Hệ thống chú thích

  1. Ngư phủ
    Người đánh cá (từ Hán Việt).
  2. Ngũ phụng tề phi
    Năm con chim phượng cùng bay, một danh xưng dùng để chỉ 5 người đồng hương cùng đỗ đại khoa trong cùng một khoa thi. Ở nước ta, danh hiệu này thường dùng để chỉ 5 thí sinh tỉnh Quảng Nam cùng đỗ khoa thi Mậu Tuất (1898) đời Thành Thái: Tiến sĩ Phạm Liệu (1872-1936, quê xã Điện Trang, huyện Điện Bàn), tiến sĩ Phan Quang (1875-1939, quê xã Quế Châu, huyện Quế Sơn), tiến sĩ Phạm Tuấn (1852-?, quê xã Điện Quang, huyện Điện Bàn), phó bảng Ngô Chuẩn, tức Ngô Lý (1873-?, quê xã Điện Nam, huyện Điện Bàn), phó bảng Dương Hiền Tiến (1866-?, quê xã Điện Phong, huyện Điện Bàn).
  3. Ngũ sắc, bá huê
    Năm màu, trăm hoa.
  4. Ngự sử
    Tên chung của một số chức quan có nhiệm vụ giám sát từ cấp cao nhất (vua) đến các cấp quan lại.
  5. Ngư thủy nhất đường
    Cá nước một nhà (chữ Hán).
  6. Ngũ tỉnh
    Năm tỉnh giáp với Hà Nội: Thái Nguyên ở phía bắc, Bắc Ninh và Hưng Yên ở phía đông và đông nam, Hà Tây và Vĩnh Phúc ở phía nam và phía tây. Khái niệm này được dùng trong một số giai đoạn lịch sử của nước ta.
  7. Ngũ vị hương
    Một loại gia vị hay dùng trong ẩm thực của Trung Hoa (nhất là Quảng Đông) và Việt Nam, gồm có năm vị: mặn, ngọt, chua, cay, đắng. Ngũ vị hương đóng gói sẵn ở nước ta thường có: đại hồi, đinh hương, nhục quế, ngọc khấu, hồ tiêu, trần bì, hạt ngò, thảo quả, và hạt điều để tạo màu đỏ.

    Các nguyên liệu ngũ vị hương

    Các nguyên liệu ngũ vị hương

    Bột ngũ vị hương

    Bột ngũ vị hương

  8. Ngũ Xã
    Một làng nghề nằm cạnh hồ Trúc Bạch, phía tây Thăng Long, nay là phố Ngũ Xã thuộc địa phận quận Ba Đình, Hà Nội. Làng nổi tiếng với nghề truyền thống là đúc đồng. Những pho tượng và đồ thờ bằng đồng của Ngũ Xã đã có mặt ở nhiều đình, chùa lớn trên khắp nước ta.

    Làng Ngũ Xã trước kia

    Làng Ngũ Xã trước kia

  9. Ngựa bạch
    Ngựa trắng.
  10. Ngựa Lồng
    Một con thác trên sông Cái thuộc tỉnh Khánh Hoà, còn gọi là thác Ngựa hoặc thác Ngựa Oằn.

    Theo Xứ sở trầm hương của Quách Tấn: "Thác dài đến trên dưới ba trăm thước. Không dốc nhưng có nhiều đá mọc ngầm dưới nước. Có ba tảng cao nhất, chỏm lên gần sát mặt nước. Nằm theo hàng dọc. Nước chảy xuống bị sức cản, bắn bọt tung tóe. Trông dạng nước chảy qua ba tảng đá ấy, lên cao rồi xuống thấp, giống như kiểu ngựa. Cho nên ba tảng đá mang tên là Kiều Nhất (tảng ở trên hết), Kiều Nhì (tảng ở giữa), Kiều Ba (tảng cuối). Sức nước qua thác Ngựa rất mạnh. Dòng nước chảy cuồn cuộn trông hung hãn như ngựa lồng. Do đó mà mệnh danh là thác Ngựa Lồng."

  11. Ngứa nghề
    (Thô tục) hứng tình.
  12. Ngùi ngùi
    Bùi ngùi.
  13. Ngún hừng
    Ngún (thường nói về lửa) là cháy ngầm; hừng là cháy phừng lên, dấy lên. Ngún hứng là chập chờn không đều lửa.
  14. Nguộc
    Ngọc (phương ngữ một số vùng Trung Bộ).
  15. Người ba đấng, của ba loài
    Người có người tốt người xấu, của có của tốt của xấu.
  16. Người chôn tiểu, cặc chôn hòm
    Người nhỏ mà dương vật to. Nghĩa bóng chỉ người dâm ô, ham mê sắc dục.
  17. Người dùng roi, voi dùng búa
    Dạy người thì phải dùng roi, dạy voi thì phải dùng búa (cây đòng). Tùy đối tượng mà có cách dạy bảo, giáo dục khác nhau.
  18. Người gầy, thầy cơm
    Những người gầy ăn cơm thường thấy ngon miệng nên ăn nhiều.