Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cối xay
    Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.

    Xay lúa

    Xay lúa

  2. Sông Dinh
    Một nhánh nhỏ của sông Đà Rằng, chảy quanh thị xã Tuy Hòa (nay là thành phố Tuy Hòa), tỉnh Phú Yên. Hiện sông đã bị bồi lấp. Chú ý: phân biệt với một số con sông ở các tỉnh Quảng Bình, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu cũng tên là sông Dinh.
  3. Trà Ô Long
    Một loại trà ngon có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tùy vào thành phần và cách chế biến mà trà có nhiều hương vị rất khác nhau.

    Trà Ô Long

    Trà Ô Long

  4. Đòn
    Vật thấp được đẽo bằng gỗ hoặc bằng tre, dùng để ngồi. Đòn thường thấy ở làng quê ngày trước.
  5. Dan díu
    Có quan hệ yêu đương với nhau.

    Con dan díu nợ giang hồ
    Một mai những tưởng cơ đồ làm nên.

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  6. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  7. Kim Dữ
    Tên một hòn đảo ngoài khơi biển Hà Tiên. Theo truyền thuyết dân gian, Kim Dữ ngày xưa là một hòn đảo nhỏ, có con giao long ẩn mình dưới núi. Khi nó cựa mình thì hòn núi bị xê dịch, có khi gần bờ, có khi xa bờ. Do núi Kim Dữ có vị trí hiểm yếu, phòng thủ, trấn giữ phía biển của trấn Hà Tiên, năm 1831, nhà Nguyễn cho đắp đồn lũy trên đảo, đặt súng thần công. Từ đó hòn đảo này có tên gọi là Pháo Đài. Địa danh Pháo Đài hiện nay là một phường thuộc Hà Tiên.
  8. Mũi Nai
    Một địa danh nay thuộc phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Mũi Nai có tên Hán Việt là Lộc Trĩ. Theo nghiên cứu của Trương Minh Đạt: Thuở xa xưa, góc biển này được gọi là Mũi Nạy, vì nơi đó có núi Pù Nạy ( là núi, Nạy là lớn) mà người Khmer nói trại là P’Nay hay Bà Nay. Đến khi người Việt đến đọc âm này thành Nai. Đến thời người Hoa đến, họ dịch chữ Nai ra chữ Hán là Lộc... (Nghiên cứu Hà Tiên, NXB Trẻ và Tạp chí Xưa & Nay hợp tác ấn hành, 2008, tr. 28). Gia Định thành thông chí chép:

    Lộc Trĩ cách trấn về phía tây 43 dặm. Cây cối lửng lơ lưng núi, ngọn núi nhọn đứng chọc trời cao, vượt qua đất bằng mà gối đầu bờ biển. Suối ngọt, đất tốt, nhà cửa nhân dân ở vây quanh dưới bóng núi. Trong 10 cảnh đẹp của Hà Tiên thì Lộc Trĩ thôn cư (xóm quê Mũi Nai) là một cảnh vậy.

    Bãi biển Mũi Nai

    Bãi biển Mũi Nai

  9. Áo xông huơng
    Áo gấm và áo thêu của hoăc người quyền quí và giàu có thời xưa ở nước ta thường không được giặt mà được cất trong hòm gỗ bằng trầm hương hoặc xông bằng cách đốt trầm cho thơm.
  10. Đôi chàng mạng
    Hai cái móc bằng bạc để móc mạng che mặt vào khăn bịt đầu. Ở nước ta ngày xưa, chỉ có những phụ nữ quyền quý mới có tục che mặt khi ra đường. Mạng che mặt có thể là một tấm lưới kết bằng đá quý, hay bằng vàng, bạc.
  11. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  12. Nếp cái hoa vàng
    Một loại lúa nếp truyền thống nổi tiếng của các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ. Nếp có hạt gạo tròn, dẻo, thơm đặc biệt nên thường dùng đồ xôi, làm cốm, làm các loại bánh có sử dụng gạo nếp, làm tương hoặc ủ rượu. Nếp được gọi là "nếp cái hoa vàng" do khi lúa trổ đòng, phấn hoa có màu vàng chứ không trắng như các loại lúa khác. Nếp cái hoa vàng chỉ được trồng vào vụ mùa.

