Hệ thống chú thích

  1. Mùi huyền
    Màu đen (mùi là từ cổ của màu, ví dụ phơi mùi nghĩa là phai màu, theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  2. Mũi Kê Gà
    Còn gọi là mũi Khe Gà, Mũi Điện hoặc Mũi Đèn (do có ngọn hải đăng), một mũi đất nhô ra biển Đông, nay nằm ở xã Thuận Quý, thuộc huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận. Thật ra đây là một hòn đảo nhỏ cách đất liền khoảng 500 mét, tục gọi là Hòn Bà. Khi thủy triều lên thì Kê Gà bị cách biệt như một hải đảo nhưng khi nước rút xuống thì một dải cát hiện ra nối mũi với đất liền.

    Vào thời Pháp thuộc năm 1897 chính quyền Bảo hộ cho dựng một ngọn hải đăng cao bằng đá với bình diện tháp hình bát giác ở Kê Gà. Đèn soi đặt ở mực 65 mét, giúp tàu bè đi ngang cửa biển này. Ngọn hải đăng bắt đầu hoạt động năm 1900 và đến nay vẫn chiếu sáng.

    Ngọn hải đăng trên mũi Kê Gà

    Ngọn hải đăng trên mũi Kê Gà

  3. Mũi Kỳ Vân
    Còn gọi là Thuỳ Vân, một mũi đất nhô ra biển thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Mũi đất này có độ cao chừng 327m, là đích nhắm của lái buôn ghe thuyền ngày xưa khi đi qua khu vực này.

    Bình minh ở mũi Kỳ Vân

    Bình minh ở mũi Kỳ Vân

  4. Mũi Mác
    Tức mũi Yến, một mũi đá nhọn hoắc đâm thẳng vào Nam, là là điểm cuối của dãy Triều Châu thuộc tỉnh Bình Định.

    Mũi Yến trên bán đảo Phương Mai

    Mũi Yến trên bán đảo Phương Mai

  5. Mũi Móm
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mũi Móm, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  6. Mũi Nai
    Một địa danh nay thuộc phường Pháo Đài, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Mũi Nai có tên Hán Việt là Lộc Trĩ. Theo nghiên cứu của Trương Minh Đạt: Thuở xa xưa, góc biển này được gọi là Mũi Nạy, vì nơi đó có núi Pù Nạy ( là núi, Nạy là lớn) mà người Khmer nói trại là P’Nay hay Bà Nay. Đến khi người Việt đến đọc âm này thành Nai. Đến thời người Hoa đến, họ dịch chữ Nai ra chữ Hán là Lộc... (Nghiên cứu Hà Tiên, NXB Trẻ và Tạp chí Xưa & Nay hợp tác ấn hành, 2008, tr. 28). Gia Định thành thông chí chép:

    Lộc Trĩ cách trấn về phía tây 43 dặm. Cây cối lửng lơ lưng núi, ngọn núi nhọn đứng chọc trời cao, vượt qua đất bằng mà gối đầu bờ biển. Suối ngọt, đất tốt, nhà cửa nhân dân ở vây quanh dưới bóng núi. Trong 10 cảnh đẹp của Hà Tiên thì Lộc Trĩ thôn cư (xóm quê Mũi Nai) là một cảnh vậy.

    Bãi biển Mũi Nai

    Bãi biển Mũi Nai

  7. Mũi Né
    Một địa danh nay thuộc thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Tên gọi Mũi Né xuất phát từ việc ngư dân đánh cá, mỗi khi đi biển gặp bão, thường đến đây tránh bão. Từ một dải bờ biển hoang vu với các đồi cát đỏ như sa mạc nằm rất xa đường giao thông, chỉ có lác đác vài xóm chài nghèo, ngày nay Mũi Né là trung tâm du lịch nổi tiếng của Bình Thuận, được đưa vào danh sách các khu du lịch cấp quốc gia.

    Đồi cát Mũi Né

    Đồi cát Mũi Né

  8. Mũi Nhỏ
    Một mũi đất do nhánh núi đâm ra biển ở tỉnh Bình Thuận.
  9. Mũi vạy lái phải chịu đòn
    Mũi vạy tức là mũi thuyền cong, lệch, không đi đúng hướng cần thiết, có thể do nước xoáy hoặc do nước chảy xiết. Trong tình thế khó khăn đó, người cầm lái phải vững vàng thì mới điều khiển con thuyền đi đúng hướng mà vượt qua chỗ nguy hiểm. Chính vì thế mà anh ta phải chịu đòn, nghĩa là phải ra sức "ghì cây đòn lái" cho thật chắc theo hướng đã định để cho con thuyền khỏi bị cuốn theo con nước xoáy hay dòng nước xiết.
  10. Mui, lái, mũi
    Các bộ phận của một con thuyền.
  11. Mụn
    Mảnh vụn nhỏ (mụn vải).
  12. Mun
    Loài cây thân gỗ, ưa sáng, mọc chậm, sống lâu. Lõi gỗ mun khi khô có màu đen bóng, cứng và bền nên khó gia công, thường dùng làm đồ gỗ quý, thủ công mĩ nghệ cao cấp. Quả và lá dùng để nhuộm đen lụa quý. Hiện mun đang trên đà tuyệt chủng do tình trạng khai thác bừa bãi.

    Gỗ mun

    Gỗ mun

    Tượng Bồ đề đạt ma điêu khắc từ gỗ mun sừng

    Tượng Bồ đề đạt ma điêu khắc từ gỗ mun sừng

  13. Mun
    Tro (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  14. Mủng
    Cái thúng (phương ngữ Trung Bộ).
  15. Mược
    Mặc kệ (phương ngữ miền Trung).
  16. Mười ân
    Mười ân đức của cha mẹ theo quan niệm của nhà Phật, bao gồm: hoài thai, sinh nở, vui mừng khi thấy mặt con, nuôi dưỡng, vì con mà chịu dơ bẩn, bú mớm nuôi nấng, tắm rửa săn sóc, lo lắng nhớ thương con, dạy dỗ, và thương con không tính toán.
  17. Muối dưa
    Trộn một hoặc nhiều loại rau, củ, quả với muối và một số gia vị rồi để lên men cho chua, dùng làm thức ăn.

    Dưa cải muối

    Dưa cải muối

  18. Mười hai bến nước
    Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng “Con gái mười hai bến nước” là: “Thân con gái như chiếc đò, hoặc gặp bến trong, hoặc mắc bến đục, hoặc đưa người tốt, hoặc đưa người xấu, may thì nhờ, rủi thì chịu. Nói mười hai bến là nói cho vần.”

    Mười hai bến nước, một con thuyền
    Tình tự xa xôi, đố vẽ nên!

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  19. Muỗm
    Miền Nam gọi là quéo, xoài hôi, hoặc xoài cà lăm, một loại cây giống cây xoài, thân lớn, thường được trồng trong các sân đình, chùa. Quả muỗm giống vỏ xoài nhưng nhỏ hơn và chua chứ không ngọt như xoài, nên thường để nấu canh hoặc chấm muối ớt.

    Cành và quả muỗm

    Cành và quả muỗm