Chủ đề: Tình yêu đôi lứa

Chú thích

  1. Gá tiếng
    Cất tiếng (phương ngữ). Còn nói gá lời.
  2. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  3. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Căn
    Gốc rễ (chữ Hán). Khái niệm căn thường được gặp trong lí thuyết Phật giáo, chỉ những điều căn bản, gốc rễ của nhận thức, sự việc.

    Thiện căn ở tại lòng ta
    Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
    (Truyện Kiều)

  5. Nửa lừng
    Nửa lưng chừng (phương ngữ Nam Bộ).
  6. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  7. Sông Chu
    Còn có tên là sông Lường, Sủ, Nậm Sam, một con sông chảy qua Nghệ An và Thanh Hóa rồi đổ vào bờ sông Mã ở Ngã Ba Giàng. Ngày nay dòng sông được dẫn vào hồ chứa nước Cửa Đạt để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp, thủy điện, nước sinh hoạt cho các các huyện miền xuôi Thanh Hóa, cấp nước cho sông Mã vào mùa khô.

    Một khúc sông Chu

    Một khúc sông Chu

  8. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  9. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  10. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  11. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  12. Cầu Tràng Kênh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Cầu Tràng Kênh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  13. Dầu
    Dù (phương ngữ Nam Bộ).
  14. Lệ Thủy
    Một địa danh nay là huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Nơi đây nổi tiếng với sông Kiến Giang, khu nghỉ mát suối nước khoáng Bang, văn hóa đặc trưng Hò khoan Lệ Thủy, trong đó có điệu hò khoan chèo đò, hò giã gạo. Hằng năm, vào ngày 2 tháng 9, nơi đây diễn ra đua thuyền truyền thống. Tương truyền đây là vùng đất địa linh nhân kiệt, là quê hương của Sùng Nham hầu Dương Văn An, Chiêu Vũ hầu Nguyễn Hữu Dật, Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Kim tử Vinh Lộc Đại phu Đặng Đại Lược, Thạc Đức hầu Đặng Đại Độ, Sư bảo Nguyễn Đăng Tuân, Vũ Đăng Phương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Đình Diệm...

    Đua thuyền ở Lệ Thủy

    Đua thuyền ở Lệ Thủy

  15. Phá
    Vùng nước mặn có dải đất cát ngăn cách với biển, thông ra bởi một dòng nước hẹp.

    Phá Tam Giang

    Phá Tam Giang

  16. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  17. Nhơn
    Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Chỉ mành
    Sợi chỉ mỏng manh. Từ này thường dùng để chỉ những sự vật, sự việc không chắc chắn.
  19. Trúc
    Một loại cây giống tre, mọc thành bụi, lá nhỏ và thưa hơn lá tre. Do trúc có dáng đẹp nên được trồng làm cây cảnh. Trong văn chương ngày xưa, trúc thường được dùng tượng trưng cho hình ảnh người quân tử, hoặc người con gái.

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

    Tranh thủy mặc vẽ trúc

  20. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  21. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  22. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  23. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  24. Hồi
    Quay về (từ Hán Việt).
  25. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  26. Đào tơ
    Do tiếng Hán Đào yêu, tên một bài thơ trong Kinh Thi, trong có đoạn:

    Đào chi yêu yêu,
    Hữu phần kỳ thực.
    Chi tử vu quy,
    Nghi kỳ gia thất.

    Tạ Quang Phát dịch:

    Đào tơ mơn mởn tươi xinh,
    Trái đà đơm đặc đầy cành khắp cây.
    Theo chồng, nàng quả hôm nay.
    Ấm êm hòa thuận nồng say gia đình.

    Văn học cổ thường dùng những chữ như đào non, đào tơ, đào thơ, đào yêu... để chỉ người con gái đến tuổi lấy chồng.

  27. Khoai lang
    Một loại cây nông nghiệp với rễ củ lớn, chứa nhiều tinh bột, có vị ngọt, gọi là củ khoai lang. Nhân dân ta trồng và sử dụng khoai lang làm lương thực, tận dụng cả phần củ (rễ), thân, và lá.

    Thu hoạch khoai lang

    Thu hoạch khoai lang

  28. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  29. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý

  30. Cội
    Gốc cây.
  31. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  32. Tre gai
    Còn có tên là tre hóa, tre nhà, tre đực, một giống tre rất quen thuộc ở nước ta. Đặc trưng của tre gai là những gai nhọn giống như sừng trâu mọc ở mắt tre. Tre gai được trồng làm hàng rào hay trồng gần sông, suối, chân đê để chống xói mòn đất. Gỗ tre gai rất cứng nên thường được dùng làm cọc móng trong xây dựng cũng như dùng làm nguyên liệu để đan rổ rá, đóng bàn ghế và chế tạo hàng thủ công mỹ nghệ. Thân tre, măng tre và lá tre có thể dùng làm thuốc.

    Gai nhọn tại mắt của tre gai

    Gai nhọn tại mắt của tre gai

    Bụi tre gai

    Bụi tre gai

  33. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  34. Bần
    Còn gọi là cây thủy liễu, loài cây gặp nhiều ở các vùng ngập mặn Nam Bộ. Gỗ bần chủ yếu dùng làm chất đốt, còn trái bần có vị chua, chát với mùi thơm đặc trưng được chế biến thành nhiều món ăn đặc sản của Nam Bộ như mắm bần, lẩu cá nấu bần, mứt bần, kẹo bần...

    Cây và quả bần

    Cây và quả bần

  35. Có bản chép: giùm.
  36. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  37. Sàng
    Đồ đan bằng tre, hình tròn, lòng nông, có lỗ nhỏ và thưa, thường dùng để làm cho gạo sạch thóc, trấu và tấm. Hành động dùng cái sàng mà lắc cho vật vụn rơi xuống, vật to còn lại cũng gọi là sàng.

    Sàng gạo

    Sàng gạo

  38. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  39. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  40. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  41. Nường
    Nàng (từ cũ).
  42. Thả lời bướm ong
    Tán tỉnh, chọc ghẹo.