Đồng dao

  • Nu na nu nống

    Nu na nu nống
    Đánh trống phất cờ
    Mở hội thi đua
    Chân ai sạch sẽ
    Gót đỏ hồng hào
    Không bẩn tí nào
    Được vào đánh trống

  • Nu na nu nống

    Nu na nu nống
    Cái bống nằm trong
    Con ong nằm ngoài
    Củ khoai chấm mật
    Phật ngồi phật khóc
    Con cóc nhảy ra
    Con gà tú hụ
    Nhà mụ thổi xôi
    Nhà tôi nấu chè
    Tè he cống rụt

  • Chi chi chành chành

    Chi chi chành chành
    Cái đanh thổi lửa
    Con ngựa đứt cương
    Ba vương ngụ đế
    Chấp chế thượng hạ
    Ba chạ đi tìm
    Ú tim bắt ập.

    Dị bản

    • Chi chi chành chành
      Cái đanh thổi lửa
      Con ngựa chết trương
      Ba vương ngũ đế
      Bắt dế đi tìm
      Ù à ù ập
      Đóng sập cửa vào

Chú thích

  1. Có bản chép: Bụt ngồi bụt khóc.
  2. Có bản chép: Tay xòe chân rụt.
  3. Chi chi: nhiều việc chưa biết, khó hiểu. Chành: rành; chành chành: rành rành, sự rõ ràng. Kinh thi Việt Nam của Trương Tửu lại đề nghị dị bản khác là "Chu chu rành rành", nghĩa là "Nay bá cáo cho mọi người cùng biết".
  4. Cái đinh, ám chỉ súng đạn.
  5. Có nguồn cho rằng câu này chỉ đến sức mạnh vũ trang Tây phương mà tới cuối thế kỷ 18 người Việt ta mới biết, điển hình là sự kiện quân Pháp nổ súng vào cửa Đà Nẵng năm 1858. Nguồn khác lại cho câu này liên quan đến sự kiện ta nổ súng vào đồn Mang Cá năm 1885.
  6. Ám chỉ việc vua Lê Hiển Tông chết vào ngày Mậu Ngọ (ngày 17), tháng Ngọ (7), năm Bính Ngọ (1786), sau 47 năm trị vì. Nhà vua chết vào đúng lúc kinh đô Thăng Long bị quân Tây Sơn chiếm giữ. Có nguồn cho câu này chỉ sự kiện vua Tự Đức băng hà vào năm 1883 hay vua Hàm Nghi bị người Pháp đày sang Bắc Phi năm 1888.
  7. Ngụ đế
    Tạm giữ ngai vàng (chữ Hán).
  8. Có nguồn cho câu này ám chỉ ba vua trước đời Hàm Nghi: Dục Đức (làm vua ba ngày năm 1883), Hiệp Hòa (làm vua bốn tháng 1883), Kiến Phúc (tại vị 1883-1884) lần lượt lên ngôi và đều bị sát hại. Giả thiết khác cho rằng câu này chỉ tình trạng vào cuối thế kỷ 18, đầu 19, nước ta bị chia ba, miền Bắc dưới quyền vua Quang Trung (Nguyễn Huệ), miền Trung là Thái Đức (Nguyễn Nhạc), và miền Nam dưới tay Gia Long (Nguyễn Ánh). Nguồn khác lại cho câu này chỉ ba màu trên cờ tam sắc của thực dân Pháp.
  9. Trên dưới đều do Tây cai trị. Có bản chép "Cấp kế thượng hải" (có nghĩa là viện binh từ biển tới), giải thích rằng câu này ám chỉ việc Hoàng tử Cảnh theo ông Bá Đa Lộc sang Pháp cầu viện năm 1789.
  10. Chỉ ba làng Thanh Lạng, Thanh Cốc và Tha Mặc, là nơi vua Hàm Nghi ẩn trốn khỏi sự truy lùng của người Pháp từ 1884 đến 1888.
  11. Chỉ sự kiện vua Hàm Nghi bị bắt năm 1888.
  12. Bài đồng dao này còn được giải nghĩa theo các quẻ trong kinh Dịch. Vì quy mô website có hạn, chúng tôi không thể dẫn ra đây, nhưng khuyến nghị bạn đọc thêm từ các nguồn khác nếu có hứng thú tìm hiểu Dịch học. Bạn có thể bắt đầu từ đây.