Hệ thống chú thích
-
- Quẩy
- Hoặc quảy: động tác mang vật gì bằng cách dòng qua vai và áp sát lưng, thường thấy là cách dùng một đầu quang gánh.
-
- Quay tơ, đánh ống
- Các công đoạn trong quá trình sản xuất lụa tơ tằm.
-
- Quế
- Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.
-
- Quẻ
- Dấu hiệu trong bói toán, cầu khấn, từ đó có thể đoán ra điều lành dữ, may rủi, theo thuật bói toán.
-
- Quế hòe
- Đời Ngũ đại (Trung Quốc) ở hạt Yên Sơn có người tên là Đậu Vũ Quân sinh được năm người con đều đỗ đạt, người đời gọi là Yên Sơn ngũ quế (năm cây quế ở Yên Sơn). Đến đời Tống lại có Vương Hựu trồng trước sân ba cây hòe, nguyện rằng "Con ta sau sẽ làm quan tam công," về sau quả nhiên con là Vương Đán làm đến tể tướng. "Quế hòe" (hoặc sân quế sân hòe) vì thế chỉ việc con cái phát đạt.
-
- Quế Sơn
- Tên một huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam. Có ý kiến cho rằng gọi tên như vậy vì khu vực này có một ngọn núi này mọc rất nhiều cây quế.
Nghe bài hát Quế Sơn đất mẹ ân tình của nhạc sĩ Đình Thậm.
-
- Quế Sơn
- Địa danh thuộc huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam trước đây. Quế Sơn có nghề truyền thống là làm đồ gốm.
-
- Quên lửng
- Quên bẵng, quên khuấy đi (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Quen mui
- Đã làm, đã hưởng một đôi lần, thấy dễ dàng và có lợi nên lại muốn làm nữa, hưởng nữa. Mui do đọc trạnh từ mùi.
-
- Quen sợ dạ, lạ sợ áo quần
- Quen biết nhau thì đánh giá nhau qua lòng dạ, lối ăn ở. Không biết nhau thì đánh giá nhau qua vẻ ngoài.
-
- Quèo
- Khều, móc (phương ngữ Trung Bộ).
-
- Queo
- Cong, bị biến dạng.
-
- Quớ
- Bớ (phương ngữ Phú Yên).
-
- Quốc cấm
- Bị pháp luật cấm.
-
- Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách
- Nước nhà hưng thịnh hay suy vong, dân thường đều phải có trách nhiệm (tục ngữ Hán Việt).
-
- Quốc kì
- Cờ quốc gia, cờ nước (từ Hán Việt)
-
- Quốc ngữ
- Trước gọi là chữ tân trào, hệ thống chữ viết chính thức hiện nay của tiếng Việt. Hệ thống này được xây dựng dựa trên chữ cái Latin thêm các chữ ghép và 9 dấu phụ. Chữ Quốc ngữ được phổ biến sâu rộng vào khoảng thế kỷ 19 và 20 nhưng đã xuất hiện phôi thai từ lâu vào khoảng thế kỷ 16 khi các giáo sĩ Tây phương đầu tiên đến Việt Nam và giao tiếp với người Việt rồi vì nhu cầu học hỏi ngôn ngữ Việt (lúc đó còn dùng chữ Hán và chữ Nôm) để giao tiếp với người bản xứ mà bắt đầu ghi lại bằng cách phiên âm tiếng Việt dưới dạng chữ Latin.
-
- Quốc sắc
- Sắc đẹp nhất nước (từ Hán Việt).
Người quốc sắc, kẻ thiên tài
Tình trong như đã, mặt ngoài còn e
(Truyện Kiều)