Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  2. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  3. Cơi trầu
    Một đồ dùng thường làm bằng gỗ, phủ sơn, trông như một cái khay tròn có nắp đậy, dùng để đựng trầu. Tục xưa khi khách đến nhà, chủ thường mang cơi trầu ra mời khách ăn trầu.

    Cơi đựng trầu

    Cơi đựng trầu

  4. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  5. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  6. Quắn
    Xoăn tít (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Huỳnh
    Đọc trại âm từ chữ Hán hoàng 黃 (nghĩa là vàng). Xưa vì kị húy với tên chúa Nguyễn Hoàng mà người dân từ Nam Trung Bộ trở vào đều đọc thế.
  8. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  9. Thợ rào
    Thợ rèn.
  10. Vạy
    Cong queo, không ngay thẳng. Từ chữ này mà có các từ tà vạy, thói vạy, đạo vạy...
  11. Mũi vạy lái phải chịu đòn
    Mũi vạy tức là mũi thuyền cong, lệch, không đi đúng hướng cần thiết, có thể do nước xoáy hoặc do nước chảy xiết. Trong tình thế khó khăn đó, người cầm lái phải vững vàng thì mới điều khiển con thuyền đi đúng hướng mà vượt qua chỗ nguy hiểm. Chính vì thế mà anh ta phải chịu đòn, nghĩa là phải ra sức "ghì cây đòn lái" cho thật chắc theo hướng đã định để cho con thuyền khỏi bị cuốn theo con nước xoáy hay dòng nước xiết.
  12. Hai người chèo thuyền thì một người chèo đằng sau gọi là lái, một người chèo phía trước gọi là mũi.
  13. Truồi
    Tên một vùng đất ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, gồm nhiều làng mạc trải rộng hai bên bờ sông Truồi. Lịch sử xứ Truồi bắt đầu hình thành sau khi Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và đẩy nhanh việc mở mang xứ Đàng Trong về phía Nam. Tại đây có núi Truồi - một đỉnh núi thuộc dãy Bạch Mã, còn gọi là Động Truồi - và sông Truồi - con sông bắt nguồn từ dãy Bạch Mã và đổ ra biển ở cửa Tư Hiền. "Xứ Truồi" là một địa danh rất thân thuộc với người dân Thừa Thiên-Huế.

    Hồ Truồi

    Hồ Truồi

  14. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  15. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  16. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  17. Bảo An
    Tên một làng nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Bảo An là một làng có nghề nấu đường truyền thống từ thế kỉ 17, nhưng hiện nay đã mai một.

    Xem phóng sự Nghề xưa còn một chút này về nghề nấu đường ở Bảo An.

  18. Mành mành
    Đồ dùng được làm từ tre, gỗ hoặc nhựa, thường được treo ở cửa chính hoặc cửa sổ nhà ở để che bớt ánh sáng.

    Mành mành

    Mành mành

  19. Đàn Nam Giao
    Nơi các vua nhà Nguyễn tổ chức lễ tế trời đất vào mùa xuân hàng năm, thuộc địa phận phường Trường An, thành phố Huế. Đây là đàn Nam Giao duy nhất còn hiện hữu (dù trong tình trạng không còn nguyên vẹn) ở Việt Nam, cũng là đàn tế duy nhất còn tồn tại trong số nhiều đàn tế cổ ở Huế.

    Đàn Nam Giao

    Đàn Nam Giao

  20. Câu ca dao được cho là của người dân Huế đặt sau 1975, nhân vụ việc tùy tiện cải biến đàn Nam Giao của hai lãnh đạo tỉnh Bình Trị Thiên lúc đó là Bùi San (Bí thư Tỉnh ủy) và Trần Hoàn (Ty trưởng Ty Văn hóa).
  21. Đi trấn
    Đi đóng quân những vùng biên thùy để bảo vệ bờ cõi.
  22. Huê Cầu
    Nay là làng Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Nguyên tên làng là Tân Kiều, nhưng dân chúng gọi là làng Hoa Kiều, sau trại ra thành Hoa Cầu. Đời vua Thiệu Trị, vì kỵ húy đổi là Xuân Kỳ nhưng nhân dân quen dùng tên cũ, mà đọc chệch đi là Huê Cầu, rồi thành Xuân Cầu. Làng có nghề nhuộm thâm truyền thống, đồng thời là quê hương của nhà yêu nước Tô Hiệu, nhà văn Nguyễn Công Hoan, họa sĩ Tô Ngọc Vân...
  23. Ngái
    Xa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  24. Con người ta xa nhau thì sinh niềm thương nhớ mà muốn đi đến thăm nhau (vì đi xa nên thành ra mỏi chân), còn khi gần nhau lâu ngày dễ có tranh chấp này nọ, rồi thành khinh nhờn nhau, sinh cãi cọ (mỏi miệng).
  25. Nống
    Cái nong (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  26. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  27. Thành ngữ có câu "Ngậm bồ hòn làm ngọt."
  28. Có bản chép: Lâu ngày.
  29. Vong
    Quên (từ Hán Việt).
  30. Từ
    Ruồng bỏ, không nhìn nhận. Cha mẹ từ con nghĩa là không còn nhận đó là con mình.