Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  2. Có bản chép: Trăng trong vằng vặc, nỗi lòng bâng khuân.
  3. Chè tàu
    Chè sản xuất từ búp chè không ủ lên men, cánh nhỏ, nước xanh, có hương thơm. Chè có tên như vậy vì nguyên sản xuất ở Trung Quốc.
  4. Đồng Phú
    Một địa danh nay là một phường thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
  5. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  6. Nhất Xe sát vạn
    Một con Xe có thể giết được vạn binh mã. Chỉ sức mạnh của quân Xe trong cờ tướng.
  7. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  8. Thủ lễ
    Giữ lễ phép. Nghiêng mình thủ lễ tức là nghiêng mình chào cung kính, giữ phép tắc.
  9. Lang
    Chàng (từ Hán Việt), tiếng con gái gọi con trai. Văn chương cổ thường dùng "tình lang," "bạn lang" để chỉ người tình.
  10. Định Hòa
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
  11. Hổ Bái
    Tên một làng nay thuộc địa phận xã Yên Bái, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây có đền Hổ Bái, thờ người con thứ 11 của Lạc Long Quân.

    Đền Hổ Bái

    Đền Hổ Bái

  12. Đan Nê
    Tên một làng nay thuộc địa phận xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây có núi Đồng Cổ (cũng có tên là núi Đan Nê) cùng với các di tích như chùa Thanh Nguyên và đền thờ thần Đồng Cổ.

    Đền thờ thần Đồng Cổ

    Đền thờ thần Đồng Cổ

  13. Quảng Hán
    Tên một làng nay thuộc xã Yên Trường, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Làng Quảng Hán còn có tên Nôm là làng Hớn hoặc làng Hón.
  14. Lựu Khê
    Tên một làng nay thuộc địa phận xã Yên Trường, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa.
  15. Chợ Bản
    Chợ huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Có tên như vậy vì chợ được họp ở làng Bản Đanh, xã Định Long. Đây là một trong những chợ lớn nổi tiếng của Yên Định, chuyên trao đổi, bán mua nông sản, trâu bò, lợn gà, gia súc gia cầm cũng như các món ẩm thực đặc sản của vùng quê Yên Định. Chợ rất đông đúc, nên những gì đông đúc tấp nập thường được dân địa phương ví là "đông như chợ Bản."
  16. Quán Lào
    Địa danh nay là thị trấn của huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1989, thị trấn Thiệu Yên được thành lập, là huyện lị của huyện Thiệu Yên. Năm 1996, huyện Yên Định tái lập từ huyện Thiệu Yên, thị trấn Thiệu Yên được đổi tên thành thị trấn Quán Lào.
  17. Từ Hải
    Nhân vật trong Truyện Kiều, cũng là một tướng cướp có thật trong lịch sử. Dưới triều đình phong kiến, Từ Hải là kẻ phiến loạn, mang tội bất trung. Từ Hải gặp Thúy Kiều trong lầu xanh và chuộc Kiều ra, giúp Kiều báo ân báo oán. Về sau Từ Hải nghe lời khuyên của Thúy Kiều, quy hàng triều đình, chẳng ngờ mắc mưu và bị giết. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mô tả cái chết của Từ Hải là chết đứng giữa trận tiền:

    Trơ như đá, vững như đồng,
    Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời

    Từ Hải chết đứng oan ức giữa trận tiền. (Tranh của họa sĩ Ngọc Mai)

    Từ Hải chết đứng oan ức giữa trận tiền. (Tranh của họa sĩ Ngọc Mai)

  18. Tịnh Tâm
    Tên một hồ nước trong kinh thành Huế, nguyên là vết tích của sông Kim Long, dưới thời vua Minh Mạng được cải tạo thành hồ hình chữ nhật làm chỗ tiêu dao, giải trí. Trên hồ có ba đảo Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu. Dưới thời vua Thiệu Trị hồ được coi là một trong 20 cảnh đẹp của đất Thần Kinh. Đây cũng là nơi hai chí sĩ Thái Phiên và Trần Cao Vân giả làm người câu cá bí mật gặp vua Duy Tân bàn kế hoạch cho phong trào Duy Tân chống Pháp.

