Hệ thống chú thích
-
- Bạch
- Màu trắng (chữ Hán).
-
- Bạch canh, áo già
- Hai giống lúa được gieo trồng ở tỉnh Phú Yên. Sách Tổng quan Phú Yên, phần 3 (Kinh tế) có viết: "Theo thống kê vụ tháng 8-1937 của Trạm nông nghiệp Phú Yên (cơ sở thực nghiệm) các giống lúa đưa vào gieo trồng gồm: Áo già, bạch canh, ba trăng, bông giang..."
-
- Bạch Câu
- Tên nôm là kẻ Sung, một làng biển chuyên nghề cá nay thuộc địa phận xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
-
- Bạch chỉ phân du
- Đường chỉ màu trắng bên trong vỏ quế. Cây quế nào có đường chỉ này là quế rất tốt.
-
- Bạch Cư Dị
- (772 - 846) tự Lạc Thiên, hiệu Hương Sơn cư sĩ hoặc Túy Ngâm tiên sinh, đồng thời vì có thời gian làm chức tư mã ở Giang Châu nên cũng gọi là Giang Châu Tư mã. Ông là nhà thơ Trung Quốc đời Đường, rất nổi tiếng với hai bài thơ Trường hận ca kể về mối tình giữa Đường Huyền Tông và Dương Quý phi, và Tì bà hành kể về cuộc gặp gỡ của chính tác giả với một ca kĩ đàn tì bà. Người đời sau xếp tài thơ của ông chỉ sau Lý Bạch và Đỗ Phủ.
-
- Bách Diệp
- Một loại sen quý, hoa có nhiều cánh nhỏ màu hồng ("bách diệp" nghĩa là "trăm cánh").
-
- Bạch Đằng
- Một đòng sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình, chảy theo ranh giới hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng, đổ ra biển bằng cửa Nam Triệu, vịnh Hạ Long. Bạch Đằng (nghĩa là "sóng trắng" vì sông thường có sóng bạc đầu) còn có tên gọi là sông Rừng, là đường giao thông quan trọng từ biển Đông vào nội địa nước ta. Sông Bạch Đằng nổi tiếng với những trận thủy chiến lừng lẫy chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, như trận Ngô Quyền đại thắng quân Nam Hán, Trần Hưng Đạo thắng Nguyên-Mông...
-
- Bạch giáp, bạch bào
- Giáp trắng, áo bào trắng.
-
- Bạch Hạc
- Tên làng nay là một phường thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, ngay ngã ba nơi giao nhau giữa sông Đà, sông Lô và sông Hồng. Xưa kia đây chính là Phong Châu, kinh đô của nhà nước Văn Lang thời Hùng Vương. Hằng năm vào tháng giêng và tháng ba, tại Bạch Hạc tổ chức lễ hội giỗ Tổ, nổi tiếng với cuộc đua thuyền trên sông Lô và tục cướp cầu.
-
- Bách hoa
- Trăm hoa (từ Hán Việt).
-
- Bạch hương
- Còn gọi là thổ trầm hương, nữ nhi hương hay trầm giả, là một loại trầm hương hình thành trong thân cây bạch mộc hương. Trước đây bạch mộc hương được coi là loài cây chỉ sống ở Trung Quốc, tuy nhiên theo một số tài liệu hiện nay thì loài cây này có thể tồn tại ở nước ta.
-
- Bách kế thiên phương
- Trăm phương nghìn kế (thành ngữ Hán Việt).
-
- Bạch Mai
- Vốn là đường thiên lí cũ từ phía nam, qua trạm Hoàng Mai vào kinh thành Thăng Long. Trước đây địa danh này có tên là Hồng Mai, thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ, đến đời vua Tự Đức, vì kị húy với tên thật của vua là Hồng Nhậm mà đổi thành Bạch Mai. Hai bên phố có nhiều ngõ ngách đi vào các xóm, làng cũ trong vùng Kẻ Mơ. Hiện nay Bạch Mai là tên một phường thuộc quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
-
- Bạch nhật
- Mặt trời sáng (từ Hán Việt).
-
- Bách niên
- Trăm năm (từ Hán Việt). Ý nói thời gian lâu dài về sau.
-
- Bách niên giai lão
- Sống cùng nhau cho đến trăm tuổi. Đây là lời chúc dành cho cặp vợ chồng mới cưới.
-
- Bách niên giai ngẫu
- Đẹp đôi cho đến trăm tuổi. Đây là lời chúc dành cho vợ chồng mới cưới.
-
- Bạch Thái Bưởi
- (1874 – 1932) Tên thật là Đỗ Thái Bửu, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở làng An Phúc, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Ông khởi nghiệp bằng nghề ký lục cho một hãng buôn của người Pháp ở phố Tràng Tiền, sau đó lấn dần sang kinh doanh trong các lĩnh vực gỗ, hàng hải, mỏ, văn hóa-in ấn... và đạt được nhiều thành công, trở nên rất giàu có. Riêng về hàng hải, ông khéo sử dụng tinh thần đồng bang, cổ vũ người Việt dùng hàng Việt, nhờ đó đánh bại sự cạnh tranh quyết liệt của người Hoa và người Pháp, trở thành "chúa sông Bắc Kỳ." Ngày 22/7/1932, ông mất vì một cơn đau tim.
Bạch Thái Bưởi được coi là một huyền thoại trong lịch sử doanh thương Việt Nam.
-
- Bạch thiệt
- Lưỡi trắng (chữ Hán).