Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đài bi
    Hay đại bi, còn có tên khác là từ bi xanh, đại ngải, bơ nạt, phặc phả (Tày), co nát (Thái), là loại cây nhỏ, toàn thân và quả có lông mềm và tinh dầu thơm. Cụm hoa hình ngù ở nách lá hay ở ngọn, gồm nhiều đầu, trong mỗi đầu có nhiều hoa màu vàng. Cây đại bi có vị cay và đắng, mùi thơm nóng, tính ấm, được dùng làm vị thuốc chữa một số bệnh ngoài da.

    Hoa đài bi

    Hoa đài bi

  2. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  3. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  4. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  5. Thậm
    Rất, lắm.
  6. Cống
    Học vị dành cho những người thi đỗ khoa thi Hương dưới chế độ phong kiến.

    Nào có ra gì cái chữ Nho
    Ông Nghè, ông Cống cũng nằm co

    (Chữ Nho - Tú Xương)

  7. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.
  8. Phỗng
    Tượng bằng đất hoặc đá thường được đặt ở đền thờ trong tư thế quỳ gối, hai tay chắp lại. Phỗng còn là loại tượng dân gian bằng đất, sành hoặc bằng sứ, cỡ nhỏ, dáng to béo, lạc quan, để bày chơi trong các gia đình. Từ ông phỗng, thằng phỗng thường dùng để chỉ người ngây, đần.

    Ông đứng làm chi đó hỡi ông?
    Trơ trơ như đá, vững như đồng.
    Đêm ngày gìn giữ cho ai đó?
    Non nước đầy vơi có biết không?

    (Ông phỗng đá - Nguyễn Khuyến)

    Phỗng đá

    Phỗng đá

  9. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  10. Nọc
    Cọc cắm xuống đất để dây trầu quấn mà mọc lên.

    Nọc ở vườn trầu

    Nọc ở vườn trầu

  11. Áo chẹt
    Áo bó sát người (chẹt có nghĩa là chỗ hẹp).
  12. Vá quàng
    Những người phải lao động, khuân vác nhiều, phần lưng và vai áo thường rách thành lỗ lớn. Người ta vá những chỗ ấy bằng miếng vải to, có khi không trùng màu, gọi là vá quàng.
  13. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  14. Ngoải
    Ngoài đó (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  16. Quần loe
    Quần dài, có ống rộng về phía mắt cá chân.
  17. Trong thời bao cấp, quần loe và tóc dài (hoặc bù xù) bị xếp vào hàng văn hóa lai căng, không đứng đắn. Một số đơn vị hành chính còn treo biển “Không tiếp quần loe.” Thậm chí trên các ngã tư, đường phố thường có các đội thanh niên tình nguyện chuyên đi cắt quần ống loe và cắt tóc.

    Tóc dài quần loe thời bao cấp

  18. Sao Kim
    Hành tinh thứ hai trong hệ Mặt Trời, khi xuất hiện lúc chiều tối thì được gọi là sao Hôm, khi xuất hiện lúc sáng sớm thì được gọi là sao Mai. Người xưa lầm tưởng sao Hôm và sao Mai là hai ngôi sao riêng biệt. Trong thi ca, sao Hôm là hoán dụ của hoàng hôn, còn sao Mai là hoán dụ của bình minh.
  19. Sao Vược
    Một số bản chép là sao Vượt, một ngôi sao trong sự tích sao Hôm, sao Mai của dân gian Việt Nam. Theo đó, sao Hôm và sao Mai vốn là hai anh em mồ côi cha mẹ, rất thương yêu nhau. Người anh bị bắt đi phu, trước khi đi dặn em trông nom chị dâu. Nghe lời anh, em đêm ngày lo lắng coi giữ chị. Em khoét một lỗ vách, đêm đêm luồn tay qua, đặt lên bụng chị để canh. Không ngờ, chị có thai. Em sợ trốn đi, đi mãi, kiệt sức chết, hóa thành sao Hôm. Người anh trở về, thấy sự rắc rối, rất giận em. Cho đến khi vợ đẻ ra một bàn tay thì anh mới hiểu em mình bị nghi oan, liền đi tìm, đi mãi, chết hóa thành sao Mai. Người vợ cũng đi tìm chồng và em, chết hóa thành sao Vược. Vì vậy sao Vược cứ lao qua lao lại giữa bầu trời như đang tìm kiếm ai đó.
  20. Xe nước
    Công cụ làm bằng tre, có hình chiếc bánh xe, dùng để lấy nước tưới cho đồng ruộng. Tương truyền kiểu xe nước ngày nay còn thông dụng ở các tỉnh miền Trung là loại xe nước ở Ai Cập vào thế kỉ trước do Nguyễn Trường Tộ vẽ lại mang về áp dụng từ nửa cuối thế kỉ 19.

