Chim đại bàng bay ngang chợ Đệm
Ông Lưu Bị nói chuyện chiêm bao
Ca dao – Dân ca
-
-
Chần ngần gánh nặng trên vai
Chần ngần gánh nặng trên vai
Sao không san sẻ cho ai gánh cùng?
Có được thung dung
Ta san cùng cho khoẻ
Anh có vợ rồi, chẳng lẽ san hai?
Chần chần gánh nặng trên vai -
Cậu lậu, cậu ở bình vôi
-
Bàu Gõ trên cỏ dưới bưng
-
Hôm nay trời nắng chang chang
Hôm nay trời nắng chang chang
Ở đây xa nước, xa làng, xa dân
Chàng cho em mượn cái nón làm ân
Nhà em xa lắm, có gần ai đâu?
Trời làm gió trúc mưa mai
Không mượng chàng nón, mượn ai bây giờ
Nón này đâu phải tình cờ
Đã cất lấy nón, lại sờ đến quai
Nón này đã phải hơi ai
Mà vuốt chẳng sạch, mà mài chẳng ra
Nón này của mẹ của cha
Hay là của khách đường xa chàng cầm
Hay là của bạn tri âm
Chàng cho em cầm, che tạm nắng mưa
Mất một, em sẽ đền ba
Nhược bằng mất cả, đền ta cho mình -
Sầu ai mặt nọ không vui
-
Cậy cùng nhạn én đưa tin
-
Trên đầu giắt bông hoa lài
-
Đã toan nói chuyện cùng nhau
-
Trời ơi, có thấu tình chăng
Trời ơi, có thấu tình chăng
Tôi đi làm mướn tàn trăng mới về
Gặp phải đứa ác mới ghê
Tôi làm nó chẳng có hề tính công
Một tháng trả được mấy đồng
Không đủ nấu cháo cho chồng con ăn
Nó vắt chày ra nước ròng ròng
Miếng ăn cất kĩ, chớ hòng mon men
Hứng tay dưới, vắt tay trên
Rán sành ra mỡ, bon chen từng đồng -
Tôi là con gái bán dưa
-
Ơn Phật ơn trời
Ơn Phật, nhờ trời
Cha mẹ sinh hạ được mười anh em
Anh Cả nhàn thật là nhàn
Cởi trần đóng khố, đốt than trong rừng
Anh Hai vặn chão đánh thừng
Anh Ba làm mướn kiếm lưng cơm người
Anh Tư bắt ếch, mình ơi
Anh Tư bắt rắn, bắt dơi ngoài đồng
Anh Sáu đánh giậm dưới sông
Anh Bảy kéo lưới ở đồng làng ta
Anh Tám vác gạo trên ga
Anh Chín gánh mướn chợ xa chợ gần
Còn anh là út thanh tân
Có nghe anh kể, lại gần mà nghe -
Cau non khéo bổ cũng dày
Cau non khéo bổ cũng dày,
Dầu thương cho mấy, cơ hội này cũng xa
Bây giờ hỏi thật anh Ba
Còn thương như cũ hay là hết thương?
Ban ngày dãi nắng, tối lại dầm sương,
Thân em lao khổ một mình, có thương không mình? -
Đi buôn chung vốn chung lời
Đi buôn chung vốn chung lời
Chung tiền chung gạo, còn người không chung -
Hái rau bẻ củi trên cồn
-
Anh mong tát biển cấy kê
Anh mong tát biển cấy kê
Tát sông Bồ Ðề nhổ mạ cấy chơi
Bẻ que đo Trời
Đan lồng nhốt kiến
Thầy mẹ thương đến
Bắt voi coi giò
Thầy mẹ gả cho
Rước voi làm lễ
Anh đi làm rể
Che hai lọng vàng
Nhà anh thì ở giữa làng
Lấy vàng làm cột
Dát bạc làm tranh
Cưa gỗ lim làm thành
Chẻ ngà voi làm lạt
Anh đặt chuyện hát
Nói láp em nghe,
Nhà anh cột nứa, kèo tre… -
Cậu lậu quả cà
-
Cậu lính là cậu lính ơi
Cậu lính là cậu lính ơi
Tôi thương cậu lắm, nắng nôi thương hàn
Lính này có vua, có quan
Nào ai cắt lính cho chàng phải đi
Trời ơi sinh giặc mà chi
Nay trẩy kim thì, mai trẩy kim ngân
Lấy nhau chửa được ái ân
Chưa được kim chỉ, Tấn Tần như xưa
Trầu lộc em phong lá dừa
Chàng trẩy mười bốn, em đưa hôm rằm
Rủ nhau ra chợ Quỳnh Lâm
Vai đỗ gánh xuống, hỏi thăm tin chồng
Xót xa như muối bóp lòng
Nửa muốn theo chồng, nửa bận con thơ -
Chẳng thà em lấy chồng khờ, chồng dại
Chẳng thà em lấy chồng khờ, chồng dại
Lo kinh thương mãi mại
Tính công nghệ nông tang
Không ham nhiều bạc lắm vàng
Mai sau sanh chuyện điếm đàng bỏ em
– Qua đây muốn kiếm một nàng
Thạo thông đường buôn bán
Rao cùng thôn quán mà chưa đáng chỗ nào
Thiếu chi những chị má đào
Họ mê bài phé, bài cào, anh thất kinh -
Dạo chơi đã khắp bốn phang
Chú thích
-
- Lưu Bị
- Vua nhà Thục thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông tự là Huyền Đức, con cháu đời sau của Trung Sơn Tĩnh vương Lưu Thắng, dòng dõi nhà Hán. Theo giai thoại dân gian và trong tiểu thuyết chương hồi Tam Quốc Diễn Nghĩa, ông là người nhân hậu, trọng tình nghĩa, nhất là trong tình cảm anh em kết nghĩa với Quan Vũ và Trương Phi.
