Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Sáo
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, có bộ lông sẫm màu, thường sống trong các hốc, lỗ, và đẻ trứng có vỏ màu xanh lam hoặc trắng. Vài loài sáo có khả năng bắt chước tiếng người, nên thường được nuôi làm chim cảnh.

    Chim sáo

    Chim sáo

  2. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  3. Một loài chim rất quen thuộc với đồng quê Việt Nam. Cò có bộ lông màu trắng, sống thành đàn ở vùng đất ngập nước ngọt như hồ ao, kênh mương, sông, bãi bùn ngập nước, ruộng lúa... Thức ăn chủ yếu là các loại ốc, các động vật thuỷ sinh như ếch, nhái, cua và côn trùng lớn. Hình ảnh con cò thường được đưa vào ca dao dân ca làm biểu tượng cho người nông dân lam lũ cực khổ.

    “Con cò bay la
    Con cò bay lả
    Con cò Cổng Phủ,
    Con cò Đồng Đăng…”
    Cò một mình, cò phải kiếm lấy ăn,
    Con có mẹ, con chơi rồi lại ngủ.

    (Con cò - Chế Lan Viên)

    Cò

  4. Gàu
    Đồ dùng để kéo nước từ giếng hay tát nước từ đồng ruộng. Trước đây gàu thường được đan bằng tre hoặc làm từ bẹ cau, sau này thì gàu có thể được làm bằng nhựa hoặc tôn mỏng.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  5. Đẻ
    Mẹ (phương ngữ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ).
  6. Răng
    Sao (phương ngữ Trung Bộ).
  7. Truồi
    Tên một vùng đất ở phía Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, gồm nhiều làng mạc trải rộng hai bên bờ sông Truồi. Lịch sử xứ Truồi bắt đầu hình thành sau khi Chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa và đẩy nhanh việc mở mang xứ Đàng Trong về phía Nam. Tại đây có núi Truồi - một đỉnh núi thuộc dãy Bạch Mã, còn gọi là Động Truồi - và sông Truồi - con sông bắt nguồn từ dãy Bạch Mã và đổ ra biển ở cửa Tư Hiền. "Xứ Truồi" là một địa danh rất thân thuộc với người dân Thừa Thiên-Huế.

    Hồ Truồi

    Hồ Truồi

  8. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  9. Điều
    Một loại cây nhỏ cho quả có nhiều lông, màu đỏ, trong có nhiều hạt nhỏ. Từ hạt điều chiết xuất được một chất màu vàng đỏ (gọi là màu điều), được dùng để nhuộm vải. Vải được nhuộm điều thường gọi là vải điều.

    Quả và hạt điều

    Quả và hạt điều

  10. Có ý kiến cho rằng "người áo trắng" trong dị bản này chỉ ông Trần Văn Thành, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa, và tác giả bài ca dao này chính là bà Trần Thị Thạnh, phu nhân của ông. Xem thêm về Trần Văn Thành và cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa trên Wikipedia.
  11. Cá diễn
    Còn gọi là cá viễn, một loại cá biển có thân mình dẹp, da dày, thịt ăn ngon.

    Cá diễn

    Cá diễn

  12. Hòn Gió
    Tên một ngọn núi ở đầu nguồn sông Bàn Thạch, tỉnh Phú Yên.
  13. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  14. Dao phay
    Dao có lưỡi mỏng, bằng và to bản, dùng để băm, thái.

    Dao phay dùng trong bếp

    Dao phay dùng trong bếp

  15. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  16. Dầu
    Một loại cây thân gỗ cao và thẳng. Cây dầu thường sống ở các vùng rừng nhiệt đới, là loại cây gỗ có giá trị cao. Ngoài ra, từ cây dầu có thể làm tinh dầu thơm, nhựa mủ hay gỗ dán.

    Cây dầu đôi ở Diên Khánh - Khánh Hòa

    Cây dầu đôi ở Diên Khánh - Khánh Hòa

  17. Có bản chép: ngọn bầu.
  18. Diệc
    Một loài chim giống như cò, thức ăn chủ yếu là côn trùng, cá... Diệc mốc có bộ lông màu nâu. Ngoài ra còn có diệc ba màu, diệc xanh...

    Chim diệc đang bắt cá

    Chim diệc đang bắt cá

  19. Núc nác
    Loài cây to, quả dài và dẹp, gỗ trắng và mềm, vỏ có thể dùng làm thuốc chữa các bệnh ngoài da và một số bệnh khác.

    Cây và quả núc nác

    Cây và quả núc nác

  20. Vàng tâm
    Còn gọi là cây mỡ, một loại cây thuộc họ Mộc lan, cho gỗ tốt, thơm, khó mối mọt, không nứt nẻ hoặc biến dạng khi khô, được dùng làm đồ nội thất, mỹ nghệ, đóng quan tài.

    Cây vàng tâm

    Cây vàng tâm

  21. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  22. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  23. Đồng điếu
    Còn gọi là đồng đỏ, đồng mắt cua hoặc đồng thanh, là hợp kim của đồng (thường là với thiếc), trong đó tỉ lệ đồng nguyên chất rất cao (97%).

    Tiền Cảnh Hưng bằng vàng (trái) và đồng đỏ

    Tiền Cảnh Hưng bằng vàng (trái) và đồng đỏ

  24. Hoa sói
    Còn gọi là hoa hòe hay hoa trân châu, một loại cây cho hoa màu trắng đục, rất thơm, thường được dùng để ướp trà. Bốn loài hoa được dùng ướp trà hương là hoa sen (có nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười), hoa lài (vùng Phú Thọ Hòa, Gò Vấp), hoa ngâu (Bình Định) và hoa sói (Bảo Lộc, Lâm Đồng).

    Hoa sói

    Hoa sói

  25. Xương sông
    Loài cây có thân thẳng đứng, cao khoảng một mét hoặc hơn. Lá thuôn dài, mép có răng cưa, có mùi hơi hăng của dầu. Lá xương sông là một loại rau gia vị phổ biến, và cũng là vị thuốc chữa bệnh đường hô hấp, cảm cúm...

    Lá xương sông

    Lá xương sông

  26. Bất nhân
    Không có tính người, tàn ác (từ Hán Việt).
  27. Ruộng gò
    Ruộng làm ở chỗ đất gò, đất cao.
  28. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  29. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  30. Xăn
    Xắn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).