Hệ thống chú thích

  1. Tràng Tiền
    Tên một khu phố của Thăng Long-Hà Nội, nằm theo hướng Đông - Tây, kéo dài từ đầu hồ Gươm, chỗ phố Hàng Khay, cho tới nhà hát Lớn. Có ý kiến cho rằng phố có tên gọi như vậy là vì vào khoảng năm 1808, tại đây là nơi đúc tiền được nhà Nguyễn lập ra, tên gọi Nôm là Tràng Tiền (xem Quan xưởng Tràng Tiền). Dưới thời Pháp thuộc, phố có tên gọi là Rue (phố) Paul Bert, đặt theo tên một nhà khoa học của Pháp. Từ xưa đến nay, đây luôn là một trong những khu phố nhộn nhịp nhất Hà Thành.

    Phố Tràng Tiền thời Pháp thuộc

    Phố Tràng Tiền thời Pháp thuộc

  2. Trăng treo
    Có ý kiến cho rằng trăng treo bắt nguồn từ "trăng chiêu," nghĩa là trăng sáng.
  3. Trành
    Lưỡi gươm hoặc lưỡi dao cùn và không còn phần cán.
  4. Trạnh cày
    Cũng gọi là diệp cày, bộ phận thường bằng sắt hoặc gang, lắp tiếp trên lưỡi cày, có tác dụng nâng, tách và lật đất cày.
  5. Tranh mây
    Tấm lợp nhà làm bằng dây mây. Dây mây là một loại cây giống tre, thân nhỏ, đặc ruột, rất dẻo, nhân dân ta thường dùng để đan lát hoặc làm đồ mĩ nghệ.

    Dây mây

    Dây mây

    Rổ đan bằng mây

    Rổ đan bằng mây

  6. Trào
    Triều (từ cũ).
  7. Tráo
    Đổi vật nọ vào vật kìa để lừa dối người ta.
  8. Trạo
    Rang thóc tươi trong chảo lớn cho khô (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  9. Tráo
    Đi ngược trở lại.
  10. Trào đàng
    Triều đình (cách nói cũ của Trung và Nam Bộ).

    Trạng nguyên tâu trước trào đàng,
    Thái sư trữ dưỡng tôi gian trong nhà.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  11. Trảo Nha
    Một làng cổ nay thuộc thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Vùng đất này nổi tiếng từ xưa về truyền thống học vấn, có nhiều người đậu đạt cao, trong đó nổi tiếng nhất là họ Ngô trải mười tám đời quận công.
  12. Trao trảo
    Một loài chim thuộc họ chào mào, còn có tên hoành hoạch (hay quành quạch). Đây là loài chim biết hót, nhưng tiếng hót không hay (chỉ hai tiếng "hoành hoạch") nên thường không được nuôi làm cảnh. Chim rất thích ăn hoa quả, thường bị xem là "kẻ thù" của nhà vườn.

    Trao trảo

    Trao trảo

  13. Tráo trưng
    (Mắt) giương to và nhìn chăm chăm. Nghĩa bóng chỉ việc lao động cực nhọc, hoặc cũng có thể chỉ sự hỗn láo, vô lễ.
  14. Trào trung
    Giữa triều đình.
  15. Trập
    Cụp xuống.
  16. Tráp
    Đồ dùng hình hộp nhỏ bằng gỗ, thời trước dùng để đựng các vật nhỏ hay giấy tờ, trầu cau. Ở miền Trung, từ này cũng được phát âm thành trắp.

    Cái tráp

    Cái tráp

  17. Trấp
    Đồ dùng hình hộp nhỏ bằng gỗ, thời trước thường dùng để đựng giấy tờ, các vật quý, trầu cau.
  18. Trát
    Giấy truyền lệnh của quan lại ngày xưa. Từ chữ Hán 札 nghĩa là cái thẻ, vì ngày xưa không có giấy nên mọi mệnh lệnh muốn truyền đạt phải viết vào miếng gỗ nhỏ.
  19. Trất
    Quách (phương ngữ Trung Bộ).
  20. Trật chìa
    Sai đề tài, không đúng với vấn đề đặt ra (phương ngữ Nam Bộ).