Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  2. Cói chó ngó cá tràu
    Tham muốn những cái quá sức mình. Cói chó chỉ bắt được tép, cá lòng tong... nhưng nhìn thấy cá tràu thì vẫn thèm thuồng.
  3. Địt
    Đánh rắm (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Pháo
    Một loại đồ chơi dân gian, gồm thuốc nổ (thuốc pháo) bỏ trong vỏ giấy dày hay tre quấn chặt để khi đốt nổ thành tiếng to trong các lễ hội như ngày Tết, đám cưới... Người xưa tin rằng tiếng nổ của pháo có thể xua ma quỷ. Ở một số vùng quê ngày trước cũng tổ chức hội pháo, như hội pháo Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây), hội pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Trước đây, ngày Tết gắn liền với:

    Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
    Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

    Năm 1994, chính phủ Việt Nam ra chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo để ngăn ngừa các tai nạn xảy ra do pháo, tuy nhiên nhắc đến Tết người dân vẫn nhớ đến tràng pháo. Những năm gần đây trên thị trường còn xuất hiện loại pháo điện tử, phát ra tiếng kêu như pháo nổ.

    Pháo

    Pháo

  5. Lau
    Loại cây họ sậy, thân ống xốp, mọc nhiều ở các vùng đồi núi. Lau có lau có màu xám bạc, mọc nhiều thành thảm rất đặc trưng, nên cũng thường gọi là cây bông lau. Hoa lau có thể được thu hoạch để làm gối, đệm.

    Lau

    Lau

  6. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  7. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng

  8. Mã Châu
    Một làng cổ (hình thành từ thế kỷ 15) bên cạnh kinh đô Trà Kiệu của vương quốc Chăm-pa cổ, nay thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Xưa kia làng có nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa cho giới quý tộc, quan lại trong các vương triều. Khi xứ Đàng Trong mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài qua cảng thị Hội An thì tơ lụa Mã Châu là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất.
  9. Duyên Hà và Thần Khê là hai huyện thuộc phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ, nay gồm các xã Đông Đô, Tây Đô, Bình Lăng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Theo truyền thuyết, thứ phi thứ năm của vua Lê Thái Tông là Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao, khi đang có thai đã được vợ chồng Nguyễn Trãi - Nguyễn Thị Lộ và đại thần Đinh Liệt bí mật đưa về Đô Kỳ để tránh bị thứ phi thứ tư là Nguyễn Thị Anh hãm hại. Khi được đón về đến cầu Chày, bên này là đất huyện Duyên Hà và bên kia là đất huyện Thần Khê thì bà trở dạ, nhưng mãi không sinh được. Thấy vậy, bà bèn bảo mang hương hoa đến và thắp hương khấn rằng:

    Phải là con mẹ, con cha
    Thì sinh ở đất Duyên Hà, Thần Khê

    Vừa khấn dứt lời thì bà sinh một hoàng tử “Tư trời rạng rỡ, thần sắc anh dị, tuấn tú, sáng suốt, thực là bậc anh minh” (Đại Việt Sử Ký Toàn Thư), đặt tên là Lê Tư Thành, chính là vua Lê Thánh Tông sau này.

    Cầu Chày, tương truyền là nơi sinh của vua Lê Thánh Tông

    Cầu Chày, tương truyền là nơi sinh của vua Lê Thánh Tông

  10. Có nguồn dẫn thêm hai câu:

    Nhược bằng bác mẹ chẳng sinh
    Thì quăng ra đất Vạn Ninh cho rồi

    Chữ Vạn Ninh này, có người cho là chỉ vạn chài hoặc cửa biển, có người lại cho là chốn yên nghỉ vĩnh hằng.

  11. Trăm
    Nói líu lo (từ gốc Hán, theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  12. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  13. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  14. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  15. Dương gian
    Cõi dương, thế giới của người sống, đối lập với cõi âm hay âm phủ là thế giới của người chết.
  16. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  17. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  18. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  19. Mắm Nghệ
    Nước mắm làm ở Nghệ An (nổi tiếng với các làng làm nước mắm như Vạn Phần, Hải Đông, Phú Lợi...). Mắm Nghệ không có màu cánh gián như nước mắm Phú Quốc mà có màu sẫm đen, nhưng độ đạm thì rất cao, mùi vị cũng đặc trưng.
  20. Cử nhân
    Học vị cấp cho những người thi đỗ kì thi hương dưới thời phong kiến, trên tú tài. Người có học vị này thường được gọi là ông cử.
  21. Đây được cho là mấy câu hát sáo mời mọc sĩ tử của những cô hàng cơm ở Thăng Long ngày xưa mỗi khi ở đây tổ chức kì thi Hương. Các nhà trọ, hàng cơm thường tập trung ở gần trường thi, người trước gọi khu ấy là xóm học trò. Theo Doãn Kế Thiện trong Hà Nội cũ: "Xóm học trò ở vào chỗ nào? Cứ xem như tập Long thành tạp thoại thì di chỉ xóm ấy ở vào khoảng đầu vườn hoa Cửa Nam cho tới ngõ Hội Vũ bây giờ."

    Sĩ tử ăn cơm

    Sĩ tử ăn cơm

  22. Phù Mỹ
    Một huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Bình Định. Thắng cảnh của Phù Mỹ tuy hoang sơ nhưng đẹp như: Chùa Hang, Giếng Tiên, di tích lịch sử đèo Nhông, đặc biệt phía đông là một vùng biển đẹp kéo dài từ Vĩnh Lợi đến cửa Hà Ra.
  23. Phù Cát
    Một huyện miền biển thuộc tỉnh Bình Định. Huyện có nhiều cảnh đẹp như bãi biển Cát Tiến, Đề Gi, suối nước nóng Hội Vân chùa Ông Núi... nổi tiếng nhất có lẽ là hòn Vọng Phu ở Núi Bà. Phù Cát còn có các làng nghề truyền thống như: đan lát Trung Chánh, gạch ngói Gia Thạnh, làng muối Đức Phổ, nước mắm cá cơm Đề Gi, đá mĩ nghệ Cát Tường...

    Biển Trung Lương (Cát Tiến)

    Biển Trung Lương (Cát Tiến)

  24. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  25. Bình Khê
    Tên cũ của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

    Bảo tàng Quang Trung thuộc Tây Sơn, Bình Định

    Bảo tàng Quang Trung thuộc Tây Sơn, Bình Định

  26. Kết cỏ ngậm vành
    Đời đời nhớ ơn. Từ thành ngữ gốc Hán Kết thảo hàm hoàn 結草銜環, liên quan đến hai tích:

    Kết thảo: Cha của Ngụy Khỏa thời Xuân Thu dặn ông "khi ta chết thì chôn thiếp yêu của ta theo cùng." Nhưng khi cha chết, Ngụy Khỏa không theo lời cha, cho người thiếp về lấy chồng. Về sau Ngụy Khỏa ra trận, đánh nhau với tướng giặc Đỗ Hồi mới vài hiệp, Đỗ Hồi đã ngã lăn xuống đất, bị Ngụy Khỏa bắt sống. Đêm ấy Ngụy Khỏa nằm mơ thấy một ông già đến tạ ơi, bảo "Tôi là cha của người thiếp được ông cứu sống, nay cảm cái ơn mà kết cỏ vướng chân ngựa Đỗ Hồi giúp ông để báo đáp."

    Hàm hoàn: Dương Bảo đời Hán cứu một con sẻ vàng bị chim cắt đánh rơi xuống đất, mang về nuôi cho khỏe mạnh rồi thả đi. Đêm hôm ấy có đứa trẻ mặc áo vàng, ngậm bốn vòng ngọc đến lạy tạ, nói rằng: "Tôi là sứ giả của Tây Vương Mẫu được ông cứu vớt, nay xin đem lễ này đến tạ, cầu cho con cháu của ông được hiển đạt cao sang như vòng ngọc này." Về sau con cháu của Dương Bảo đều làm quan to.

  27. Khó
    Nghèo.
  28. Chao
    Dùng rổ sâu, giậm, cái chao mà múc, xúc hay hớt lấy vật gì.
  29. Cá mè
    Tên chung của một số loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, có thân dẹp, đầu to, vẩy nhỏ, trắng. Có nhiều loài cá mè, nhưng cá mè trắng và mè hoa là phổ biến hơn cả. Nhân dân ta đánh bắt cá mè để lấy thịt, mỡ và mật cá, vừa để chế biến thức ăn vừa làm thuốc.

    Cá mè

    Cá mè

  30. Tự vẫn
    Tự tử bằng cách đâm vào cổ. Có khi nói thành tự vận.
  31. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  32. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  33. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  34. Đã trót ăn của người ta, chịu ơn người ta rồi thì dù thấy lầm lỗi của người ta cũng khó nói ra (ngọng miệng).