Hệ thống chú thích

  1. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  2. Kiếng
    Kính (phương ngữ Nam Bộ).
  3. Kiềng đèn
    Vòng sắt có ba chân dùng làm chân đèn dầu ngày xưa.
  4. Kiếp
    Cuộc đời của một con người hay của một sinh vật, từ lúc sinh ra đến lúc chết đi.
  5. Kiếp chết, kiếp hết
    Chết rồi mới coi như hết một kiếp, ý nói muốn nhận xét đánh giá ai phải đến mãn đời họ mới biết được. Thành ngữ Hán Việt có câu tương tự: Tử giả biệt luận.
  6. Kiệt
    Vị vua thứ 17 và cuối cùng của nhà Hạ trong lịch sử Trung Quốc. Ông vốn tên là Lý Quý, nhưng vì là người tàn ác nên bị gọi là Kiệt, nghĩa là kẻ độc ác ưa giết chóc. Dưới sự cai trị của ông, nhà Hạ bị mất vào tay nhà Thương vào năm 1767 trước Công nguyên. Cùng với vua Trụ của nhà Thương sau này, Kiệt được xem là biểu tượng của một bạo chúa.

    Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm
    Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang
    (Lục Vân Tiên)

  7. Kiết
    Keo kiệt (phương ngữ). Còn có nghĩa là nghèo hèn.
  8. Kiệt Thạch
    Tên Nôm là kẻ Cài, một làng nằm dưới chân núi Cài, nay thuộc địa phận xã Thanh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.
  9. Kiều
    Cầu (từ Hán Việt).
  10. Kiệu
    (Ngựa) Chạy bước ngắn.
  11. Kiếu
    Xin phép để ra về.
  12. Kiều công
    Cha của nhân vật Kiều Nguyệt Nga trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên. Kiều công cùng với Thái sư là quan trong triều. Thái sư đi dạm hỏi Kiều Nguyệt Nga cho con trai mình, bị từ chối, nên đem lòng oán hận. Khi giặc Phiên đánh vào ải Đồng Quan, y tâu lên để Sở Vương cống Nguyệt Nga sang cho giặc:

    Thái sư nhớ việc cừu nhà,
    Vội vàng quì xuống tâu qua ngai vàng:
    "Thủa xưa giặc mọi dấy loàn,
    Vì ham sắc tốt phá tàn Trung hoa.
    Muốn cho khỏi giặc Ô qua,
    Đưa con gái tốt giao hòa thời xong.
    Nguyệt Nga là gái Kiều công,
    Tuổi vừa hai tám má hồng đương xinh.
    Nàng đà có sắc khuynh thành,
    Lại thêm rất bậc tài tình hào hoa.
    Đưa nàng về nước Ô qua,
    Phiên vương ưng dạ ắt là bãi binh"

  13. Kiều cư
    Cư trú và làm việc ở quê người (từ Hán Việt).
  14. Kiều khấu
    Bộ đồ trang sức cho con ngựa, gồm: hàm thiếc, nòng cổ, dây nịt lưng, dây cương, v.v. Bộ yên được trang trí phủ trên mình voi cũng gọi là kiều khấu.
  15. Kiêu Kỵ
    Tên một làng xưa thuộc phủ Gia Lâm, Hà Nội, nay là một xã thuộc huyện Gia Lâm. Làng rất giàu có, dân chúng ngoài việc nông trang còn có nghề làm vàng quỳ và mổ trâu bò. Theo nhà nghiên cứu Toan Ánh: [...] làng giàu có, nên đình chùa làng rất khang trang.
  16. Kiều Mai
    Tên cũ là trại Mai Trang, một làng ven sông Nhuệ, thuộc xã Phú Diễn, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Xưa làng ở gần cầu Diễn, lại có rừng mơ lớn nên mới có tên Kiều Mai.

    Hội làng Kiều Mai

    Hội làng Kiều Mai

  17. Kiều Mộc
    Một làng xưa thuộc tổng Mộc Hoàn, nay thuộc xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội.
  18. Kiều ngựa
    Yên ngựa (từ địa phương).
  19. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  20. Kiều Sáo
    Một làng nay thuộc địa phận xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.