Hệ thống chú thích

  1. Vạn Hoa
    Vùng biển thuộc đảo Cái Bầu (Kế Bào), nay thuộc địa phận huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Tại đây cũng có bến cảng và núi cùng tên là Vạn Hoa.

    Cảng Vạn Hoa (Port-Wallut) thập niên 1920

    Cảng Vạn Hoa (Port-Wallut) thập niên 1920

  2. Vân Khám
    Tên một làng thuộc xã Hiên Vân, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh ngày nay.
  3. Văn Khương
    Công chúa nước Tề thời Xuân Thu, phu nhân của Lỗ Hoàn công, mẹ của Lỗ Trang công, nổi tiếng xinh đẹp. Bà loạn luân với người anh khác mẹ là Tề Tương công, dẫn đến việc Tề Tương công giết chết chồng bà là Lỗ Hoàn công, gây nên loạn lạc ở nước Lỗ.
  4. Văn kì thanh bất kiến kì hình
    Chỉ mới nghe tiếng mà chưa gặp mặt (chữ Hán).
  5. Văn Lang
    Tên một làng nay thuộc xã Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Người dân Văn Lang nổi tiếng với tài nói khoác, sáng tác và kể chuyện cười.
  6. Văn mình, vợ người
    Do câu Tự kỉ văn chương, tha nhân thê thiếp, nghĩa là văn của mình (thì hay), vợ của người khác (thì đẹp).
  7. Vân mòng
    Tăm hơi, tin tức. Tham khảo thêm.
  8. Văn nhân
    Người viết văn hoặc có kiến thức về văn học; người trí thức.

    Trông chừng thấy một văn nhân,
    Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.

    (Truyện Kiều)

  9. Văn Phú
    Một làng chài ven sông Gianh, thuộc xã Quảng Văn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
  10. Vận Quy
    Cũng gọi là làng Vận, một làng nay thuộc xã Thiệu Vận, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  11. Vân Sàng
    Còn gọi là sông Vân, là một nhánh của sông Đáy, chảy từ thị xã Tam Điệp, qua huyện Hoa Lư rồi vào thành phố Ninh Bình. Tục truyền, xưa kia khi Dương Hậu, vợ vua Đinh Tiên Hoàng đặt giường trên sông này ở xã Thiện Trạo, huyện Yên Khánh để đón tiếp tướng quân Lê Hoàn đến, trên trời có sắc mây hiển hiện, nên gọi là Vân Sàng. Sông Vân chảy qua nhiều thắng cảnh, di tích lịch sử như núi Ngọc Mỹ Nhân, chợ Rồng, chùa Non Nước...

    Cùng với núi Dục Thuý, sông Vân tạo thành biểu tượng của thành phố Ninh Bình, gọi là vùng đất "núi Thúy sông Vân."

    Sông Vân núi Thúy

    Sông Vân núi Thúy

  12. Văn tế
    Hay tế văn, một bài văn đọc lúc tế một người chết để kể tính nết, công đức của người ấy và tỏ lòng kính trọng thương tiếc của mình (theo Việt Nam văn học sử yếu - Dương Quảng Hàm).

    Đọc văn tế

    Đọc văn tế

  13. Văn thân
    Người có học thức ngày xưa, chọn khoa bảng làm đường tiến thân.
  14. Văn Thánh
    Văn miếu Huế, một công trình được xây dựng vào năm 1808 dưới triều Gia Long. Miếu được xây dựng uy nghi đồ sộ, nằm bên bờ sông Hương, thuộc địa phận thôn An Bình, làng An Ninh, phía Tây Kinh thành Huế. Ngoài việc thờ Khổng Tử, Văn miếu còn thờ Tứ Phối: Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư và Mạnh Tử, cùng Thập Nhị Triết và những người có công phát triển Nho giáo.

    Cổng chính vào Văn Thánh

    Cổng chính vào Văn Thánh

  15. Vân Thê
    Một làng nay thuộc địa phận xã Thủy Thanh, huyện Hương Thuỷ, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tại đây có đình làng Vân Thê, được công nhận là di tích cấp Quốc gia từ năm 1997.
  16. Vạn thọ
    Một loài cây họ cúc, hoa thường có màu vàng hoặc cam, có rất nhiều cánh. Vì "vạn thọ" có thể dịch thoát ý là "sống thọ một vạn năm," nên hoa vạn thọ thường được nhân dân ta dùng trong các dịp Tết hoặc lễ cúng.

    Hoa vạn thọ

    Hoa vạn thọ

  17. Vạn thọ vô cương
    Thọ vạn năm chẳng cùng. Đây là lời chúc thọ.
  18. Vấn tổ tầm tông
    Hỏi những người cao tuổi có quan hệ huyết thống hay tra cứu từ những tộc phả, gia phả, lời di huấn, sách vở v.v. để tìm hiểu về gốc tích của một dòng họ.
  19. Vạn trực duy tân
    Vạn điều thẳng nhanh mới mẻ, là một nội dung cầu phúc viết thành câu liễn dán vào cửa, vách nhà.