Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sông Vị Hoàng
    Tên một con sông đào chảy qua đất Vị Hoàng, thuộc tỉnh Nam Định. Theo sử cũ, sông Vị Hoàng được đào vào đời Trần, nối sông Đáy với sông Vĩnh Tế (Vĩnh Giang) chảy quanh co quanh phủ Thiên Trường xưa. Năm 1832, vua Minh Mạng cho đào một con sông mới, được gọi là sông Đào, để chia sẻ dòng nước từ kênh Phù Long đến bến đò Lương Xá, tách làng Vị Hoàng thành hai làng: Vị Hoàng và Vị Khê. Từ đây, nước sông Hồng không còn đổ nhiều vào sông Vị Hoàng, sông bị bồi lấp dần, nên gọi là sông Lấp. Ngày nay, hầu như không còn vết tích của sông Vị Hoàng.

    Sông Vị Hoàng chính là con sông đã đi vào thơ Tế Xương:

    Sông kia rày đã nên đồng
    Chỗ làm nhà cửa, chỗ trồng ngô khoai
    Vẳng nghe tiếng ếch bên tai
    Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò.

  2. Nguyệt
    Mặt trăng (từ Hán Việt).
  3. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  4. Mai
    Cây cùng loại với tre, gióng dài, thành dày, đốt lặn, lá rất to, dùng làm nhà, làm ống đựng nước...

    Gốc mai và măng mai.

    Gốc mai và măng mai.

  5. Trúc mai
    Trong văn chương, trúc và mai thường được dùng như hình ảnh đôi bạn tình chung thủy, hoặc nói về tình nghĩa vợ chồng.

    Một nhà sum họp trúc mai
    Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông

    (Truyện Kiều)

  6. Lần
    Dần dần (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Vại
    Đồ đựng bằng sành, gốm, hình trụ, lòng sâu, để đựng nước hoặc mắm.

    Vại nước

    Vại nước

  8. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  9. Vịt
    Một loại giỏ tre đan theo hình con vịt, dùng để đựng tôm cua, cá...
  10. Lươn
    Loài cá nước ngọt, thân hình trụ, dài khoảng 24-40 cm, đuôi vót nhọn, thoạt nhìn có hình dạng như rắn. Lươn không có vảy, da trơn có nhớt, màu nâu vàng, sống chui rúc trong bùn ở đáy ao, đầm lầy, kênh mương, hay ruộng lúa. Lươn kiếm ăn ban đêm, thức ăn của chúng là các loài cá, giun và giáp xác nhỏ.

    Ở nước ta, lươn là một loại thủy sản phổ biến, món ăn từ lươn thường được coi là đặc sản. Lươn được chế biến thành nhiều món ngon như: cháo lươn, miến lươn, lươn xào...

    Con lươn

    Con lươn

  11. Rương
    Hòm để đựng đồ (sách vở, quần áo...) hoặc tiền vàng, thường làm bằng gỗ, có móc khóa.

    Cái rương

    Cái rương

  12. Quy
    Con rùa (từ Hán Việt).
  13. Cá mại
    Loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, cỡ nhỏ bằng ngón tay cái, thân dẹp và ngắn.

    Cá mại nấu canh chua

    Cá mại nấu canh chua

  14. Cá hóa long
    Cá hóa rồng. Theo truyền thuyết phương Đông, cá chép có thể vượt vũ môn và hóa thành rồng. Nghĩa bóng chỉ việc học hành đỗ đạt, có công danh.
  15. Đây được cho là hai câu hát mỉa mai nhau của hai nhà họ Nguyễn và họ Hồ, đều là bá hộ làng Niêm Phò ngày trước (nay thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế). Họ Hồ có cô con gái tên Qui, họ Nguyễn có người con trai tên Mại. Hai ông chồng đều muốn làm sui với nhau nhưng hai bà vợ không chịu nên mới có câu hát đối đáp nhau như thế. Nguyễn Văn Mại sau này đỗ đạt cao, làm đến quan nhất phẩm triều Nguyễn. (Theo sách Cố đô Huế của Thái Văn Kiểm)
  16. Có bản chép: Cải.
  17. Lóng
    Đốt (lóng tay: đốt tay, lóng mía: đốt mía, lóng tre: đốt tre...) (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  19. Cỏ gà
    Còn có các tên khác là cỏ chỉ, cỏ ống, một loại cỏ sinh trưởng rất mạnh, bò kết chằng chịt với nhau thành thảm dày đặc. Trẻ em ở nông thôn có trò chơi đơn giản từ cỏ gà gọi là "chọi cỏ gà" hay "đá cỏ gà."

    Cỏ gà

    Cỏ gà

  20. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  21. Muôn
    Mười nghìn (từ cũ), đồng nghĩa với vạn.
  22. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  23. Bạn vàng
    Bạn thân, bạn quý. Thường dùng để chỉ người yêu.
  24. Muỗm
    Miền Nam gọi là quéo, xoài hôi, hoặc xoài cà lăm, một loại cây giống cây xoài, thân lớn, thường được trồng trong các sân đình, chùa. Quả muỗm giống vỏ xoài nhưng nhỏ hơn và chua chứ không ngọt như xoài, nên thường để nấu canh hoặc chấm muối ớt.

    Cành và quả muỗm

    Cành và quả muỗm

  25. Nường
    Nàng (từ cũ).
  26. Rấp
    Che chắn, ngăn lại.
  27. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  28. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  29. Đạo tràng
    Chỗ đọc kinh và cúng bái trong Phật giáo và Đạo giáo.
  30. Tín chủ
    Người tin tưởng Phật thần, là người tổ chức những cuộc cúng lễ, lên đồng...
  31. Ăn de
    Ăn nhín, ăn dè.