Chủ đề: Tình yêu đôi lứa

Chú thích

  1. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  2. Phượng cầu hoàng
    Nghĩa là "chim phượng trống tìm chim phượng mái," một khúc đàn được Tư Mã Tương Như gảy để tỏ tình với Trác Văn Quân. Ðây là một khúc đàn tình tứ lãng mạn:

    Phượng hề phượng hề quy cố hương
    Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng
    Thời vị ngô hề vô sở tương
    Hữu diện thục nữ tại khuê phường
    Thất nhĩ ngân hà, sầu ngã trường
    Hà duyên giao cảnh vi uyên ương
    Tương hiệt ương hề cộng cao tường

    Trong Bích Câu Kỳ ngộ có câu:

    Cầu hoàng tay lựa nên vần
    Tương Như lòng ấy Văn Quân lòng nào

  3. Trác Văn Quân
    Con gái của Trác Vương Tôn, người ở đất Lâm Cùng, đời Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Nàng là người con gái rất đẹp mà sớm goá chồng, thích nghe đàn. Khi nghe Tương Như vừa đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng nàng đã đem lòng say mê rồi quyết bỏ nhà đi theo Tương Như.

    Như chuyện Tương Như và Trác thị,
    Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
    Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng
    Tôi với em Nhi kết vợ chồng

    (Hoa với rượu - Nguyễn Bính)

  4. Âm phủ
    Cũng gọi là âm ty, âm cung, một khái niệm trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc. Theo đó, linh hồn của người chết sẽ được đưa đến âm phủ, được luận xét công tội khi còn là người trần, sau đó tuỳ mức độ công tội mà được đưa đi đầu thai (thành người hoặc vật) hoặc phải chịu các hình phạt khủng khiếp. Trong văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, âm phủ cũng có hệ thống như trần gian: đứng đầu âm phủ là Diêm Vương (cũng gọi là Diêm La Vương, nên âm phủ còn có tên là Điện Diêm La), dưới là các phán quan, cuối cùng là các quỷ dạ xoa.

    Một hình vẽ âm phủ

    Một hình vẽ âm phủ

  5. Bá quan
    Từ chữ Hán Việt 百 (trăm), và quan 官 (quan lại), chỉ tất cả các quan lại trong triều đình. Cũng nói là bá quan văn võ.
  6. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  7. Tiền Giang
    Tên một nhánh của sông Cửu Long, gồm có bốn nhánh nhỏ hơn đổ ra biển Đông qua sáu cửa là Tiểu, Đại, Ba La, Hàm Luông, Cổ Chiên và Cung Hầu. Trên lãnh thổ Việt Nam, Tiền Giang chảy qua các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh.

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

  8. Thơ
    Thư (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Vạn Giã
    Một địa danh nay là thị trấn của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Vạn Giã là vựa lúa lớn nhất tỉnh Khánh Hoà. Về du lịch, nơi đây có chùa Tổ đình Linh Sơn gần 300 tuổi, hằng năm có rất nhiều khách thập phương về dự lễ hội. Vịnh Vân Phong và bãi biển Đại Lãnh cũng thuộc khu vực này.

    Biển Đại Lãnh

    Biển Đại Lãnh

  10. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.
  11. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  12. Đá Tượng
    Tên một hòn núi cao 127m thuộc dãy Trường Sơn, nằm ở phía Tây vịnh Xuân Đài, thuộc địa phận thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên.
  13. Phu thê
    Vợ chồng (từ Hán Việt).

    Có âm dương, có vợ chồng,
    Dẫu từ thiên địa cũng vòng phu thê.

    (Cung oán ngâm khúc)

  14. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  15. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  16. Bất luận
    Không kể.
  17. Giang
    Cũng gọi là lá giang, một loại cây dây leo cho lá có vị chua (nên còn có tên là cây giang chua). Lá giang thường dùng để nấu canh hoặc lẩu, tạo thành những món ăn có vị chua rất đặc trưng.

