Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cươi
    Sân (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  2. Sấm tháng mười cày cươi mà cấy
    Tháng mười có sấm thì nhất định vụ chiêm sau đó sẽ được mùa, nên tận dụng đất (cày cả sân nhà) để cấy lúa.
  3. Thụy Phương
    Tên một làng nay thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Làng có tên nôm là làng Trèm, cũng gọi là làng Chèm, nằm bên bờ sông Nhuệ.
  4. Đông Ngạc
    Tên nôm là làng Vẽ hay kẻ Vẽ, một làng cổ ở nằm sát chân cầu Thăng Long, thuộc huyện Từ Liêm, cách trung tâm Hà Nội khoảng 10 km. Đông Ngạc được coi là một trong những làng cổ nhất của Hà Nội. Làng còn được gọi là "làng tiến sĩ" do có rất nhiều vị tiến sĩ Hán học và Tây học, đồng thời nổi tiếng với nghề truyền thống là làm nem.
  5. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  6. Cứt lợn
    Còn có tên là cỏ hôi hoặc cây bù xít, một loại cây mọc hoang có mùi rất hắc. Theo đông y, cây cỏ hôi có vị cay, hơi đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tiêu sưng; thường được dùng chữa viêm họng do lạnh, chữa rong huyết cho phụ nữ sau sinh, viêm đường tiết niệu...

    Cây cứt lợn

    Cây cứt lợn

  7. Nghiến đốt
    Cọ xát thật mạnh nhằm làm mòn phẳng các đốt lồi lên trên thân cây tre. Đây là một công đoạn trong sơ chế tre trúc.
  8. Nhà chữ môn
    Nhà được xây theo lối cổ, gồm một ngôi ở giữa và hai ngôi hai bên, nhìn như chữ môn 門.
  9. Câu này và câu sau có bản chép "nhà chữ môn" thành "nhà năm gian."
  10. Bình văn
    Bình luận, nhận xét về văn chương. Đây là một cách dạy học, đồng thời là một nét văn hóa xưa.

    Bình văn (tranh Lê Huy Miến)

    Bình văn (tranh Lê Huy Miến)

  11. Khánh
    Nhạc cụ gõ làm bằng tấm đồng, thường có hình giống lưỡi rìu, treo lên bằng một sợi dây.

    Cái khánh

    Cái khánh

  12. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  13. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  14. Nhật trình
    Hành trình trong một ngày, khoảng cách đi được trong một ngày.

    Vài ngày huyện vụ giao xong,
    Ra thành lên kiệu, thẳng giong nhật trình.

    (Nhị Độ Mai)

  15. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  16. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  17. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  18. Xuân bất tái lai
    Tuổi trẻ không quay trở lại.
  19. Vuông
    Đơn vị dân gian dùng để đo vải, bằng bề ngang (hoặc khổ) của tấm vải (vuông vải, vuông nhiễu).
  20. Màu đào
    Màu đỏ phơn phớt như màu hoa đào.
  21. Thế
    Đời, thế gian (từ Hán Việt).

    Tay bé khôn bưng vừa miệng thế,
    Giãi lòng ngay thảo, cậy thiên tri.

    (Than thân - Nguyễn Hữu Chỉnh)

  22. Hành khiển
    Tên chung của mười hai vị thần văn (gọi là Thập nhị Đại vương Hành khiển) thay mặt Ngọc Hoàng – vị vua của thiên giới - trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ 12 con giáp. Bắt đầu là năm Tý, năm cuối cùng là năm Hợi, hết năm Hợi lại quay trở lại với vị Đại vương hành khiển của 12 năm trước. Vào đêm giao thừa người ta làm lễ cúng tế để tiễn hành khiển cũ và đón hành khiển mới. Đọc thêm về Hành binh, Hành khiển và Pháp quan.
  23. Hành binh
    Tên chung của mười hai vị thần võ thay mặt Ngọc Hoàng trông coi mọi việc trên thế gian, mỗi vị một năm theo chu kỳ của 12 con giáp. Xem thêm: Hành khiển.
  24. Bói giò gà
    Cũng gọi là xem chân giò, một nghi thức tín ngưỡng dân gian sử dụng chân gà để đoán việc lành dữ. Xem thêm.
  25. Bởi chưng
    Bởi vì (từ cổ).
  26. Vọng Phu
    Hình tượng người phụ nữ bồng con đứng trên đỉnh núi chờ chồng rồi sau hóa thành đá, rất thường gặp trong văn học dân gian. Trên khắp đất nước ta có rất nhiều đỉnh núi được mang tên là núi Vọng Phu hoặc đá Vọng Phu.
  27. Núi Nhồi
    Một ngọn núi nay thuộc địa phận thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trên đỉnh núi có một cột đá cao khoảng 20 m, giống hình một người phụ nữ bế con, nhân dân gọi là Hòn vọng phu. Dưới chân núi Nhồi là làng Nhồi (gồm có Nhồi Thượng và Nhồi Hạ) có nghề chạm khắc đá từ thời nhà Lý.

    Hòn Vọng Phu trên đỉnh núi Nhồi (ảnh: Lê Dậu)

    Hòn Vọng Phu trên đỉnh núi Nhồi (ảnh: Lê Dậu)

  28. Chinh phụ
    Vợ của người đi ra trận (từ Hán Việt).
  29. Án Đổ
    Tên một làng nay thuộc huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa.
  30. Có bản chép: Kim Tử.
  31. Hà Trung
    Tên cũ là Tống Sơn, một huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa.
  32. Chợ Nghè
    Một ngôi chợ nay thuộc địa phận xã Hoa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
  33. Chợ Go
    Chợ thuộc kẻ Go, Thiệu Đô, Thanh Hóa.
  34. Núi Go, huyện Thiệu Đô, Thanh Hóa.
  35. Hồng Đô
    Gọi tắt là làng Hồng, một làng thuộc xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Làng có nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm là trồng dâu nuôi tằm và dệt nhiễu.

