Ca dao – Dân ca

Chú thích

  1. Cá duồng
    Một loại cá thuộc họ cá chép, mình mềm, có vảy tròn nhỏ phủ toàn thân, đầu không vảy. Có duồng cho thịt ngọt nhưng nhiều xương.

    Cá duồng

    Cá duồng

  2. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  3. Xuồng
    Thuyền nhỏ không có mái che (phương ngữ Nam Bộ).

    Xuồng ba lá

    Xuồng ba lá

  4. Khoai môn
    Tên một số giống khoai gặp nhiều ở nước ta, cho củ có nhiều tinh bột, ăn được. Có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn bạc hà, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn... mỗi loại có những công dụng khác nhau như nấu canh, nấu chè... Trước đây môn, sắn, khoai, ngô... thường được ăn độn với cơm để tiết kiệm gạo.

    Cây và củ khoai môn

    Cây và củ khoai môn

  5. Bươn
    Chạy vội. Từ này có gốc từ từ Hán Việt bôn.
  6. Ngộ
    Gặp gỡ (từ Hán Việt).
  7. Chim hít cô
    Còn gọi là chim huýt cô, chim vàng nghệ, hoặc chim nghệ ngực vàng, là một loài chim có ngực màu vàng củ nghệ, cánh có sọc xanh và trắng. Thức ăn là các loại côn trùng nhỏ. Gọi là chim huýt cô vì tiếng kêu của chúng.

    Chim vàng nghệ

    Chim vàng nghệ

  8. Bình bát
    Loại cây leo thuộc họ bầu bí, đọt, lá và quả đều làm rau ăn được, là loài rau phổ biến ở nông thôn miền Nam. Còn được gọi là rau bát, mảnh bát, mỏ quạ, bình bát dây (để phân biệt với cây bình bát thuộc họ mãng cầu). Rau bình bát dùng để trị ghẻ, hạt bình bát trị giun sán.

    Rau bình bát đang ra hoa

    Rau bình bát đang ra hoa

  9. Bươm bướm bà
    Một loại bướm rất lớn, cánh có thể rộng một gang tay.

    Bướm bà

    Bướm bà

  10. Bực
    Bậc, chỗ đất cao bên bờ sông (phương ngữ Nam Bộ).
  11. Hôn định thần tỉnh
    Cũng nói là định tỉnh thần hôn hoặc nói tắt là thần hôn, nghĩa là buổi tối (hôn) chăm sóc cho cha mẹ ngủ yên (định), buổi sáng (thần) đến hỏi thăm sức khỏe cha mẹ (tỉnh). Chỉ đạo làm con.
  12. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  13. Ghè
    Đồ đựng (nước, rượu, lúa gạo) làm bằng đất hoặc sành sứ, sau này thì có làm bằng xi măng.

    Cái ghè

    Cái ghè

  14. Trong chay ngoài bội
    Những đám lễ lớn, bên trong làm cỗ chay, bên ngoài dựng rạp mời đoàn hát bội. Cụm từ "trong chay ngoài bội" chỉ những cảnh bận bịu rộn ràng.

    Hát bội

    Hát bội

  15. Hội Tần Vương
    Cũng gọi là hội Tần, chỉ việc Đường Cao Tổ Lý Uyên cùng con là Tần Vương Lý Thế Dân dấy binh thống nhất thiên hạ, lập nên nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Cụm từ hội Tần Vương thường bị nhầm thành hội Tầm Dương hoặc hội Tầm Vu.
  16. Guồng
    Cũng gọi là cuồng, mớ chỉ, sợi quấn tròn lại thành một cục lớn, không có trục hoặc lõi bên trong.
  17. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  18. Sống đời
    Sống hoài, sống mãi.
  19. Bà Điểm
    Tên một xã thuộc huyện Hóc Môn, nằm ở phía Tây Bắc thành phố Hồ Chí Minh. Ngày trước nơi đây nổi tiếng là một trong "mười tám thôn vườn trầu." Về nguồn gốc tên gọi này hiện có ba giả thuyết:

    1. Vào năm 1868, người dân Quảng Bình di cư vào vùng đất miền Nam khai phá, đến đây họ gặp người phụ nữ bán nước bên đường tên là Điểm nên đã dùng chính cái tên này để gọi tên cho vùng đất.
    2. Khi Trương Định khởi binh chống Pháp, nghĩa quân đặt trạm liên lạc ở vùng này tại nhà một bà lão tên là Điểm.
    3. Theo lí giải của Trương Vĩnh Ký, Bà Điểm là tên của một trong sáu bà vợ của Lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (thường được gọi là Lãnh binh Thăng), người đã xây dựng cầu Ông Lãnh. Ông mua đất và xây cất sáu cái chợ to, mỗi chợ mang tên một bà vợ. Từ đó, vùng đất có chợ Bà Điểm thuộc huyện Hóc Môn mang tên gọi này.