    Hồ Tịnh Tâm

    Cảnh hồ Tịnh Tâm

  19. Bách Diệp
    Một loại sen quý, hoa có nhiều cánh nhỏ màu hồng ("bách diệp" nghĩa là "trăm cánh").

    Sen Bách Diệp

    Sen Bách Diệp

  20. Có bản chép: sen Bách Hợp.
  21. Hương Cần
    Một làng bên sông Bồ, thuộc xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên–Huế. Quýt Hương Cần là giống quýt quý hiếm nổi tiếng, sinh thời Nguyễn Du và Tùng Thiện Vương có làm thơ ca tụng.

    Quýt Hương Cần

    Quýt Hương Cần

  22. Cầu ngói Thanh Toàn
    Cây cầu vồng bằng gỗ bắc qua một con mương làng Thanh Thủy Chánh, thuộc xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế, cách thành phố Huế khoảng 8 km về phía Đông Nam. Cầu được xây vào thế kỉ 16, theo lối "thượng gia hạ kiều," được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao nhất trong các loại cầu cổ ở nước ta.

    Cầu ngói Thanh Toàn

    Cầu ngói Thanh Toàn

  23. Có bản chép: Cho em.
  24. Tam Điệp
    Tên một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng Tây Bắc–Đông Nam, gồm có 3 ngọn. Trên dãy núi này cũng có đèo Tam Điệp, con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo: Đèo phía Bắc, đèo phía Nam, và đèo Giữa. Đèo Tam Điệp cũng có tên dân gian là Ba Dội (dội tiếng Việt cổ nghĩa là đợt, lớp).

    Một đèo, một đèo, lại một đèo,
    Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
    Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
    Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

    (Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương)

    Phòng tuyến Tam Điệp

    Phòng tuyến Tam Điệp

  25. Thất thủ kinh đô
    Một cách gọi của sự kiện lịch sử diễn ra vào hai ngày 4 và 5 tháng 7 năm 1885 tại Huế, bấy giờ là kinh đô nhà Nguyễn, khi quân triều đình do Tôn Thất Thuyết chỉ huy tập kích vào lực lượng Pháp. Trận tập kích thất bại, quân Pháp cướp bóc, đốt phá và giết hại hàng vạn người dân. Triều đình Hàm Nghi rút khỏi kinh thành, bắt đầu phong trào Cần Vương.

    Trận kinh thành Huế

    Trận kinh thành Huế

  26. Nhà dây thép
    Bưu điện. Gửi điện tín được gọi là "đánh dây thép." Từ này xuất hiện từ thời Pháp thuộc, hiện nay ít được dùng.
  27. Sau khi chiếm được Việt Nam, người Pháp bắt đầu xây dựng hệ thống viễn thông ("dây thép") và vẽ bản đồ để phục vụ cho công cuộc cai trị thuộc địa.
  28. Tòa khâm sứ Trung Kỳ
    Còn gọi là tòa Khâm, tòa nhà dùng làm nơi ở và làm việc của khâm sứ Trung Kỳ, viên chức người Pháp đại diện cho chính quyền bảo hộ ở Trung Kỳ dưới thời Pháp thuộc. Tòa nhà được xây từ tháng 4/1876 (năm Tự Đức thứ 28), đến tháng 7/1878, là thủ phủ của chế độ thực dân ở Trung kỳ, chi phối toàn bộ hoạt động của nhà nước phong kiến triều Nguyễn. Ngày nay khuôn viên tòa là Trường Đại học Sư phạm Huế.

    Tòa khâm sứ Trung Kỳ

    Tòa khâm sứ Trung Kỳ