Hệ thống chú thích

  1. Nhơn Ái
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ.
  2. Nhơn cùng tắc biến
    Người gặp lúc lúc nguy khốn, tất sẽ nghĩ ra cách để ứng phó (thành ngữ Hán Việt).
  3. Nhơn đạo
    Nhân đạo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Nhọn mồm
    Ác mồm ác miệng.
  5. Nhơn ngãi
    Nhân nghĩa (phương ngữ Nam Bộ).
  6. Nhơn Ngãi
    Tên một trong bốn tổng của phủ An Nhơn, Bình Định ngày trước.
  7. Nhơn phi nghĩa bất giao
    Người không có đạo đức thì không kết giao (thành ngữ Hán Việt).
  8. Nhộng
    Hình thái của một số loài sâu bọ trước khi thành bướm. Nhộng của con tằm là món ăn dân dã quen thuộc và bổ dưỡng.

    Nhộng tằm xào lá chanh

    Nhộng tằm xào lá chanh

  9. Nhông
    Chồng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  10. Nhót
    Một loại cây rất quen thuộc ở các vùng quê miền Bắc, thường được trồng lấy quả. Quả nhót hình trứng, khi chín có màu đỏ, có vị chua hoặc ngọt, dùng để nấu canh. Rễ, thân, lá còn được dùng làm thuốc.

    Quả nhót

    Quả nhót

  11. Nhũ
    Vú (từ Hán Việt).
  12. Nhu
    Mềm mại, hiền lành (từ Hán Việt).
  13. Như
    Nếu như, ví như (cách nói của Nam Bộ).
  14. Như Quỳnh
    Tên Nôm là làng Ghênh, xưa thuộc Gia Lâm, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc, nay là địa phận thị trấn Như Quỳnh, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên. Đây là quê của thái phi Trương Thị Ngọc Chử, mẹ của chúa Trịnh Cương, bà nội của chúa Trịnh Giang và Trịnh Doanh.
  15. Nhu sĩ
    Tức nho sĩ, người theo Nho giáo.
  16. Như tuồng
    Như có vẻ.
  17. Nhủi
    Còn gọi là giủi, đồ đan bằng tre để xúc tôm tép hay bắt cá. Dùng nhủi đi bắt tôm cá gọi là "đi nhủi."
  18. Nhum
    Cũng gọi là cầu gai, một loại động vật thân mềm, có gai vỏ dài, sống ở những gành đá ven bờ biển nước ấm, lẫn trong rong rêu. Thịt nhum có thể ăn tươi, kho ăn với cơm, trộn trứng chưng cách thủy, nhưng ngon nhất là làm mắm. Mắm nhum sền sệt, mầu đỏ đục, thơm lựng, từng là đặc sản tiến vua xưa của người dân Quảng Ngãi.

    Con nhum

    Con nhum