    Xe nước

    Xe nước

  21. Hốt phân trâu, phân bò về bón ruộng.
  22. Đồng âm với chữ "cam" trong "cam chịu."
  23. Tam Sơn
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Tam Sơn, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  24. Ba Hà
    Tức Hà Thượng, Hà Trung, Hà Hạ (nay là Hà Thanh), ba làng nghề được lập vào cuối thế kỉ 15, nay thuộc địa phận Gio Linh, Quảng Trị.
  25. Cánh Hòm
    Một con sông trải dài trên diện tích phía đông của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nối liền sông Thạch Hãn ở phía Nam và sông Bến Hải ở phía Bắc.
  26. Đạo thánh hiền
    Đạo Nho. Hiểu rộng ra là những luân lý thông thường, điều hay lẽ phải để mọi người noi theo.
  27. Năm hằng
    Ngũ thường, năm điều trong đạo hằng (đạo luân thường). Xem thêm chú thích Cương thường.
  28. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  29. Cầu Rào
    Một cây cầu bắc qua sông Lạch Tray thuộc Hải Phòng . Cầu được xây dựng lần đầu tiên dưới thời Pháp thuộc, thuộc địa phận làng Rào (tên nôm của làng An Khê).

    Cầu Rào hiện nay

    Cầu Rào hiện nay

  30. Cầu Đất
    Tên một con phố thuộc trung tâm thành phố Hải Phòng hiện nay. Có tên gọi như vậy vì trước đây có một cây cầu nhỏ bằng tre đắp đất (gọi là cầu Đất) bắc qua một con lạch tại khu vực này.
  31. Bồ liễu
    Cây thủy dương. Nghĩa bóng chỉ thể chất yếu ớt, người phụ nữ (theo Hán Việt tự điển - Đào Duy Anh).

    Thưa rằng: quân tử phó công
    Xin thương bồ liễu chữ tòng ngây thơ

    (Lục Vân Tiên)

  32. Chương Đài
    Tên một con đường ở thành Trường An (Trung Quốc) thời Đường, nơi có nhiều lầu xanh. Nhà thơ Hàn Hoằng cưới một kĩ nữ họ Liễu làm vợ, nhà ở đường Chương Đài. Hàn Hoằng đi Thanh Châu nhậm chức, ba năm không về được, chỉ gửi cho vợ bài thơ: "Chương Đài liễu, Chương Đài liễu, tích nhật thanh thanh kim tại phủ? Túng sử trường điều y cựu thùy, dã ưng phan chiết tha nhân thủ." (Liễu Chương Đài, Liễu Chương Đài, ngày trước xanh xanh giờ ở đâu? Dẫu rằng cành dài rủ như xưa, cũng tay người khác vin bẻ rồi). Liễu thị cũng làm thơ đáp lại. Về sau, Liễu thị bị tướng Phiên là Sa Tra Lợi bắt làm thiếp. Một tráng sĩ là Hứa Tuấn dùng bài thơ cũ của Hàn Hoằng làm tin, liên lạc với Liễu thị, rồi lập mưu cứu nàng đưa về sum họp với Hàn Hoằng.

    Cụm khách Chương Đài dùng để chỉ người yêu, và liễu Chương Đài chỉ sự xa cách của hai người đang yêu.

    Khi về hỏi liễu Chương Đài,
    Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.

    (Truyện Kiều)

  33. Nhân ngãi
    Người thương, người tình (từ cổ). Cũng nói nhân ngãi, ngỡi nhân.
  34. Sa Kỳ
    Tên một cửa biển ở Quảng Ngãi, nay thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Cửa Sa Kỳ là nơi đổ ra biển của các con sông Châu Me Đông, Diêm Điềm, Chợ Mới - Mỹ Khê... Hiện nay Sa Kỳ là một cảng biển quan trọng thuộc khu công nghiệp Dung Quất.
  35. Lý Sơn
    Địa danh nay là một huyện đảo thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Đây là một cụm đảo gồm Lý Sơn (tên dân gian là cù lao Ré), hòn Bé (cù lao Bờ Bãi) nằm ở phía Bắc, và hòn Mù Cu ở phía Đông. Trong số ba đảo này thì cù lao Ré là đảo lớn nhất. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì xưa kia dân đảo này dùng nhiều dây ré dùng để buộc đồ rất dai và bền chắc. Đại Nam nhất thống chí chép: “Cù Lao Ré ở giữa biển, cách huyện Bình Sơn 65 dặm về hướng Đông, xung quanh núi cao, ở giữa trũng xuống ước mấy chục mẫu, nhân dân hai phường Vĩnh An và An Hải ở tại đây. Phía Đông Bắc có động, trên động có chùa mấy gian, có giếng đá, bên hữu động có giếng nước trong veo, chung quanh cây cối xanh tươi...”.

    Đây là một địa điểm du lịch rất đẹp, đồng thời nổi tiếng với đặc sản gỏi tỏi, được mệnh danh là "vương quốc tỏi."

    Tàu cá trên đảo Lý Sơn

    Tàu cá trên đảo Lý Sơn

    Trồng tỏi trên đảo Lý Sơn

    Trồng tỏi trên đảo Lý Sơn

  36. Có bản chép: Thấy ba hòn lao Ré.
  37. Mông Phụ
    Một làng cổ nay thuộc địa phận Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Làng có từ lâu đời, nhà cửa san sát, chủ yếu xây bằng đá ong, đến nay vẫn còn bảo tồn được những cảnh quan từ xưa. Trong làng có đình Mông Phụ, một trong những ngôi đình tiêu biểu cho kiến trúc đình chùa của người Việt xưa, hiện được công nhận là di tích cấp quốc gia.

    Cổng làng Mông Phụ

    Cổng làng Mông Phụ

    Giếng cổ trong đình Mông Phụ

    Giếng cổ trong đình Mông Phụ

  38. Giáo giở
    Tráo trở, lật lọng.