    Chợ Bà Điểm đầu thế kỉ 20

    Chợ Bà Điểm đầu thế kỉ 20

  20. Hóc Môn
    Một địa danh nay là huyện ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1698 đến năm 1731, một số lưu dân từ miền Bắc, miền Trung do không cam chịu sự thống trị hà khắc của triều Trịnh-Nguyễn nên đã đến vùng đất này để sinh cơ, lập nghiệp. Họ lập ra những thôn ấp và nông trại, lúc đầu có sáu thôn, dần dần phát triển thành mười tám thôn, nổi tiếng với nghề trồng trầu. Đến đầu thế kỷ 19, một số thôn của Hóc Môn vẫn còn những nét hoang dã, có cọp dữ nổi tiếng như “cọp vườn trầu” và có nhiều đầm môn nước mọc um tùm, nên thành địa danh Hóc Môn.
  21. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  22. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  23. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  24. Mắm nêm
    Cũng gọi là mắm cái ở một số vùng, một loại mắm lên men từ cá, có nhiều ở miền Trung và miền Nam, dùng làm nước chấm trong các bữa ăn. Tùy theo phong tục từng vùng mà mắm nêm được pha với các loại gia vị khác nhau, thường là tỏi, ớt, thơm (dứa)...

    Mắm nêm Bình Thuận

    Mắm nêm Bình Thuận

  25. Bạc Liêu
    Một địa danh thuộc miền duyên hải Nam Bộ. Vùng đất này từ xưa đã là nơi sinh sống của nhiều dân tộc khác nhau: người Hoa, người Việt, người Khmer, người Chăm... Tên gọi “Bạc Liêu,” đọc giọng Triều Châu là "Pô Léo," có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc, tức nghề chài lưới, đánh cá, đi biển. Ý kiến khác lại cho rằng "Pô" là "bót" hay "đồn," còn "Liêu" có nghĩa là "Lào" (Ai Lao) theo tiếng Khmer, vì trước khi người Hoa kiều đến sinh sống, nơi đó có một đồn binh của người Lào. Người Pháp thì căn cứ vào tên Pô Léo theo tiếng Triều Châu mà gọi vùng đất này là Pêcherie-chaume có nghĩa là "đánh cá và cỏ tranh."
  26. Cá cơm
    Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.

    Cá cơm

    Cá cơm

  27. Cá bẹ
    Còn gọi cá cháy, một loại cá thường gặp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tại các vùng nước biển ven bờ hoặc nước sông đục có dòng chảy mạnh. Cá bẹ có thân hình thon dẹt, đỉnh đầu trơn không có vân, toàn thân phủ vảy to, lưng có màu xanh lá cây. Thịt cá bẹ ngon nhưng có nhiều xương nhỏ và dài.

    Cá bẹ (cá cháy)

    Cá bẹ

    Ở vùng biển Bắc Bộ cũng có một loài cá bẹ, còn gọi là cá đé, thịt ngon thuộc hàng "tứ quý" (chim, thu, nhụ, đé).

  28. Hòn Rái
    Một hòn đảo địa bàn xã Lại Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, là một hòn đảo độc lập nằm trong vịnh Thái Lan, cách bờ biển Kiên Giang khoảng 25 km. Trước đây đảo có tên là Thát Dự, nhưng do trên đảo trồng nhiều cây rái nên gọi là Hòn Rái, Hòn Sơn hay Hòn Sơn Rái (Cũng có ý kiến cho rằng khi người Pháp tìm ra hòn đảo này đã đặt tên là hòn Sơn Rái, vì nhìn từ trên máy bay xuống giống như con rái cá đang bơi giữa biển). Tại đây có nghề làm nước mắm truyền thống rất nổi tiếng, đến mức trở thành "thương hiệu" nước mắm Hòn.

    Làm nước mắm Hòn

    Làm nước mắm Hòn

  29. Cần Thơ
    Một thành phố nằm bên bờ sông Hậu, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1739, vùng đất Cần Thơ được khai phá và chính thức có mặt trên dư đồ Việt Nam với tên gọi là Trấn Giang. Thời Nhà Nguyễn Cần Thơ là đất cũ của tỉnh An Giang. Thời Pháp thuộc, Cần Thơ được tách ra thành lập tỉnh, một thời được mệnh danh là Tây Đô, và là trung tâm của vùng Tây Nam Bộ. Hiện nay Cần Thơ là một trong năm thành phố trực thuộc trung ương của nước ta.

    Cầu Cần Thơ

    Cầu Cần Thơ

  30. Giọt châu
    Giọt lệ, giọt nước mắt.
  31. Ba Thắc
    Tên của một địa danh ở miền Nam, xuất phát từ chữ Bassac trong tiếng Khmer. Hiện có ba cách giải thích về địa danh này:

    1. Vùng đất ngày xưa thuộc địa phận của Campuchia, người Khmer gọi là Srok Bassac. Vùng đất này kéo dài từ Châu Đốc xuống Cà Mau hiện nay.
    2. Tên gọi khác của sông Hậu (người Khmer gọi là Tonlé Bassac).
    3. Tên gọi một trong ba cửa biển của sông Hậu, bao gồm Tranh Đề, Định An và Ba Thắc. Cửa Ba Thắc đã bị đất bồi từ khoảng thập niên 1970 nên không còn nữa.

  32. Thuyền loan
    Có hai cách giải thích:

    1. Thuyền có chiếc buồm như cánh chim loan (cũng gọi là buồm cánh dơi). Người xưa đi thuyền dùng thứ buồm này.
    2. Đọc trại từ thuyền lan, dịch nghĩa của chữ “lan chu.” Ngày xưa Lỗ Bang (người nước Lỗ thời Xuân Thu) lấy gỗ mộc lan làm thuyền, thường hai đầu nhỏ, giữa to, giống chiếc lá cây lan. Trong văn chương hễ nói đến thuyền thì người ta đệm thêm chữ lan thành thuyền lan (hoặc thuyền loan) cho đẹp lời.

  33. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).