Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hai thân
    Cha mẹ (từ Hán Việt song thân).
  2. Om
    To tiếng, ồn ào, gây cảm giác khó chịu.
  3. Ráng
    Những đám mây sáng rực, có màu vàng hay màu hồng sẫm, do phản xạ ánh sáng mặt trời vào lúc rạng đông hay chiều tà. Từ màu sắc của ráng, nhân dân ta có thể dự đoán được thời tiết.

    Áo chàng đỏ tựa ráng pha
    Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in

    (Chinh phụ ngâm khúc)

    Ráng chiều (Ảnh: Trương Công Khả)

    Ráng chiều (Ảnh: Trương Công Khả)

  4. Sơn Trà
    Tên một bán đảo nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng, đồng thời cũng là tên một ngọn núi thuộc khu vực này.

    Bán đảo Sơn Trà nhìn từ biển

    Bán đảo Sơn Trà nhìn từ biển

  5. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  6. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  7. Ngự Bình
    Tên một hòn núi đất cao 103 m, còn gọi tắt là Núi Ngự, trước có tên là Hòn Mô hay Núi Bằng (Bằng Sơn), đến thời vua Gia Long thì đổi thành Ngự Bình. Núi ở bờ phải sông Hương (giữa Cồn HếnCồn Giã Viên), cách trung tâm thành phố Huế 4 km về phía Nam, hai bên có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Núi Ngự và sông Hương là hai biểu tượng của Huế, vì vậy Huế còn được gọi là vùng đất sông Hương - núi Ngự.

    Sông Hương - núi Ngự

    Sông Hương - núi Ngự

  8. Hát phường vải
    Còn gọi ví phường vải, một loại hình hát ví đặc biệt trong dân ca của vùng Nghệ An, gắn liền với các phường vải của các cô gái xứ Nghệ, nhất là các vùng Nghi Xuân, Kì Anh, Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà (Hà Tĩnh); Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, Quỳnh Lưu, Diễn Châu (Nghệ An). Đề tài hát phường vải thường xoay quanh chuyện tình yêu, hỏi thăm tên tuổi, thử tài kiến thức... Hát phường vải thường có các nhà nho tham gia ứng tác và đối đáp, vừa thể hiện tình cảm vừa thể hiện trí tuệ. Nhà cách mạng Phan Bội Châu thời trẻ cũng là người hát phường vải rất tài.

    Xem phóng sự Hát phường vải xứ Nghệ.

  9. Đây là lời đối đáp trong hát phường vải để nhắc nhở nhau tôn trọng lề lối, phép tắc của cuộc hát, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, tỏ sự bình đẳng trong quan hệ với bạn hát.

    Đọc thêm Giới tính và quan hệ giữa các vai giao tiếp trong hát phường vải Nghệ Tĩnh.

  10. Cầm cân nảy mực
    Trước đây khi xẻ gỗ (theo bề dọc), để xẻ được thẳng, người thợ cầm một cuộn dây có thấm mực tàu, kéo dây thẳng ra và nảy dây để mực dính vào mặt gỗ, tạo thành một đường thẳng. Cầm cân nảy mực vì thế chỉ việc bảo đảm cho sự ngay thẳng, công bằng.
  11. Bẻ bai
    Chê bai, bắt bẻ (phương ngữ Nam Bộ).
  12. Chòi mòi
    Còn gọi tòi mòi, chồi mòi, chu mòi, châm mòi, chua mòi, chóp mòi, mà ca, xô con, cây gỗ nhỏ thuộc họ Thầu dầu, cao 3-10 m, nhánh cong queo, mọc hoang ở vùng rừng thưa và đôi khi ở đồng bằng. Vỏ, cành con, lá chòi mòi dùng làm vị thuốc Đông y chữa đau đầu, tiêu chảy, làm thuốc bổ cho phụ nữ mới sinh, giúp điều kinh.

    Cây chòi mòi

    Cây chòi mòi

  13. Minh Phú
    Tên một xã thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
  14. Ngòi
    Đường nước nhỏ chảy thông với sông hoặc đầm, hồ.
  15. Chuôm
    Chỗ trũng có đọng nước ở ngoài đồng.

    Chuôm trên cánh đồng ở Quảng Phúc

    Chuôm trên cánh đồng ở Quảng Phúc

  16. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  17. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  18. Có bản chép: Chẳng có nơi cá nằm.
  19. Lang Sa
    Pha Lang Sa, Phú Lang Sa, Phú Lãng Sa, hay Lang Sa đều là những cách người Việt thời trước dùng để chỉ nước Pháp, ngày nay ít dùng. Các tên gọi này đều là phiên âm của từ "France".
  20. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  21. Bông vải
    Một loại cây thấp, được trồng từ rất sớm. Hoa bông mới trổ có màu trắng sữa, sau chuyển thành màu trắng phấn. Tiếp đó xuất hiện múi bông, sau 6 đến 9 tuần thì múi bông chín muồi chuyển sang màu nâu, khi nở lộ ra chất sợi mềm màu trắng. Sợi này là lông dài, mọc trên vỏ của hạt bông. Người ta thu hoạch bông để kéo sợi, dệt thành vải.

    Bông vải

    Hoa bông vải

  22. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  23. Có bản chép: thẳng.
  24. Theo Hoàng Lê nhất thống chí, hồi 17: ...quân nhà Nguyễn thì hàng năm ra đánh, thanh thế lừng lẫy. Mỗi khi gió nam nổi lên, thì nhân dân các trấn lại nói với nhau: "Chúa cũ ra đấy!" (bấy giờ hàng năm cứ đến khoảng tháng 4, tháng 5 khi gió nam thổi mạnh thì Nguyễn Ánh đốc quân thủy bộ ra đánh, đến lúc có gió mùa đông bắc thổi thì lại rút quân về. Người đương thời thường gọi những đợt tấn công như vậy là những trận "giặc mùa." Bọn sĩ phu phản động chống Tây Sơn và ngả theo Nguyễn Ánh mới nhân đó, đặt ra câu ca dao [này]).
  25. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  26. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  27. Dầu chanh
    Tinh dầu làm từ vỏ chanh, mùi rất thơm và có nhiều công dụng: khử mùi, diệt khuẩn, làm đẹp...