    Lá giang

    Lá giang

    Canh gà lá giang

    Canh gà lá giang

  18. Cua kình
    Loại cua đồng có hai càng rất lớn.
  19. Dao lá liễu
    Loại dao có luỡi mỏng như lá liễu, rất bén.
  20. Làng Cót
    Cũng gọi là kẻ Cót, tên Nôm của hai làng Yên Quyết là Thượng Yên Quyết ở phía Bắc và Hạ Yên Quyết ở phía Nam, đều nằm bên bờ phải sông Tô Lịch. Về sau làng Cót được lấy làm tên gọi cho làng Hạ Yên Quyết tức làng Bạch Liên Hoa, còn làng Thượng Yên Quyết sau đổi gọi là làng Giấy, do có nghề truyền thống là sản xuất giấy. Cả hai làng Yên Quyết nay đều thuộc phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội, nằm ven sông Tô Lịch đoạn từ cầu Giấy đến gần cầu Trung Kính.

    Nghề truyền thống của làng Cót là nghề làm vàng mã. Hiện nay, còn nhiều hộ gia đình tại làng Cót vẫn giữ nghề truyền thống này.

    Vàng mã ở làng Cót

    Vàng mã ở làng Cót

  21. Quảng Bá
    Tên cũ là Quảng Bố, một làng cổ nằm ven đê sông Hồng và bên bờ Hồ Tây, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Quảng Bá nổi tiếng từ xưa với nghề trồng rau, trồng đào và các loại hoa Tết. Tuy nhiên, hiện nay diện tích trồng các loại hoa đã bị thu hẹp trong quá trình đô thị hóa.
  22. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  23. Chợ Giã
    Còn gọi là chợ Quy Nhơn, một phiên chợ ở tỉnh Bình Định, thuộc làng Chánh Thành (bao gồm phường Hải Cảng, Trần Phú và một phần phường Trần Hưng Đạo và phường Lê Lợi ngày nay), cùng với chợ Thị Nại (chợ Quy Nhơn ngày nay) là những trung tâm mua bán sầm uất vào bậc nhất của cảng Thị Nại với các sản phẩm như gạo, củi, vôi, ngư cụ dưới thời nhà Nguyễn.
  24. Cầu Đôi
    Tên chung của hai cây cầu song song nhau, một dành cho xe lửa và một dành cho đường bộ, nằm ở cửa ngõ thành phố Quy Nhơn, Bình Định, bắc trên nhánh sông từ hồ đèo Son chảy ra đầm Thị Nại.

    Cầu Đôi

    Cầu Đôi

  25. Cây Cốc
    Tên một cái đèo ở tỉnh Bình Định.
  26. Gò Bồi
    Tên một vạn (làng chài) thuộc làng Tùng Giản, xã Phước Hoà, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, nơi sông Côn đổ ra biển. Thị trấn Gò Bồi xưa giữ vị trí khá quan trọng trong giao lưu, kinh tế, văn hóa, du lịch của tỉnh. Đặc biệt ở đây có nghề làm nước mắm truyền thống từ hai trăm năm trước.

    Anh đã thở hơi nước mắm ngon của vạn Gò Bồi
    Nên đến già thơ anh còn đậm đà thấm thía.

    (Đêm ngủ ở Tuy Phước - Xuân Diệu)

    Gò Bồi ngày nay

    Gò Bồi ngày nay

  27. Đồ Bàn
    Tên một thành cổ nay thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, cách thành phố Qui Nhơn (tỉnh Bình Định) 27 km về hướng tây bắc. Đây là kinh đô của Chăm Pa trong thời kỳ Chăm Pa có quốc hiệu là Chiêm Thành. Thành Đồ Bàn còn có tên là Vijaya, thành cổ Chà Bàn, thành Hoàng Đế, hoặc thành Cựu.