-
- Bình vôi
- Ngày xưa nhân dân ta thường hay ăn trầu với cau và vôi. Bình vôi là dụng cụ bằng gốm hay kim loại để đựng vôi ăn trầu, đôi khi được chế tác rất tinh xảo, và tùy theo hình dạng mà cũng gọi là ống vôi.
-
- Bàu Gõ
- Địa danh nay thuộc xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
-
- Bưng
- Vùng đồng lầy ngập nước, mọc nhiều cỏ lác. Từ này có gốc từ tiếng Khmer trapéang (vũng, ao), ban đầu đọc là trà bang, trà vang, sau rút lại còn bang rồi biến âm thành bưng. Bưng cũng thường được kết hợp với biền (biến âm của biên) thành bưng biền.
-
- Cỏ bàng
- Còn gọi là cói bàng hay gọi tắt là bàng, một loài cỏ cao, thân rỗng, thường mọc thành đồng những vùng đất nhiễm phèn miền Tây Nam Bộ. Củ bàng có thể ăn thay cơm, thân bàng dùng để đan nhiều đồ dùng hữu ích như đệm lót, giỏ xách, bao (cà ròn), nón, võng, nóp (một loại nệm nằm), thậm chí cả buồm cho tàu ghe hay áo mặc. Nghề đan bàng do đó là nghề kiếm sống của nhiều người dân Nam Bộ trước đây, hiện đang được phục hồi sau một thời gian mai một, chủ yếu tập trung vào chế tác hàng mỹ nghệ.
Đêm đêm trong ánh trăng mờ
Gần xa rộn tiếng nhặt thưa giã bàng
(Trường ca Đồng Tháp Mười - Nguyễn Bính)
-
- Tri âm
- Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
-
- Duyên nợ
- Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
-
- Cậy
- Nhờ giúp đỡ, nhờ vả.
Cậy em em có chịu lời
Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa
(Truyện Kiều)
-
- Nhạn
- Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥 chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
-
- Én
- Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.
-
- Nhài
- Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.
-
- Hoài
- Uổng phí, mất đi một cách hoàn toàn vô ích do đem dùng vào việc không đáng hoặc không mang lại một kết quả nào cả.
-
- Khúc nôi
- Nỗi lòng tâm sự thầm kín khó nói ra (từ cũ). Cũng nói là khúc nhôi.
-
- Cuội
- Một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Chú Cuội (hay thằng Cuội) là một người tiều phu. Cuội có một cây đa thần, lá có khả năng cải tử hoàn sinh. Một hôm vợ Cuội tưới nước bẩn vào gốc cây đa, cây đa trốc gốc bay lên trời. Cuội bám vào rễ đa kéo lại, nhưng cây đa bay lên đến tận cung Trăng. Từ đó trên cung Trăng có hình chú Cuội. (Xem thêm: Sự tích chú Cuội cung trăng).
-
- Khố
- Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.
-
- Dây chão
- Dây thừng loại to, rất bền chắc.
-
- Giậm
- Đồ đan bằng tre, miệng rộng hình bán cầu, có cán cầm, dùng để đánh bắt tôm cá. Việc đánh bắt tôm cá bằng giậm gọi là đánh giậm.
-
- Thanh tân
- Tươi trẻ, trong sáng (thường dùng để nói về người phụ nữ).