    Nếp cái hoa vàng

    Nếp cái hoa vàng

  13. Tràng Lưu
    Địa danh nay là một làng thuộc xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, từ xưa đã là một vùng đất văn vật. Gái Tràng Lưu thông minh, xinh đẹp, nết na có tiếng.
  14. Xứ Nam
    Tên gọi nôm na của xứ Sơn Nam, một xứ thừa tuyên (đơn vị hành chính) thời Hậu Lê, nằm về phía nam kinh thành Thăng Long.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  15. Xứ Đông
    Tên một địa danh cổ, một trấn ở phía Đông của Kinh thành Thăng Long xưa. Xứ Đông bao gồm một vùng văn hóa rộng lớn ở Đông Bắc đồng bằng sông Hồng, gồm các tỉnh Hải Dương (nằm ở trung tâm), Hải Phòng, Quảng Ninh và một phần đất thuộc hai tỉnh Hưng Yên và Thái Bình.

    Tứ xứ

    Tứ xứ

  16. Kinh Bắc
    Một địa danh thuộc miền Bắc trước đây, hiện nay bao gồm toàn bộ ranh giới hai tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh và một phần nhỏ các tỉnh thành lân cận là Hà Nội (toàn bộ khu vực phía bắc sông Hồng là: Gia Lâm, Long Biên, Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn); Hưng Yên (Văn Giang, Văn Lâm) và Lạng Sơn (Hữu Lũng). Là nơi có ba kinh đô cổ của Việt Nam gồm: Cổ Loa, Mê Linh và Long Biên. Kinh Bắc cùng với xứ Đoài là hai vùng văn hóa cổ nhất so với xứ Sơn Nam và xứ Đông, với nhiều di tích lịch sử có giá trị như Cổ Loa, đền Sóc, chùa Phật Tích, đền thờ Hai Bà Trưng...

    Quê hương Kinh Bắc có dân ca quan họlễ hội Gióng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

    Hội Gióng

    Hội Gióng

  17. Bấy chầy
    Từ ấy đến nay, bao lâu nay (từ cổ).

    Nỗi nàng tai nạn đã đầy,
    Nỗi chàng Kim Trọng bấy chầy mới thương.
    (Truyện Kiều)

  18. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  19. Lạch Vạn
    Tên một làng nằm ở hạ lưu sông Bùng, thuộc địa bàn huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, đồng thời cũng là tên sông Bùng ở khúc này.
  20. Hai Vai
    Còn có tên là lèn Dặm hoặc núi Di Lĩnh, một ngọn núi đá vôi (lèn) nằm giáp ranh giữa 3 xã Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lèn Hai Vai có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m. Theo truyền thuyết, ông Đùng đánh giặc ngoại xâm đã đứng từ trên cao ném đá vào quân thù, tạo ra lèn Hai Vai, lèn Cờ, và lèn Trống.

    Lèn Hai Vai

    Lèn Hai Vai

  21. Diễn Châu
    Địa danh trước là một phủ (nên còn gọi là phủ Diễn) thuộc xứ Nghệ An, nay là các đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Nghệ An mà tiêu biểu là huyện Diễn Châu. Diễn Châu là một vùng đất có nền văn hóa lâu đời, nhiều ngành nghề truyền thống, danh nhân văn hóa…

    Quang cảnh trung tâm huyện Diễn Châu

    Quang cảnh trung tâm huyện Diễn Châu

  22. Trang Hà
    Một địa danh nay thuộc xã Diễn Cát, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
  23. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  24. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  25. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  26. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  27. Gió Nam lầu
    Gió từ lầu cao ở phía Nam thổi tới, có cùng ý nghĩa như gió non Nam.
  28. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  29. Biểu
    Bảo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  30. Thành Ô Ma
    Tên tiếng Pháp là Camp aux Mares (trại ở nơi có nhiều ao), một trại lính do người Pháp lập nên vào cuối thế kỉ 19. Trên bản đồ Sài Gòn 1947, khu vực Thành Ô Ma được đánh số 132, trên khu đất bao quanh bởi các con đường:

    (1) Rue Chasseloup Laubat (trước 1975 là Hồng Thập Tự, nay là Nguyễn Thị Minh Khai)
    (2) Rue de Nancy (trước 1975 là Cộng Hòa, nay là Nguyễn Văn Cừ)
    (3) Rue Frère Louis (nay là một phần đường Nguyễn Trãi)
    (4) Rue d'Arras (nay là đường Cống Quỳnh)

    Lính An Nam luyện tập trong thành Ô Ma

    Lính An Nam luyện tập trong thành Ô Ma

  31. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)