    Phơi tơ ở làng Hồng Đô

    Phơi tơ ở làng Hồng Đô

  36. Vạc
    Một làng nay thuộc xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  37. Cổ Đô
    Một thôn thuộc xã Trà Sơn, tổng Vận Quy, huyện Đông Sơn, phủ Thiệu Thiên ngày trước, nay là một phần của xã Thiệu Đô, tỉnh Thanh Hóa.
  38. Trà Đông
    Cũng gọi là Chè Đông, tên Nôm là kẻ Chè, xa xưa gọi là kẻ Rỵ, một làng nay thuộc địa phận xã Thiệu Trung, Thiệu Hóa, Thanh Hóa. Làng có nghề đúc đồng truyền thống (nên cũng gọi là làng Trà Đúc), đồng thời là quê hương của những danh nhân nổi tiếng như Trấn Quốc Công, Bộc Xạ Tướng Công Lê Lương, nhà sử học Lê Văn Hưu...
  39. Miệt vườn
    Tên gọi chung cho khu vực nằm trên những dải đất giồng phù sa dọc theo hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang tại đồng bằng sông Cửu Long. "Miệt" là phương ngữ Nam Bộ chỉ vùng, miền. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, miệt vườn bao gồm các tỉnh Tiền Giang, Gò Công, Trà Vinh, Sa Đéc, Vĩnh Long, một phần của tỉnh Cần Thơ và một phần của tỉnh Đồng Tháp. Ngành nông nghiệp chính trên những vùng đất này là lập vườn trồng cây ăn trái.  Đất đai miệt vườn là phù sa pha cát màu mỡ, sạch phèn, lại không bị ảnh hưởng của lũ lụt và nước mặn. Do vậy, miệt vuờn được coi là khu vực đất lành chim đậu, có nhiều tỉnh lị phồn thịnh, sầm uất. Nhiều loại trái cây ngon của miệt vuờn đã trở nên nổi tiếng, gắn liền với địa danh như xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), quýt Lai Vung (Đồng Tháp), vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), ...

    Quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

    Quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

  40. Cầu khỉ
    Loại cầu đặc trưng của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Cầu rất đơn sơ, thường làm bằng thân tre (gọi là cầu tre), thân dừa (cầu dừa) hoặc cây gỗ tạp, bắt ngang qua kênh rạch. Cầu khỉ có thể có hoặc không có tay vịn, nhưng đều chỉ cho một người đi. Người ta hình dung chỉ có những con khỉ hay leo trèo mới có thể đi được, nên đặt tên là cầu khỉ. Một ý kiến khác lại cho rằng chính dáng người đi lom khom như con khỉ của khách bộ hành là nguồn gốc của cái tên này.

    Cầu tre

    Cầu tre

  41. Cân già
    Trọng lượng thực tế nhiều hơn số đo trên cân một ít.
  42. Cân non
    Trọng lượng thực tế ít hơn số đo trên cân một ít.
  43. Sớ lỡ
    Lỡ, lầm (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  44. Rủng rải
    Thủng thỉnh, thủng thẳng (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  45. Đại Thanh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Đại Thanh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  46. Chiếu miến
    Loại chiếu nhỏ sợi, nằm êm.
  47. Lai láng
    Tràn đầy khắp nơi như đâu cũng có. Từ này cũng được dùng để chỉ trạng thái tình cảm chứa chan, tràn ngập.

    Lòng thơ lai láng bồi hồi,
    Gốc cây lại vạch một bài cổ thi.

    (Truyện Kiều)

  48. Nguyễn Văn Siêu
    Thường được gọi là Nguyễn Siêu, nhà thơ, nhà văn hóa Việt Nam thế kỉ 19. Ông cùng với người bạn vong niên Cao Bá Quát được coi là hai danh sĩ tiêu biểu thời bấy giờ. Ngoài tài năng văn chương, thơ phú và các đóng góp về nghiên cứu, Nguyễn Siêu cũng là người đã đứng ra tu sửa đền Ngọc Sơn, bắc cầu Thê Húc, xây Tháp BútĐài NghiênHồ Gươm vào năm 1865.
  49. Cao Bá Quát
    Một nhà thơ nổi danh vào thế kỉ 19, đồng thời là quốc sư của cuộc nổi dậy Mỹ Lương (sử cũ gọi là giặc Châu Chấu). Ông sinh năm 1809 tại làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh; nay là xã Phú Thị huyện Gia Lâm thuộc ngoại thành Hà Nội. Nổi tiếng văn hay chữ tốt từ nhỏ, nhưng do tính tình cương trực, thẳng thắn, Cao Bá Quát có hoạn lộ rất lận đận. Năm Giáp Dần (1854), ông cùng một số sĩ phu yêu nước nổi dậy tại Mỹ Lương (Sơn Tây) nhưng mau chóng thất bại và bị giết vào cuối năm 1855. Về tài năng văn chương của ông và người bạn vong niên Nguyễn Siêu, vua Tự Đức có hai câu thơ khen:

    Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
    Thi đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường

    Tạm dịch nghĩa: Văn như Siêu, Quát thì thời nhà Hán (Trung Quốc) cũng không có được. Thơ như Tùng (Tùng Thiện Vương), Tuy (Tuy Lý Vương) thì đời nhà Đường cũng không tới được.

  50. Đọt
    Ngọn thân hay cành cây còn non (đọt ổi, đọt chuối), hoặc phần trên cùng của cây cao (đọt dừa, đọt cau, đọt tre...).
  51. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  52. Gông xiềng
    Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc