Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chữ cửu 久 (lâu dài) nhìn giống như hai chữ nhân 人(người) cưỡi lên nhau.
  2. Cỏ may
    Một loại cỏ thân cao, có nhiều hoa nhỏ thành chùm màu tím sậm, hay gãy và mắc vào quần áo (có lẽ vì vậy mà thành tên cỏ may). Cỏ may xuất hiện rất nhiều trong văn thơ nhạc họa.

    Hồn anh như hoa cỏ may
    Một chiều cả gió bám đầy áo em

    (Hoa cỏ may - Nguyễn Bính)

    Cỏ may

    Cỏ may

  3. Táo
    Loại cây thân gỗ, tán rộng, lá hình trứng thuôn dài, mặt dưới có lông. Hoa táo nhỏ màu vàng nhạt, mọc thành cụm ở nách lá. Quả có hình trứng, vỏ trơn, thịt quả màu trắng, giòn, khi chín thì xốp và có vị ngọt, chứa một hạt cứng. Quả táo để ăn tươi, ngâm rượu, ngâm nước uống, làm mứt. Lá, quả và nhân hạt táo dùng làm thuốc chữa một số bệnh.

    Quả táo

    Quả táo

  4. Gạo
    Loại cây thân mộc, có hoa đỏ thường nở vào tháng 3 âm lịch, thời điểm hết xuân sang hè. Cũng như cây đa, cây hoa gạo là một nét bản sắc quen thuộc của làng quê Việt Nam, thường mọc ở đầu làng, cạnh đình, bến sông... Hoa gạo còn có tên Hán Việt là mộc miên, người Tây Nguyên gọi là hoa pơ-lang.

    Cây hoa gạo

    Cây gạo

  5. Cam lộ
    Cũng gọi là cam lồ. Theo nghĩa đen, cam nghĩa là ngọt, lộ là sương, nên "cam lộ" nghĩa là giọt sương ngọt. Theo nghĩa rộng, cam lộ là một thứ rượu ngon ngọt. Trong Phật giáo, cam lộ là thứ nước thơm tho, linh diệu, làm đồ uống của các vị tiên phật, hễ rưới lên mình ai là người đó hết bệnh tật, thậm chí sống lại.

    Hình ảnh phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, tay cầm bình nước cam lồ

    Hình ảnh phật Quan Âm ngồi trên tòa sen, tay cầm bình nước cam lồ

  6. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  7. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  8. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang

  9. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  10. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  11. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  12. Dầu
    Dù (phương ngữ Nam Bộ).
  13. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  14. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương

  15. Than hầm
    Than củi được tạo thành trong các hầm than (hầm lò).
  16. Mồ chẳng chối, nói dối cho mồ
    Nói những chuyện không thật về người chết mà không (sợ) bị phản bác (vì người đã chết rồi).
  17. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  18. Đạo hằng
    Đạo thường. Ý nói ăn ở bình thường, ngay thẳng, có đạo đức. Cũng nói là tính (tánh) hằng.
  19. Lão Húng
    Theo Lịch sử Việt Nam trong tục ngữ, ca dao (Nguyễn Nghĩa Dân): Phạm Văn Toán, tức Thượng Toán, một quan lại cao cấp, thơ không hay nhưng hay làm thơ và thích người ta khen. Toán người làng Láng, nổi tiếng trồng rau húng.
  20. Mụ Bồng
    Theo Lịch sử Việt Nam trong tục ngữ, ca dao (Nguyễn Nghĩa Dân): Cô Bồng là vợ lẽ Hoàng Cao Khải, lợi dụng chồng làm quan to, xoay xở trở nên giàu có.
  21. Cô Hồng
    Theo Lịch sử Việt Nam trong tục ngữ, ca dao (Nguyễn Nghĩa Dân): Cô Hồng tức Trần Thị Lan, lấy Tây, vì khéo giao thiệp nên gây được một dinh cơ đồ sộ.
  22. Bạch Thái Bưởi
    (1874 – 1932) Tên thật là Đỗ Thái Bửu, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng An Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Ông khởi nghiệp bằng nghề ký lục cho một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền, sau đó lấn dần sang kinh doanh trong các lĩnh vực gỗ, hàng hải, mỏ, văn hóa-in ấn... và đạt được nhiều thành công, trở nên rất giàu có. Riêng về hàng hải, ông khéo sử dụng tinh thần đồng bang, cổ vũ người Việt dùng hàng Việt, nhờ đó đánh bại sự cạnh tranh quyết liệt của người Hoa và người Pháp, trở thành "chúa sông Bắc Kỳ." Ngày 22/7/1932, ông mất vì một cơn đau tim.

    Bạch Thái Bưởi được coi là một huyền thoại trong lịch sử doanh thương Việt Nam.

    Bạch Thái Bưởi

    Bạch Thái Bưởi

  23. Nói vuốt đuôi lươn
    Nói gạt nhau; không giữ lời nói. (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của)
  24. Von
    Một loại bệnh ở lúa. Cây lúa cao vọt, mảnh khảnh, chuyển dần sang màu xanh nhạt rồi vàng gạch cua, cứng giòn và chết nhanh chóng.