Hệ thống chú thích

  1. Hình dung
    Ngoại hình, dáng dấp của con người (từ cũ), cũng nói là hình dong.

    Một chàng vừa trạc thanh xuân
    Hình dung chải chuốt, áo khăn dịu dàng

    (Truyện Kiều)

  2. Hình nộm nang
    Đồ mã đan bằng tre uốn thành hình người, hay dùng trong các dịp ma chay.

    Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi
    Cái cuốc, con dao, đánh lừa cái tuổi
    Chén rượu đánh lừa cơn mỏi, cơn đau
    Con nộm nang tre đánh lừa cái chết
    Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu
    Đánh lừa thuồng luồng xăm mình xăm mặt
    Đánh lừa thằng giặc là chuyện Trạng Quỳnh
    Nhưng lạ lùng thay, nhân dân thông minh
    Không hề lừa ta dù ca dao, cổ tích

    (Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm)

  3. Hịt
    Hệt (phương ngữ Nam Bộ).
  4. Hồ
    Tên gọi chung chỉ các dân tộc ở phía tây và phía bắc Trung Quốc như Hung Nô, Tiên Ti, Ô Hoàn, Đê, Khương, Thổ Phồn, Đột Quyết, Mông Cổ, Khiết Đan, Nữ Chân...
  5. Hồ
    Gần. Cũng nói là hầu.

    Ở chỗ nhân gian không thể hiểu
    đôi mắt người hồ như biển đông
    có mưa-tôi-cũ về ngang đó
    tự buổi thiên đàng chưa lập xong

    (Bài nhân gian thứ nhất - Du Tử Lê)

  6. Một trong những thể loại âm nhạc dân gian, có nguồn gốc từ lao động sông nước, diễn tả tâm tư tình cảm của người lao động. Hò là nét văn hóa đặc trưng của miền Trung và miền Nam. Hò và tuy có phần giống nhau nhưng hò thường gắn liền với với một động tác khi làm việc, còn lý thì không.

    Nghe một bài hò mái nhì.

  7. Họ
    Những người thuộc đàng trai (hoặc đàng gái) trong đám cưới. Cũng gọi là họ nhà trai, họ nhà gái.
  8. Đường mép chạy từ giữa cổ đến nách áo phía bên phải ở thân trước áo dài.
  9. Hổ
    Còn gọi là cọp, hùm, dân gian còn gọi là ông ba mươi hay chúa sơn lâm, một loài động vật có vú, ăn thịt sống, có tuổi thọ khoảng 20 năm. Phần lớn các loài hổ sống trong rừng và đồng cỏ, kém leo trèo nhưng đa số bơi lội giỏi, hay đi săn đơn lẻ. Thức ăn của chúng chủ yếu là các động vật ăn cỏ cỡ trung bình như hươu, nai, lợn rừng, trâu, v.v., ngoài ra chúng cũng săn bắt và ăn thịt các loại mồi to hay nhỏ hơn nếu cần. Một con hổ trung bình có thể ăn tới 27 kg một ngày và có thể nhịn ăn khoảng 2 hoặc 3 ngày.

    Loài hổ thường thấy ở Việt Nam là hổ Đông Dương. Tuy nhiên, ở nước ta, gần 3/4 lượng hổ đã bị giết. Năm 2010, số lượng hổ ở Việt Nam chỉ còn vỏn vẹn 30 con. Hổ thường bị săn bắt để lấy da, xương, hay các bộ phận khác. Nạn săn bắt, buôn bán hổ khiến số lượng loài động vật quý hiếm này giảm 95% so với đầu thế kỷ 20. Ngày nay trên thế giới chỉ còn khoảng 5.000 - 7.000 cá thể hổ hoang dã, trong đó có khoảng 200 ở Việt Nam và 1.500 ở Ấn Độ. Loài hổ đã được đưa vào danh sách các loài đang gặp nguy hiểm.

    Hổ Đông Dương

    Hổ Đông Dương

  10. Hồ
    Kĩ thuật làm cho sợi dệt hoặc vải thấm đều một lớp nước có pha lớp bột hoặc keo cho cứng.
  11. Hộ
    Nhà cửa (từ Hán Việt).
  12. Hồ Ba Bể
    Tên một hồ nước ngọt ở tỉnh Bắc Cạn, một trong một trăm hồ nước ngọt lớn nhất thế giới. Hồ nằm trong vườn quốc gia Ba Bể, cũng là một khu vực du lịch sinh thái nổi tiếng.

    Hồ Ba Bể

    Hồ Ba Bể

  13. Hổ Bái
    Tên một làng nay thuộc địa phận xã Yên Bái, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Tại đây có đền Hổ Bái, thờ người con thứ 11 của Lạc Long Quân.

    Đền Hổ Bái

    Đền Hổ Bái

  14. Hồ bán nguyệt
    Hồ có hình dạng nửa hình tròn. Bán nguyệt nghĩa là một nửa mặt trăng (từ Hán-Việt).

    Hồ bán nguyệt trong chùa Khai Nguyên

    Hồ bán nguyệt trong chùa Khai Nguyên


     

  15. Hố bom
    Hố tạo thành do bom nổ.

    Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
    Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
    Ðất nước mình nhân hậu
    Có nước trời xoa dịu vết thương đau.

    (Khoảng trời - hố bom - Lâm Thị Mỹ Dạ)

    Những hố bom sau một trận oanh tạc của máy bay B52 trong chiến tranh Việt Nam

    Những hố bom sau một trận oanh tạc của máy bay B52 trong Chiến tranh Việt Nam

  16. Hồ Chuối
    Tên một bến thuyền ở phía Nam chân đèo Hải Vân, thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế.
  17. Hờ cơ
    Xảy ra một cách bất ngờ, không dự liệu hay sắp đặt trước.
  18. Hồ dễ
    Không dễ dàng.

    Chưa chắc cây cao hồ dễ im
    Sông sâu hồ dễ muốn êm đềm

    (Buồn êm ấm - Quang Dũng)

  19. Hồ Đắng
    Tên một làng chài nhỏ (hiện chỉ có trên dưới hai mươi hộ dân) thuộc xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngư dân ở đây sống bằng nghề chài lưới và đánh bắt ven bờ; cuộc sống cho đến nay vẫn còn gần như hoang sơ và tạm bợ.

    Hồ Đắng

    Hồ Đắng

  20. Hồ đồ
    Không phân biệt rõ ràng đúng sai, kết luận vội vàng.