    Sư tử đá trong thành Đồ Bàn

    Sư tử đá trong thành Đồ Bàn

  28. Thành Bình Định
    Tên một tòa thành cổ, được vua Gia Long cho xây dựng vào năm 1814 với vai trò là thủ phủ trung tâm của vùng đất Quy Nhơn, Bình Định, hiện nay thuộc đường Lê Hồng Phong, phường Bình Định, trung tâm thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thành được sử dụng trong thời gian 132 năm, từ năm 1814 đến năm 1946. Từ năm 1946, do cuộc chiến tranh với Pháp thành đã bị phá hoàn toàn. Hiện nay chỉ còn biểu tượng của ngôi nhà đón khách còn sót lại và cổng thành phía đông (cửa đông) được xây dựng lại, bên trên có tầng lầu. Thành Bình Định được dân gian gọi là thành Tân, đối lại với thành Cựu (thành Đồ Bàn).

    Cửa Đông thành Bình Định hiện nay

    Cửa Đông thành Bình Định hiện nay

  29. Cầu Chàm
    Tên chữ là Lam Kiều, một địa danh nằm ở phía Bắc Bình Định ngày trước. Tại đây có trồng nhiều cây chàm để nhuộm nên gọi là Cầu Chàm, sau đọc trại ra thành Gò Chàm.
  30. Đập Đá
    Một địa danh nay là một phường thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngày xưa đây là vùng sông nước, nhân dân phải đắp đập bổi để canh tác, gọi là đập Thạch Yển, sau là đập Thạch Đề tức là Đập Đá. Nằm ở phía đông thành Đồ Bàn xưa của Chiêm Thành và thành Hoàng Đế sau này của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc, nơi đây hội tụ nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo để cung cấp cho vua quan và các thân bằng quyến thuộc chi dùng: dệt vải, rèn, đúc đồng, gốm, kim hoàn...

    Hiện nay Đập Đá là một địa điểm du lịch có tiếng của Bình Định.

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

  31. Giao lân
    Đi lại (giao) với hàng xóm láng giềng (lân).
  32. Tên các làng thuộc tổng và phủ của Bình Định ngày trước.
  33. Khá
    Đỡ, thuyên giảm bệnh tình (phương ngữ).
  34. Xông
    Cách trị bệnh cảm cúm trong dân gian, dùng các loại lá chứa tinh dầu như lá bưởi, cúc tần, hương nhu, ngải cứu, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá sả, lá tre, lá chanh... để nấu nước xông. Đặt nồi nước xông trên giường, người bệnh trùm kín chăn ngồi xông từ 10 - 15 phút. Khi xông, hơi nước nóng kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài. Tinh dầu trong các loại thảo dược theo hơi nước qua niêm mạc mắt, mũi, tai, da, làm thông các ống dẫn mắt, mũi, tai và các xoang giúp giảm đau, chống viêm, bớt đau đầu, chóng mặt.
  35. Ri
    Thế này (phương ngữ Trung Bộ).
  36. Chặm
    Thấm từng tí cho khô (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  37. Lưới quát
    Loại lưới đánh cá có giàn lưới lớn hình ống có cánh hai bên để vây bắt cá. Khi kéo lưới vào gần bờ, một người lặn tóm chân chì và tóm hai đầu lưới rồi kéo lên ghe (thuyền).
  38. Lưới mành
    Loại lưới đánh cá biển truyền thống của các tỉnh Nam Bộ, chủ yếu dùng để khai thác các loài cá nổi như cá chim, trích, nục, cơm, bạc má, chỉ vàng...

    Lưới mành

    Lưới mành

  39. Cá lăng tiêu
    Một loại cá thu nhỏ, có vân hoa.
  40. Cá bạc má
    Một loại cá biển, sống thành đàn, có thân hình thuôn dài, hơn dẹt sang hai bên. Đây là một trong những loại cá được đánh bắt nhiều ở nước ta, và được chế biến thành rất nhiều món ăn.

    Cá bạc má

    Cá bạc má