Hệ thống chú thích

  1. Hỏa tai
    Hỏa hoạn.
  2. Hoa từ bi
    Một số người, đặc biệt là giới tín đồ Phật giáo, gọi hoa sen là "hoa từ bi." Một nguồn khác lại cho rằng hoa từ bi là tên gọi khác của hoa tử vi - còn gọi là tường vi.

    Hoa tử vi

    Hoa tử vi

  3. Hòa Vang
    Địa danh nay là một huyện thuộc thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng nhờ các địa điểm du lịch sinh thái như Bà Nà - núi Chúa, Suối Mơ...

    Tượng Phật trên đỉnh Bà Nà

    Tượng Phật trên đỉnh Bà Nà

  4. Họa vô đơn chí
    Tai họa không đến riêng lẻ (mà đến dồn dập cùng lúc).
  5. Hỏa xa
    Xe lửa (từ Hán Việt).
  6. Hoắc hương
    Còn được gọi là hắc hương (hoắc: đậu, hương: mùi thơm, gọi vậy vì cây này nó lá giống lá đậu mà lại có mùi thơm) là một loại cây nhỏ sống lâu năm, thân vuông màu nâu tím, mọc thẳng có phân nhánh, cao chừng 30-60, thân có lông, dùng làm thuốc chữa đau bụng, tiêu chảy, nôn ói...

    Hoa hoắc hương

    Hoa hắc hương

  7. Hoắc Quang
    Tên qua đại thần phụ chính dưới thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đã phế truất Lưu Hạ và đưa Lưu Tuân (chắt của Hán Vũ Đế) lên ngôi, tức là Hán Tuyên Đế. Ông cùng với Y Doãn thời nhà Thương được xưng tụng là hai đại thần nhiếp chính phế lập vua nhưng được ca ngợi, gọi là chung là Y Hoắc.

    Hoắc Quang

    Hoắc Quang

  8. Hoài
    Uổng phí, mất đi một cách hoàn toàn vô ích do đem dùng vào việc không đáng hoặc không mang lại một kết quả nào cả.
  9. Hoàn
    Trả lại, trở lại (từ Hán Việt).
  10. Hoàn công
    Thành công (từ cũ).
  11. Hoạn dưỡng
    Nuôi nấng và chăm sóc (từ Hán Việt).
  12. Hoan hùy
    Hoan hỉ, vui mừng (từ cũ).
  13. Hoạn nạn tương cứu, sinh tử bất ly
    Hoạn nạn thì cứu giúp nhau, sống hay chết cũng không rời nhau.
  14. Hoạn Thư
    Một nhân vật nữ trong Truyện Kiều của Nguyễn Du. Là vợ của Thúc Sinh, Hoạn Thư là người thông minh, sắc sảo và thể hiện sự ghen tuông ghê gớm khi biết chồng lén cưới vợ lẽ là Thúy Kiều. Ngày nay những người phụ nữ hay ghen thường được gọi là Hoạn Thư hoặc "có máu Hoạn Thư."

    Vốn dòng họ Hoạn danh gia
    Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư
    Duyên đằng thuận nẻo gió đưa
    Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày
    Ở ăn thì nết cũng hay
    Nói điều ràng buộc thì tay cũng già

  15. Hoàng ân
    Ơn vua (từ Hán Việt)
  16. Hoàng anh
    Còn gọi là chim vàng anh hay hoàng oanh, là loài chim di cư nhỏ, ăn côn trùng và quả cây. Hoàng anh trống nổi bật với bộ lông vàng và đen, hoàng anh mái có bộ lông vàng ánh xanh lục.

    Chim Hoàng Anh (Chim Vàng Anh)

    Chim Hoàng Anh

  17. Hoàng cầm
    Cũng gọi là huỳnh cầm, một loại cây nhỏ, lá nhọn, rễ sắc vàng, dùng làm thuốc hạ huyết áp, kháng sinh, giảm sốt, lợi tiểu...

    Xuyên hoàng cầm

    Xuyên hoàng cầm

  18. Hoàng Cao Khải
    (1850 - 1933) Nguyên danh Hoàng Văn Khải, đại thần triều Nguyễn. Ông chủ trương thân Pháp, đàn áp các phong trào yêu nước. Ông lại có tài văn học, sáng tác bằng cả chữ Hán lẫn chữ Nôm. Những đánh giá về ông hiện vẫn chưa thống nhất. Sinh thời ông cho xây khu dinh thự, lăng tẩm ở ấp Thái Hà (còn gọi là ấp Hoàng Cao Khải) được đánh giá cao về kiến trúc.

    Hoàng Cao Khải

    Hoàng Cao Khải

  19. Hoàng Cô
    Một nhân vật trong Tam Hạ Nam Đường, một bộ tiểu thuyết diễn nghĩa mang màu sắc thần thoại kể về đời Tống trong lịch sử Trung Quốc.
  20. Hoàng Đàm
    Cũng gọi là Hoàng Đờm, địa danh nay thuộc xã Nam Tiến, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên (trước đây là Bắc Thái). Làng Hoàng Đàm gồm năm xóm: xóm Đồi, xóm Hạ, xóm Lò, xóm Giữa và xóm Hộ. Dưới thời nhà Nguyễn, Hoàng Đàm là tên một trong năm tổng của tỉnh Thái Nguyên. Nơi đây từng là căn cứ của nhiều nghĩa quân chống Pháp.