Chủ đề: Tình yêu đôi lứa

Chú thích

  1. Lục bình
    Một loại bèo có thân mọc cao khoảng 30 cm, lá hình tròn, màu xanh lục, láng và nhẵn mặt. Lá cuốn vào nhau như những cánh hoa. Cuống lá nở phình ra như bong bóng xốp ruột giúp cây bèo nổi trên mặt nước. Lục bình sinh sản rất nhanh nên có mặt rất nhiều ở các ao hồ, kên rạch. Nhân dân ta thường vớt bèo cho lợn ăn, những năm gần đây xơ lục bình phơi khô có thể chế biến để dùng bện thành dây, thành thừng rồi dệt thành chiếu, hàng thủ công, hay bàn ghế. Ngó lục bình cũng được chế biến thành thức ăn, ngon không kém ngó sen.

    Lục bình

    Lục bình

  2. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  3. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  4. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  5. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  6. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  7. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  8. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  9. Phú quý
    Giàu có và sang trọng (từ Hán Việt).
  10. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  11. Bần
    Nghèo (từ Hán Việt).
  12. Phú
    Giàu (từ Hán Việt).
  13. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  14. Một loại cây cho quả ngọt, nhiều nước, thịt hơi xốp. Nước ép quả lê có thể dùng làm thạch, mứt trái cây, hoặc ủ men làm rượu. Gỗ lê là một loại gỗ tốt, được dùng làm đồ nội thất, chạm khắc... Lê là một hình ảnh mang tính ước lệ thường gặp trong ca dao tục ngữ, tượng trưng cho người con trai hoặc con gái.

    Quả lê

    Quả lê

  15. Xích thằng
    Sợi chỉ đỏ, dùng để chỉ duyên vợ chồng, gắn với điển tích về Nguyệt lão.

    Cạn lời, khách mới thưa rằng,
    Buộc chân, thôi cũng xích thằng nhiệm trao

    (Truyện Kiều)

  16. Hằng Nga
    Một nàng tiên trong thần thoại Trung Hoa, sống trong cung Quảng Hàn trên mặt trăng. Trong văn học, Hằng Nga hoặc chị Hằng là hình ảnh ước lệ chỉ mặt trăng.

    Thần thoại Trung Hoa kể rằng Hằng Nga và Hậu Nghệ là hai vợ chồng thần tiên sống trên trời. Vào thời cổ đại, Ngọc Hoàng có mười con trai là mười mặt trời, luân phiên soi sáng thế gian. Nhưng vào thời vua Nghiêu, một hôm mười mặt trời lại xuất hiện cùng một lúc, thiêu đốt mặt đất, gây ra hạn hán khủng khiếp. Hậu Nghệ ra tay bắn hạ chín mặt trời để cứu nhân dân, nhưng bị Ngọc Hoàng trừng phạt, đày cả hai vợ chồng xuống làm người trần gian, không cho làm thần tiên nữa.

    Hậu Nghệ đi tìm Tây Vương Mẫu ở núi Côn Luân, được Tây Vương Mẫu ban cho một viên thuốc trường sinh và dặn rằng hai vợ chồng chia nhau uống mỗi người nửa viên thì có thể trường sinh bất lão. Hậu Nghệ vui mừng mang thuốc về để vợ chồng chia nhau uống, nhưng Hằng Nga lại lén chồng lấy trộm viên thuốc uống một mình. Do thuốc quá mạnh, vừa uống xong thì Hằng Nga bay vút lên trời, bay mãi cho đến khi đến mặt trăng mới đáp xuống. Từ đó Hằng Nga sống trên cung trăng.

    Hằng Nga bay lên cung trăng

    Hằng Nga bay lên cung trăng

  17. Chương Đài
    Tên một con đường ở thành Trường An (Trung Quốc) thời Đường, nơi có nhiều lầu xanh. Nhà thơ Hàn Hoằng cưới một kĩ nữ họ Liễu làm vợ, nhà ở đường Chương Đài. Hàn Hoằng đi Thanh Châu nhậm chức, ba năm không về được, chỉ gửi cho vợ bài thơ: "Chương Đài liễu, Chương Đài liễu, tích nhật thanh thanh kim tại phủ? Túng sử trường điều y cựu thùy, dã ưng phan chiết tha nhân thủ." (Liễu Chương Đài, Liễu Chương Đài, ngày trước xanh xanh giờ ở đâu? Dẫu rằng cành dài rủ như xưa, cũng tay người khác vin bẻ rồi). Liễu thị cũng làm thơ đáp lại. Về sau, Liễu thị bị tướng Phiên là Sa Tra Lợi bắt làm thiếp. Một tráng sĩ là Hứa Tuấn dùng bài thơ cũ của Hàn Hoằng làm tin, liên lạc với Liễu thị, rồi lập mưu cứu nàng đưa về sum họp với Hàn Hoằng.

    Cụm khách Chương Đài dùng để chỉ người yêu, và liễu Chương Đài chỉ sự xa cách của hai người đang yêu.

    Khi về hỏi liễu Chương Đài,
    Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay.

    (Truyện Kiều)

  18. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  19. Cô phòng
    Buồng riêng của người sống cảnh cô đơn (từ Hán Việt). Thường dùng để chỉ cảnh cô đơn của người phụ nữ không chồng hoặc xa chồng.

    Đình thoa trường nhiên tư viễn nhân,
    Độc túc cô phòng lệ như vũ.

    (Ô dạ đề - Lí Bạch)

    Tản Đà dịch:
    Dừng thoi buồn bã nhớ ai,
    Phòng không gối chiếc, giọt dài tuôn mưa.

  20. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  21. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  22. Tàu seo
    Một dụng cụ làm giấy dó, chỉ chỗ đựng nước có pha chất keo thật loãng. Người thợ thủ công dùng một cái liềm - một thứ lưới nhỏ mắt đan bằng nứa đặt vào một khuôn gỗ - đem khuôn láng nước bột dó rồi nhúng vào tàu seo, chao đi chao lại cho thành hình tờ giấy.

    Làm giấy dó

    Làm giấy dó

  23. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  24. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  25. Yên Lãng
    Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.

    Húng Láng

    Húng Láng

  26. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  27. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  28. Yên Thái
    Tên một làng nằm ở phía tây bắc thành Thăng Long, nay là thủ đô Hà Nội. Tên nôm của làng là làng Bưởi, cũng gọi là kẻ Bưởi. Theo truyền thuyết ngày xưa đây là vùng bãi lầy nơi hợp lưu của sông Thiên Phù và sông Tô Lịch. Dân vùng Bưởi có hai nghề thủ công truyền thống là dệt lĩnh và làm giấy.

    Làng Bưởi ngày xưa

    Làng Bưởi ngày xưa