Hệ thống chú thích

  1. Nồi nát chẳng khỏi tay thợ hàn
    Nhu cầu thế nào thì đều có sự đáp ứng thế ấy.
  2. Nội nhà
    Khắp trong nhà, tất cả mọi người trong nhà.
  3. Nói như rựa chém xuống đất
    Lời nói chắc chắn, quả quyết.
  4. Nói nửa chừng
    Nói nửa vời, nói nước đôi.
  5. Nói pháo
    Nói khoác.
  6. Nội phủ
    Tên chung cho một số hiệu đồ sứ quý do vua chúa thời nhà Lê đặt làm từ Trung Quốc dưới thời Lê Trung Hưng (1533-1788). Hoa văn trên những đồ sứ này chủ yếu là các đồ án rồng, lân, phượng – những linh vật chỉ dùng cho hoàng cung. Ở phần đế, loại đồ sứ này ghi các loại hiệu đề đặc biệt bằng chữ Hán như: 內 府 侍 東 Nội phủ thị Đông, 內 府 侍 西 Nội phủ thị Đoài, 內 府 侍 中 Nội phủ thị Trung, 內 府 侍 北 Nội phủ thị Bắc, 內 府 侍 南 Nội phủ thị Nam, 內 府 侍 右 Nội phủ thị Hữu, 慶 春 Khánh Xuân, 慶 春 侍 左 Khánh Xuân thị Tả. Đến thời nhà Nguyễn trở về sau, đồ sứ Nội phủ thường là đồ nhái, đồ giả, do các nhà buôn đặt làm.

    Mặt lòng và mặt đế của một chiếc dĩa Nội phủ thị trung

    Mặt lòng và mặt đế của một chiếc dĩa Nội phủ thị trung

  7. Nói Quảng, nói Tiều
    Nói như người Quảng Đông và người Triều Châu ngày xưa, tức là nói thứ tiếng Việt rất khó nghe. Nghĩa rộng chỉ những người nói không đầu không đũa, khó nghe, khó hiểu.
  8. Nói rân
    Nói nhiều, nói liên hồi.
  9. Nồi Rang
    Tên một cái chợ cổ, nay thuộc thôn 3, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

    Chợ Nồi Rang

    Chợ Nồi Rang

  10. Nội Rối
    Một làng thuộc xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Tại đây có truyền thống múa rối nước và hệ thống đền chùa đã có từ lâu đời. Tên Nội Rối được ghép từ tên đầu tiên của làng là Phú Nội và trò múa rối nước. Đọc thêm Tìm hiểu trò Rối nước làng Nội Rối xưa kia.
  11. Nói thả nói ví
    Nói xa nói gần, nói cạnh khóe.
  12. Nói thuội
    (Trẻ con) Bắt chước, lặp lại lời của người lớn (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  13. Nói vuốt đuôi lươn
    Nói gạt nhau; không giữ lời nói. (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của)
  14. Nơm
    Dụng cụ bắt cá, được đan bằng tre, hình chóp có miệng rộng để úp cá vào trong, chóp có lỗ để thò tay vào bắt cá.

    Úp nơm

    Úp nơm

  15. Nồm
    Thời tiết ấm và ẩm ướt (giao giữa cuối đông và đầu xuân, thường ở miền Bắc).
  16. Nõn
    Mịn, mượt, láng lẩy.
  17. Nón bài thơ
    Loại nón nổi tiếng của xứ Huế, giữa hai lớp lá nón có lồng ép thơ, ca dao hoặc/ và hình hoa văn trang trí, chỉ thấy được khi soi ngược sáng.

    Nón bài thơ

    Nón bài thơ

  18. Non Bồng
    "Non Bồng nước Nhược," ý nói cõi tiên, cảnh tiên. "Non Bồng" dịch từ "Bồng sơn," ngọn núi trên đảo Bồng Lai. Tương truyền, Bát Tiên (tám vị tiên trong thần thoại Trung Quốc, gồm: Hán Chung Li, Lã Động Tân, Tào Quốc Cữu, Trương Quả Lão, Lam Thái Hòa, Lý Thiết Quài, Hàn Tương Tử, Hà Tiên Cô) ở trong tám động trên đảo Bồng Lai. "Nước Nhược" dịch từ "nhược thủy," nghĩa là nước yếu. Tương truyền, quanh đảo Bồng Lai là biển Nhược Thủy, nước ở đây yếu đến nỗi không đỡ nổi một hạt cải, nghĩa là bỏ hạt cải trên biển Nhược Thủy thì hạt cải chìm xuống.

    Bát tiên

    Bát tiên

  19. Nón chiên
    Nón có ngù bông lông chiên (lông cừu), là một phần trang phục của lính ngày xưa.
  20. Nón cời
    Nón lá rách, cũ.

    Đội nón cời

    Đội nón cời