướp biển sát hại. Tại Gò Tháp (xã Mỹ Hòa, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) nay vẫn còn đền thờ ông.

    Tượng Võ Duy Dương

    Tượng Võ Duy Dương

  28. Đùm đậu
    Đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau (giữa những người nghèo khổ).