-
- Cồn
- Đảo nhỏ và thấp. Ở miền Trung và Nam Bộ, cồn còn được gọi là cù lao hoặc bãi giữa, là dải đất hình thành ở giữa các con sông lớn (sông cái) nhờ quá trình bồi đắp phù sa lâu năm.
-
- Mót lúa
- Tìm nhặt những bông lúa còn sót trên đồng ruộng đã gặt xong. Đây là công việc cực nhọc, người mót lúa thường phải lang thang tìm kiếm qua nhiều cánh đồng mới có đủ ăn.
-
- Kê
- Cây lương thực cùng họ với lúa, quả rất nhỏ, thường gọi là hạt, màu vàng, tập trung thành một bông dài.
-
- Sông Bồ Đề
- Một đoạn sông Hồng thuộc thành Thăng Long ngày trước. Đây chính là nơi 20 vạn quân Thanh của Tôn Sĩ Nghị đóng quân khi sang xâm lược nước ta vào năm 1788, trước khi bị vua Quang Trung dẫn nghĩa quân Tây Sơn tiến ra Bắc đánh cho tan tành.
-
- Lọng
- Đồ dùng để che phía trên đầu, gần giống cái dù nhưng kích thước lớn hơn, hình tròn, phẳng, có cán dài để cầm, thường được sử dụng trong nghi lễ hoặc đám rước, để thể hiện địa vị xã hội. Ngày xưa, lọng được sử dụng cho vua, quan, chức sắc; ngày nay, lọng chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.
Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung bằng tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng. Mặt trên lọng lợp bằng giấy phết sơn ta để chống thấm nước. Lọng còn thường được trang trí nhiều màu sắc và họa tiết tùy theo địa vị của người sử dụng.
-
- Cỏ tranh
- Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.
-
- Lạt
- Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
-
- Cồng
- Nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Nhân dân ta thường đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội, hoặc khi ra trận để cổ vũ tinh thần quân sĩ.
-
- Thương hàn
- Bệnh cảm lạnh theo Đông y (lưu ý phân biệt với bệnh thương hàn của Tây y, một bệnh về đường tiêu hóa).
-
- Kim thì
- Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Kim thì, hãy đóng góp cho chúng tôi.
-
- Kim ngân
- Vàng bạc (từ Hán Việt).
-
- Chửa
- Chưa (từ cổ, phương ngữ).
-
- Tấn Tần
- Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.
Trộm toan kén lứa chọn đôi,
Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.
(Truyện Hoa Tiên)
-
- Quỳnh Lâm
- Địa danh nay là một xã thuộc huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.
-
- Kinh thương mãi mại
- Phát triển gầy dựng cơ nghiệp bằng nghề buôn bán (kinh: gầy dựng phát triển; thương: việc buôn bán; mãi: mua; mại: bán).
-
- Nông tang
- Làm ruộng (nông) và trồng dâu tằm (tang).
-
- Đàng điếm
- Cũng viết là điếm đàng, nghĩa đen là người lang thang ngoài đường (đàng) trong quán (điếm), hiểu rộng là những kẻ "hay phỉnh phờ, lường gạt, thường hiểu là đứa hay ngồi lều ngồi chợ hay toa rập làm điều gian lận" (Đại Nam quấc âm tự vị).
-
- Cùng
- Khắp, che phủ hết.
-
- Xì phé
- Tên một lối chơi bài tây 52 lá. Lá bài chia đầu tiên úp mặt xuống gọi là tẩy. Các tụ chơi lần lượt rút những lá còn lại. Tùy theo bài tốt xấu, người ta có thể tố bằng cách thách một số tiền. Người khác có thể theo bằng cách bỏ thêm tiền vào. Người nào thấy mình không còn đủ tiền theo hoặc bài quá xấu thì quay ngang, tức là chấp nhận thua. Cuối cùng chỉ còn hai tụ. Bài ai tốt hơn sẽ thắng.
Tùy theo vùng mà trò bài này còn có các tên như xì tẩy, xì tố, hoặc bài tố.
-
- Bài cào
- Một kiểu đánh bài bằng bài Tây (bài tú-lơ-khơ). Luật chơi rất đơn giản: mỗi người chơi được chia ba lá bài, cộng điểm lại rồi lấy chữ số cuối cùng, ai điểm cao nhất thì thắng.
-
- Phang
- Cách phát âm của người Nam Bộ ngày trước khi nói chữ phương (phương hướng).
-
- Thuyền quyên
- Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟 tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.
Trai anh hùng, gái thuyền quyên
Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng
(Truyện Kiều)