Hệ thống chú thích

  1. Phân xanh
    Tên gọi chung các loại cây, lá được ủ hay vùi thẳng xuống đất để bón.
  2. Phàn xì
    Âm Quảng Đông của hai tiếng phiên thự 番薯, nghĩa là khoai lang.
  3. Phảng
    Một nông cụ dùng để phát cỏ của người Nam Bộ. Theo Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, nó là công cụ cải tiến từ dụng cụ phát cỏ của người Khơ-me và nông cụ rựa phát bờ của nông dân Trung Bộ. Phảng làm bằng sắt, lưỡi dài ngắn khác nhau tùy loại, không sắc lắm. Có nhiều loại phản: phảng giò nai, phảng nắp, phảng gai, phảng cổ cò, phảng cổ lùn...

    Các loại phảng

    Các loại phảng

  4. Phang
    Cách phát âm của người Nam Bộ ngày trước khi nói chữ phương (phương hướng).
  5. Phạng

    Dao lưỡi to và dài, dùng để phát cỏ, chặt cây bụi, thường dùng ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ, tương tự như cái phảng dùng ở miền Trung và Nam.

    Các loại phảng và phạng

  6. Phanh
    Khoanh (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Pháo
    Một loại đồ chơi dân gian, gồm thuốc nổ (thuốc pháo) bỏ trong vỏ giấy dày hay tre quấn chặt để khi đốt nổ thành tiếng to trong các lễ hội như ngày Tết, đám cưới... Người xưa tin rằng tiếng nổ của pháo có thể xua ma quỷ. Ở một số vùng quê ngày trước cũng tổ chức hội pháo, như hội pháo Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây), hội pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Trước đây, ngày Tết gắn liền với:

    Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
    Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

    Năm 1994, chính phủ Việt Nam ra chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo để ngăn ngừa các tai nạn xảy ra do pháo, tuy nhiên nhắc đến Tết người dân vẫn nhớ đến tràng pháo. Những năm gần đây trên thị trường còn xuất hiện loại pháo điện tử, phát ra tiếng kêu như pháo nổ.

    Pháo

    Pháo

  8. Phao
    Quăng, ném (từ cũ).
  9. Pháo binh
    Tên một lực lượng trong quân đội, sử dụng các loại vũ khí có độ sát thương cao như đại bác, súng cối, tên lửa...

    Một người lính pháo binh ngày xưa (chữ trên áo là "pháo" 炮)

    Một người lính pháo binh ngày trước (chữ trên áo là "pháo" 炮)

  10. Pháo đầu, Mã đội, Tốt lên hà
    Một cách mở trận trong cờ tướng.
  11. Pháo đầu, xuất Tướng, Xe đâm thọc
    Một cách mở trận cờ tướng.
  12. Pháp Lan Tây
    Phiên âm Hán Việt của 法蘭西 (faranxi), cách người Trung Hoa phiên âm chữ "France" - quốc hiệu nước Pháp. Tên gọi "Pháp" chính là xuất phát từ cách đọc này.
  13. Pháp Vân
    Tên một làng cổ thuộc huyện Thanh Trì, nay thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội. Xưa kia làng có nghề làm và bán bún ốc.
  14. Phất
    Dán giấy hay lụa phủ lên khung, thường làm bằng tre hoặc gỗ, để tạo thành đồ vật như quạt, đèn lồng, diều.

    Phất quạt lụa (làng Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội)

    Phất quạt lụa (làng Chàng Sơn, Thạch Thất, Hà Nội)

  15. Phát chẩn
    Phân phát tiền, gạo,... để cứu giúp người nghèo đói, gặp khó khăn hoạn nạn.
  16. Phát tài
    (Làm ăn, buôn bán) thuận lợi, gặp nhiều may mắn, kiếm được nhiều tiền.
  17. Phật thủ
    Một loại cây có quả thường được dùng để chưng trong dĩa trái cây cúng, đôi khi dùng thay cho chanh hoặc bưởi trong chế biến món ăn, làm mứt, trồng làm chậu kiểng, và làm thuốc Đông y. Phật thủ có nghĩa là bàn tay Phật. Quả phật thủ được cho là mang lại may mắn và tuổi thọ.

    Trái phật thủ

    Trái phật thủ

  18. Phạt vạ
    Hình phạt ở làng, xã nước ta thời phong kiến, thường là bằng tiền.
  19. Phế đế
    Dùng vũ lực bắt vua phải từ bỏ ngai vàng. Vua bị bắt từ bỏ ngai vàng cũng gọi là phế đế.
  20. Phên
    Đồ đan bằng tre, nứa, cứng và dày, dùng để che chắn. Một số vùng ở Bắc Trung Bộ gọi là phên thưng, bức thưng.

    Tấm phên

    Tấm phên