Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Giao ngôn
    Lời hứa, lời ước hẹn (giao nghĩa là bền chặt).
  2. Cháo bồi
    Một món cháo dân dã, nấu cùng với bột bán, bẹ môn xắt khúc, tôm tươi lột vỏ, giò heo...

    Cháo bồi

    Cháo bồi

  3. Câu mâu
    Hay quạu, hay bắt lỗi bắt phép (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Paulus Của).
  4. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  5. Ghe bầu
    Loại ghe (thuyền) đi biển chạy bằng buồm, chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Ghe bầu ra đời từ giữa thế kỷ 16, có nguồn gốc tương đồng với loại thuyền prao (hay prau) của Mã Lai. Tên "ghe bầu" bắt nguồn từ tiếng Khmer xòm pầu.

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

    Hình vẽ ghe bầu và các dụng cụ đi biển của ngư dân Hoàng Sa

  6. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Nồi gọ
    Chỗ phình rộng ra trong hang rắn hay hang cá trê.
  8. Nhợ
    Cũng gọi là rợ, dây thừng nhỏ làm bằng gai hoặc xơ dừa, dùng để trói, buộc hoặc làm dây câu.
  9. Bực
    Bậc, chỗ đất cao bên bờ sông (phương ngữ Nam Bộ).
  10. Nhơn
    Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  11. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Ân oai
    Nói về người có quyền, có ân mà lại có oai nghi, người ta cảm mà lại sợ (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của).
  13. Cô hồn
    Linh hồn chưa được đầu thai kiếp khác, phải đi lang thang, chịu khổ sở đói rét, theo tín ngưỡng tâm linh. Vào tháng Bảy âm lịch, ở nước ta có tục cúng cô hồn.

    Một mâm cúng cô hồn

    Một mâm cúng cô hồn

  14. Củi rều
    Củi từ cành cây nhỏ, cây vụn trôi trên sông.
  15. Trà lan
    Trà ướp hoa lan, một loại trà quý.

    Trà và hoa lan

    Trà và hoa lan

  16. Chè tàu
    Chè sản xuất từ búp chè không ủ lên men, cánh nhỏ, nước xanh, có hương thơm. Chè có tên như vậy vì nguyên sản xuất ở Trung Quốc.
  17. Cá kèo
    Còn gọi là cá bống kèo, là loài cá phổ biến ở miền Tây Nam Bộ. Cá kèo có đầu nhỏ hình chóp, thân hình trụ dài, dẹp dần về phía đuôi, có màu ửng vàng, nửa trên của thân có chừng 7-8 sọc đen hướng hơi xéo về phía trước, các sọc này rõ dần về phía đuôi. Cá kèo sống chui rúc trong bùn và đào hang để trú. Thịt cá kèo mềm, được chế biến thành nhiều món ăn ngon như lẩu cá kèo, cá kho tộ, cá kho rau răm, cá kèo nướng....

    Cá kèo nướng ống trúc

    Cá kèo nướng ống sậy

  18. Cố tri
    Người quen biết cũ (từ Hán Việt).

    Xưa từng có xóm có làng
    Bà con cô bác họ hàng gần xa
    Con trâu, con chó, con gà
    Đàn cò, lũ sẻ, đều là cố tri.

    (Mộc mạc - Võ Phiến)

  19. Bến Đường
    Một bến sông thuộc làng Bảo An, xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Làng Bảo An trước có nghề nấu đường, ghe thuyền thường ra vào tấp nập ở bến sông này để mua đường, từ đó hình thành tên gọi Bến Đường.
  20. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  21. Sơn Tịnh
    Tên một huyện đồng bằng của tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây có núi Thiên Ấn, một trong hai biểu tượng của tỉnh (cùng với sông Trà Khúc tạo thành cặp núi Ấn - sông Trà).

    Núi Ấn

    Núi Ấn

  22. Núi Chân Trâu
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Núi Chân Trâu, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  23. Bàu Ông Xá
    Têm một bàu nước thuộc huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Tương truyền ông Xá là người đã đưa dân đến hai làng An Thiết (xã Tịnh Bình) và Lâm Lộc (xã Tịnh Hà) rồi khuyến khích họ chăm lo các nghề làm thủ công khéo tay bên cạnh nghề làm ruộng như làm nón, chế tác sừng. Hai nghề này vẫn tiếp tục phát triển và tồn tại đến nay.
  24. Có bản chép: cầu Rừng Xanh. Cả hai địa danh này đều chưa được xác định.