Hệ thống chú thích

  1. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương

  2. Trân
    (Khoai) luộc chưa chín. Đồng nghĩa với sượng.
  3. Trần
    Bụi (từ Hán Việt), chỉ cõi đời nơi con người sinh sống.
  4. Trân
    Quý trọng, coi trọng (chữ Hán).
  5. Trần ai
    Chốn bụi bặm, chỉ đời sống thế tục.
  6. Trần ai
    Vất vả, khổ sở.
  7. Trần bì
    Vỏ quýt sấy khô, dùng làm thuốc.

    Trần bì

    Trần bì

  8. Trần Bình
    Tả thừa tướng nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc, nổi tiếng thông minh từ nhỏ. Theo Sử Ký, mỗi khi làng có lễ tế thần xã, Trần Bình thường lãnh việc chia thịt. Ông chia thịt rất cân, những bậc phụ lão thường khen: "Bé con họ Trần chia thịt giỏi đấy." Ông trả lời: "Chà chà! Nếu cho Bình này làm tể tướng cả thiên hạ, thì cũng làm giỏi như chia thịt vậy." Sau ông theo Lưu Bang, nhiều lần hiến kế bình định thiên hạ, lập nên nhà Hán.
  9. Trân châu
    Ngọc trai, một loại ngọc hình thành trong lòng một số loài trai ngọc.

    Chuỗi ngọc trai

    Chuỗi ngọc trai

  10. Trần Đỉnh
    Tục gọi là Tú Đỉnh (vì đỗ Tú tài), người làng Gia Cốc, nay thuộc xã Đại Minh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông nguyên là thành viên Nghĩa Hội Quảng Nam, cũng vừa là Tán Tương Quân Vụ vùng chín xã Sông Con thuộc miền nguồn tây Đại Lộc. Trước ngày Pháp tấn công vào Bộ chỉ huy ở Trung Lộc, ông nghe lời chiêu hồi của vua Đồng Khánh, đến chiến khu Trung Lộc thuyết phục Nguyễn Duy Hiệu cùng ra đầu hàng. Ông Hiệu đã ra lệnh chặt đầu Trần Đỉnh bêu ở chợ Trung Lộc để răn đe.
  11. Trận đồn Kiên Giang
    Tên trận đánh chiếm đồn Kiên Giang (còn gọi là đồn Rạch Giá) do Nguyễn Trung Trực khởi xướng, xảy ra vào ngày 16 tháng 6 năm 1868. Giặc Pháp mất 5 sĩ quan và 67 lính, đồng thời mất khoảng một trăm khẩu súng đủ loại cùng nhiều đạn dược. Tuy nghĩa quân chỉ giữa được đồn 5 ngày, nhưng sự kiện này đã được tác giả George Diirrwell đánh giá là một sự kiện bi thảm (un événement tragique) của thực dân Pháp ở nước ta.
  12. Trấn đơn mùi sồng
    Nhuộm qua một lớp nước nâu (trấn nghĩa là nhúng vào nước).
  13. Trân đồng Táo đồng Dành, Thành đồng Lau đồng Sậy
    Bà Nguyễn Thị Trân và ông Trương Văn Thành là hai vợ chồng quê ở làng Đạo Sử, huyện Lang Tài, nay thuộc xã Phá Lãng, huyện Gia Lương tỉnh Bắc Ninh, có công chiêu mộ được nhiều nghĩa quân theo cuộc khởi nghĩa của Nguyễn Hữu Cầu (thế kỷ 18). Sau hai vợ chồng được cử về làng chăm lo binh lương trên 4 cánh đồng: Táo, Dành, Lau, Sậy.
  14. Trần Đường
    Một sĩ phu nhà Nguyễn, làm đến chức Tổng trấn dưới triều Tự Đức. Ông sinh năm Kỷ Hợi (1839), quê làng Hiền Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà (nay là thôn Hiền Lương, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hoà). Khi quân Pháp đánh phá miền Bắc (1873-1882), ông liên hợp với các nhóm Cần Vương, xây dựng lực lượng đánh Pháp. Đến năm 1884, Vạn Ninh thất thủ, ông rút lui cầm cự được ít lâu thì quân Pháp bắt cả dòng họ ông làm con tin và đe doạ tàn sát dân làng để gây áp lực. Vì thương dân, ông đã tự ra nạp mình. Ngày 1/8/1885 (10/6 Ất Dậu), quân Pháp xử chém ông, bêu đầu tại Vạn Giã, ba ngày sau mới cho mang thi hài ông về an táng.
  15. Trần Hàn
    Sinh khoảng 1877, mất năm 1928, người làng Quế Phong, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông còn có tên là Trần Luyện, tên chữ là Tinh Kim, là con thứ chín của ông Trần Chánh Nghị (tục gọi là ông Quyền Liệu, hay Trần Liệu). Trần Hàn là người hát hò khoan nổi danh của xứ Quảng ngày trước.
  16. Trần hoàn
    Trần: bụi bặm, chỉ cõi đời bụi bặm; Hoàn: cõi lớn. Trần hoàn chỉ trần thế nói chung.
  17. Trần Hữu Giảng
    Một nhà yêu nước hoạt động trong nhóm văn thân ở thôn Quần Anh (nên dân gian cũng gọi là bá hộ Quần Anh), nay thuộc xã Hải Trung, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Năm 1897, ông đã bắt liên lạc với Kỳ Đồng, đồng thời cử người lên tăng cường cho lực lượng của Đề Thám.
  18. Trấn nước
    Dìm nước (cho chết) (Phương ngữ miền Trung)
  19. Trần Phương
    Tên thật Vũ Văn Dung, từng giữ chức phó Thủ tướng (1982-1986). Ông là thành viên sáng lập Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội (1996).

    Trần Phương

  20. Trấn quan
    Chức quan đứng đầu một địa phương (từ Hán Việt).