Hệ thống chú thích

  1. Lưỡng long chầu nguyệt
    Hai con rồng chầu mặt trăng (cũng gọi là "rồng chầu mặt nguyệt"). Đây là chi tiết phù điêu thường gặp trên các mái đình đền, chùa chiền ở nước ta, mang ý nghĩa tâm linh thuần phục thánh thần.

    Lưỡng long chầu nguyệt

    Lưỡng long chầu nguyệt

  2. Lưỡng mục
    Cặp mắt (chữ Hán).
  3. Lưỡng mục vô châu
    Hai mắt không tròng (thành ngữ Hán Việt).
  4. Lương nhân
    Danh xưng phụ nữ gọi chồng (Hán Việt).
  5. Lương nông
    Nhà nông thành thạo, nhà nông giỏi (từ Hán Việt).
  6. Lương Phú
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
  7. Lương tâm
    Phần tốt đẹp trong nội tâm, giúp mỗi người tự đánh giá và điều chỉnh hành vi của chính mình về mặt đạo đức.
  8. Luống thì
    Quá tuổi.
  9. Lương Văn Chánh
    Tên một võ quan của chúa Nguyễn thời Lê trung hưng, có công lớn với sự nghiệp chiêu tập lưu dân khai khẩn, mở mang và phát triển vùng đất Phú Yên. Nhân dân tôn ông làm Thành hoàng và hằng năm tổ chức cúng tế, chăm lo giữ gìn, tôn tạo khu mộ và đền thờ ông.

    Một góc khu mộ Lương Văn Chánh tại huyện Phú Hòa

    Một góc khu mộ Lương Văn Chánh tại huyện Phú Hòa

  10. Lượt
    Một loại vải dệt thưa từ tơ tằm, mượt, rất mịn và mềm, thường nhuộm đen để may khăn hay may áo.
  11. Lụt
    (Dao, rựa) cùn. Còn có nghĩa rộng là là kém cỏi, bất tài.
  12. Lụt hăm ba tháng mười
    Một cơn lụt (nước lớn) thường xảy ra vào khoảng thời gian này ở hầu hết các tỉnh vùng duyên hải miền Trung. Đây thường là trận lụt cuối cùng trong năm.

    Lụt lội

    Lụt lội

  13. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  14. Lưu Bang
    Hiệu là Hán Cao Tổ, hoàng đế đầu triều Hán của Trung Quốc. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, Lưu Bang có mũi cao, râu dài giống rồng và có 72 nốt ruồi trên chân trái, thích rượu và gái, tính tình phóng khoáng bao dung. Ông khởi binh chống Tần, tranh thiên hạ với Hạng Vũ (đời sau gọi là Hán-Sở phân tranh hoặc Hán-Sở tranh hùng), sau cùng diệt được Sở, lên ngôi đế vào năm 202 trước Công Nguyên. Nhà Hán do ông lập ra kéo dài hơn bốn thế kỉ, được xem là triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Cho đến ngày nay, nhóm dân tộc chiếm phần lớn dân số Trung Quốc cũng tự cho mình là "người Hán," và chữ viết Trung Quốc cũng được xem là "Hán tự."

    Hán Cao Tổ Lưu Bang

    Hán Cao Tổ Lưu Bang

  15. Lưu Bị
    Vua nhà Thục thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông tự là Huyền Đức, con cháu đời sau của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng, dòng dõi nhà Hán. Theo giai thoại dân gian và trong tiểu thuyết chương hồi Tam Quốc Diễn Nghĩa, ông là người nhân hậu, trọng tình nghĩa, nhất là trong tình cảm anh em kết nghĩa với Quan VũTrương Phi.

    Lưu Bị qua nét vẽ của Diêm Lập Bản, họa sĩ thời nhà Đường

    Lưu Bị qua nét vẽ của Diêm Lập Bản, họa sĩ thời nhà Đường

  16. Lưu Bị viếng Khổng Minh
    Một tích trong Tam Quốc Diễn Nghĩa. Gia Cát Lượng thuở còn hàn vi ở ẩn trong một cái lều cỏ ở Long Trung. Lưu Bị cùng với hai em kết nghĩa là Quan VũTrương Phi đến lều cỏ để thỉnh cầu ông ra giúp việc nước, nhưng hai lần ông không chịu tiếp mà chỉ ăn ngủ trong lều như thường. Mãi đến lần thứ ba ba người mới gặp được Gia Cát Lượng. Tích này có tên là Tam cố thảo lư (ba lần đến lều cỏ).

    Một minh họa về Tam cố thảo lư

    Một minh họa về Tam cố thảo lư

  17. Lưu Bình - Dương Lễ
    Tên một truyện thơ Nôm khuyết danh theo thể lục bát, kể về hai người bạn rất thân. Dương Lễ nhà nghèo nên cố công học hành, trong khi Lưu Bình nhà giàu lại lười biếng ham chơi. Sau Dương Lễ đỗ đạt, ra làm quan, còn Lưu Bình thì nhà cửa khánh kiệt. Khi tìm đến nhà Dương Lễ để nhờ giúp đỡ, Lưu Bình bị bạn bạc đãi, lánh mặt không tiếp, chỉ sai người ở dọn cơm hẩm dưa cà cho ăn. Chàng tủi nhục bỏ về, giữa đường gặp một người con gái tên là Châu Long. Nàng khuyên giải và lo liệu cho chàng ăn học. Sau này Lưu Bình đỗ Trạng nguyên, quay về thì không thấy Châu Long đâu. Khi đến phủ của Dương Lễ để mỉa mai trách móc bạn bạc nghĩa, Lưu Bình mới phát hiện ra Châu Long chính là vợ thứ ba của Dương Lễ, và tất cả là mưu kế của bạn để khích cho mình quyết chí tu tỉnh.

    Truyện thơ Lưu Bình - Dương Lễ đã được dựng thành các vở chèo, tuồng và truyện thơ theo thể lục bát qua nhiều thời kỳ, và trở thành biểu tượng về tình bạn khắng khít, tình vợ chồng chung thủy.

  18. Lưu Cơ
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Lưu Cơ, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  19. Lưu đồn
    Đồn trại ở miền ngược, phải để lính lại phòng giữ. Có ý kiến cho rằng Lưu Đồn là địa danh. Đạo Lưu Đồn là một đơn vị hành chính quân sự thời các chúa Nguyễn, nay là thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Vào thời kì Trịnh - Nguyễn phân tranh, Lưu Đồn là nơi giáp giới giữa Trịnh và Nguyễn, thường xuyên xảy ra giao chiến. Có ý kiến khác cho rằng Lưu Đồn là thôn Lưu Đồn, thuộc xã Thụy Hồng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, nhưng ý kiến này không có cơ sở.