Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Quốc ngữ
    Trước gọi là chữ tân trào, hệ thống chữ viết chính thức hiện nay của tiếng Việt. Hệ thống này được xây dựng dựa trên chữ cái Latin thêm các chữ ghép và 9 dấu phụ. Chữ Quốc ngữ được phổ biến sâu rộng vào khoảng thế kỷ 19 và 20 nhưng đã xuất hiện phôi thai từ lâu vào khoảng thế kỷ 16 khi các giáo sĩ Tây phương đầu tiên đến Việt Nam và giao tiếp với người Việt rồi vì nhu cầu học hỏi ngôn ngữ Việt (lúc đó còn dùng chữ Hán và chữ Nôm) để giao tiếp với người bản xứ mà bắt đầu ghi lại bằng cách phiên âm tiếng Việt dưới dạng chữ Latin.
  3. Giang hà
    Sông nước nói chung (từ Hán Việt).

    Con chim chết dưới cội hoa
    Tiếng kêu rụng giữa giang hà xanh xao

    (Đưa em tìm động hoa vàng - Phạm Thiên Thư)

  4. Giấy hồng đơn
    Cũng gọi là giấy hồng điều, loại giấy đỏ dùng để viết câu đối hoặc chữ để dán lên trái dưa, trái bưởi, thường dùng vào dịp Tết.

    Viết chữ ngày Tết trên giấy hồng đơn

    Viết chữ ngày Tết trên giấy hồng đơn

  5. Tiên sư
    Người dựng nên một thuyết hay một nghề nghiệp (từ Hán Việt).
  6. Trấu
    Lớp vỏ cứng đã tách ra của hạt thóc.

    Trấu

    Trấu

  7. Chắc
    Nhau (phương ngữ Quảng Bình). Đánh chắc nghĩa là đánh nhau. Một chắc hoặc riêng chắc nghĩa là một mình.

    Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni:
    Dân chúng cầm tay lắc lắc:
    “Độc lập nhớ rẽ viền chơi ví chắc!”

    (Nhớ - Hồng Nguyên)

  8. Tôn Tẫn
    Danh tướng nước Tề thời Chiến Quốc, Trung Quốc. Tương truyền, ông là cháu của Tôn Tử, cùng với Bàng Quyên là học trò môn binh pháp của Quỷ Cốc Tử, về sau giúp Tề đánh bại Ngụy. Ông để lại Tôn Tẫn binh pháp, một cuốn binh thư nổi tiếng.

    Tôn Tẫn

  9. Khổng Tử
    Nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị nổi tiếng người Trung Quốc, được đời sau tôn xưng là "Vạn thế Sư biểu" (Bậc thầy của muôn đời). Đạo Khổng (Khổng giáo, cũng gọi là Nho giáo) do ông khởi xướng có ảnh hưởng rất lớn tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
  10. Binh cơ
    Mưu lược dùng trong quân sự (từ Hán Việt).
  11. Kinh Kha
    Một kiếm khách sống vào thời nhà Tần, Trung Quốc. Ông nổi tiếng trong lịch sử nhờ ám sát (bất thành) Tần Thủy Hoàng và bị giết chết.
  12. Yên hà
    (Từ cũ, Văn chương) khói và ráng; chỉ cảnh thiên nhiên nơi núi rừng mà các nhà nho, đạo sĩ ẩn dật.

    Nghêu ngao vui thú yên hà,
    Mai là bạn cũ hạc là người quen

    (Nguyễn Du)

  13. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  14. Bài này tả một người hút thuốc phiện.
  15. Côi
    Trên, cao (phương ngữ Trung Bộ).

    Ta bay lên! Ta bay lên!
    Gió tiễn đưa ta tới nguyệt thiềm
    Ta ở côi cao nhìn trở xuống
    Lâng lâng mây khói quyện trăng đêm

    (Chơi trên trăng - Hàn Mặc Tử)

  16. Mần
    Làm (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Như mần ăn, mần việc, đi mần...
  17. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  18. Hiền thê
    Vợ hiền (từ Hán Việt).
  19. Đầm
    Gọi tắt của me đầm hoặc bà đầm, từ tiếng Pháp madame, nghĩa là quý bà. Từ này xuất hiện từ thời Pháp thuộc, thường có ý chế giễu, đả kích.
  20. Áo dài
    Trang phục truyền thống của nước ta, gần như trở thành một biểu tượng của phụ nữ Việt Nam, tuy nam giới cũng mặc được. Áo dài có thể mặc ở mọi lúc mọi nơi, từ đi chơi, đi học cho đến dịp lễ lạc, tiếp khách trang trọng. Hiện chưa rõ nguồn gốc xuất xứ của áo dài, theo thời gian nó đã được cách tân cách điệu nhiều lần, nhưng hình dạng cơ bản vẫn giữ nguyên. Kiểu dáng hiện nay do họa sĩ Lê Phổ sửa lại từ những cải cách quan trọng của họa sĩ Cát Tường vào thập niên 30 của thế kỉ trước.

    Nữ sinh trong tà áo dài

    Nữ sinh trong tà áo dài

  21. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  22. Ních
    Nhét cho đầy, cho chặt. Còn có nghĩa là ăn tham, ăn một cách thô tục.
  23. Cá chạch
    Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...

    Cá chạch

    Cá chạch

  24. Nhơn Ái
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ.
  25. Long Xuyên
    Địa danh nay là một thành phố thuộc tỉnh An Giang. Tiền thân của thành phố này là phủ Đông Xuyên, một đồn nhỏ bên vàm sông Tam Khê (tức rạch Long Xuyên) - được thành lập năm 1789. Hiện nay Long Xuyên cũng là một điểm đến du lịch của tỉnh, tuy không nổi tiếng bằng thị xã Châu Đốc.

    Long Xuyên

    Long Xuyên

  26. Theo nhà văn Sơn Nam: Trai Nhơn Ái giỏi nghề đóng tam bản, ghe hầu. Gái Long Xuyên giỏi khắp miền với bánh trái, thêu thùa, may vá (Lịch sử An Giang, Nxb TH An Giang, 1988).
  27. Cuốc
    Nông cụ gồm một bản sắt bén (gọi là lưỡi cuốc) gắn vào ống tre cật để cầm (gọi là cán cuốc), dùng để đào xới đất. Động tác đào xới đất bằng cuốc cũng gọi là cuốc đất.

    Cuốc đất

    Cuốc đất

  28. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  29. Liu điu
    Cũng gọi là thìu điu, một loài bò sát có đầu hình tam giác và thân có sọc xanh giống như rắn lục, đặc biệt đuôi rất dài, có bốn chân.

    Con liu điu

    Con liu điu