Ca dao Mẹ

  • Bạn hẹn với ta mồng bốn tháng giêng

    – Bạn hẹn với ta mùng bốn tháng giêng
    Trông hoài không thấy bạn hiền vãng lai
    Bạn hẹn với ta mùng bốn tháng hai
    Tiết xuân con én đưa thoi đã rồi
    Tháng ba, tháng tư ta không thấy bạn thời thôi
    Chim kêu thỏ thẻ trước nơi sân hòe
    Tháng năm, tháng sáu ta chẳng thấy nhắn nhe
    Chim kêu nhỏ nhẻ, mùa hè sang thu
    Chim kêu, vượn hú, cu gù
    Cây khô lá rụng, mịt mù tang thương
    Tháng bảy, tháng tám, tháng chín mưa trường
    Đến khi ta nhắn gửi, hết lời ta lại qua
    Tháng mười, tháng mười một, nước chảy mưa sa
    Đương khi tiết lạnh bạn với ta xa vời
    Còn mình tháng chạp bạn ơi
    Niên tàn nguyệt tận, bạn phải tính cho rồi mưu chi?
    Về nhà ngửa bàn tay tính lại đính đi
    Tháng thời mười hai tháng, mùa y bốn mùa
    Chuỗi sầu ai khéo thêu thùa
    Đớn đau dạ ngọc, xót chua gan vàng!
    – Bớ em ơi, một năm mười hai tháng, một tháng ba mươi ngày
    Mắc lo canh cửi, hết ngày tháng giêng
    Tháng hai khoai sắn liên thiên
    Ta cam tâm nhớ bạn, còn phiền về tháng ba
    Tháng ba anh mắc dọn dẹp việc nhà
    Lo gặt lo hái nên không qua thăm nường
    Tháng tư mắc lo việc lí hương
    Mắc lo tạ tế, chay trường, công ngân
    Tháng năm anh lo việc trăm phần
    Lo sạ, lo cấy, gánh phân, đi cày
    Tháng sáu anh nghĩ đã thậm gay
    Mắc lo dựng xe đạp nước, không ngày nào ở không
    Tháng bảy thiên não địa nùng
    Ngày cơ tháng thiết, anh sợ em bậu có chồng chứ phải chơi!
    Tháng tám ngó bộ thảnh thơi
    Cha mẹ nhà trói buộc không cho anh đi, anh phiền
    Tháng chín nước chảy khỏa biên
    Mưa to gió lớn, anh sợ chiếc thuyền không bơi
    Tháng mười chân rảnh tay rời
    Đêm nằm nhớ bạn, ngày thời trông mong
    Tháng mười một hết ngõ hết đường
    Anh đau liệt giường, ới hỡi thuyền quyên!
    Tháng chạp ngày tổ ngày tiên
    Mắc lo dẫy mả tổ tiên cho rồi
    Một năm mười hai tháng, em bậu ơi
    Mong có ngày rảnh, để em bậu ngồi trách qua!

    Dị bản

    • Bạn hẹn với ta mùng bốn tháng giêng
      Trông hoài không thấy bạn hiền vãng lai
      Bạn hẹn với ta mùng bốn tháng hai
      Tiết xuân con én đưa thoi mãn rồi
      Tháng ba, tháng tư bạn không nhe nhắn nữa thì thôi
      Để cho con chim oanh thỏ thẻ trước nơi sân hòe
      Tháng năm, tháng sáu bạn chẳng nhắn nhe
      Để cho chim én mùa hè sang thu,
      Tháng bảy, tháng tám vượn hú cu gù
      Mưa sa nước lũ mịt mù tối tăm.
      Tháng chín, tháng mười lụy nhỏ mưa dầm
      Hết cơn nhắn gởi hết lần lại qua
      Tháng mười một, tháng chạp trở ra
      Niên cùng nguyệt tận bạn với ta xa rồi
      Không tin, bạn lần tay tính thử mà coi
      Năm thời mười hai tháng, mùa y bốn mùa
      Chuỗi sầu ai khéo thêu thùa
      Đớn đau tấc dạ xót chua lòng này.

  • Bình luận

Cùng thể loại:

Có cùng từ khóa:

Chú thích

  1. Vãng lai
    Đi lại (từ Hán Việt).
  2. Tiết khí
    Gọi tắt là tiết, một khái niệm về thiên văn bắt nguồn từ Trung Quốc. Tiết khí là 24 điểm đặc biệt trên quỹ đạo của Trái Đất xung quanh Mặt Trời, mỗi điểm cách nhau 15°, khoảng cách kề nhau giữa hai tiết khí là 14-16 ngày. Tiết khí có mối liên quan gần gũi với các yếu tố khí hậu, thời tiết ở các nước nông nghiệp. Hiểu theo nghĩa rộng, tiết còn chỉ một khoảng thời gian, thời cuộc.

    Tiết khí

    Tiết khí

  3. Én đưa thoi
    Én bay lượn trên bầu trời như thoi trong khung cửi. Thường dùng để chỉ hoặc miêu tả mùa xuân.

    Ngày xuân con én đưa thoi
    Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

    (Truyện Kiều)

  4. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  5. Sân hòe
    Từ chữ Hán hòe đình, nghĩa là sân có trồng cây hòe. Đời nhà Tống, Vương Hựu tự tay trồng ba cây hòe trong sân nhà và nói rằng "Con cháu ta sau này sẽ có đứa làm đến Tam công." Về sau, con của Vương Hựu là Vương Đán làm đến Tam công thật. Sân hòe vì vậy chỉ nhà có con cái đỗ đạt, song cũng dùng để chỉ nhà cha mẹ.

    Sân hòe đôi chút thơ ngây,
    Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình

    (Truyện Kiều)

  6. Niên tàn nguyệt tận
    Hết năm hết tháng (chữ Hán). Cũng nói là niên cùng nguyệt tận.
  7. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  8. Canh cửi
    Sợi chỉ dọc (canh hoặc kinh) trên Khung cửi">khung dệt (cửi). Chỉ công việc dệt vải, dệt lụa.

    Dệt cưởi

    Dệt cửi

  9. Liên thiên
    Liên tục, không ngớt.
  10. Nường
    Nàng (từ cũ).
  11. Việc lí hương
    Việc làng (lí và hương đều có nghĩa là làng. Ngày xưa gọi một khu 12.500 nhà là hương, 25 nhà gọi là lí).
  12. Tạ tế
    Những việc cúng giỗ nói chung (chữ Hán).
  13. Công ngân
    Những việc tiền bạc nói chung.
  14. Sạ
    Trồng lúa bằng cách gieo thẳng hạt giống lúa xuống nước, không cần cấy.

    Gieo sạ

    Gieo sạ

  15. Thậm
    Rất, lắm.
  16. Ngày cơ tháng thiết
    Ngày tháng gấp rút, cần kíp.
  17. Ngó bộ
    Xem có vẻ như (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Khỏa biên
    (Nước) chảy tràn qua bờ ruộng.
  19. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  20. Tảo mộ
    Quét mồ. Theo tục cổ, đến tiết Thanh minh con cháu đi viếng và sửa sang lại phần mộ của cha mẹ tổ tiên. Ở Trung và Nam Bộ, lễ này được gọi là dẫy mả, và được tổ chức vào tháng chạp hằng năm.

    Thanh minh trong tiết tháng ba
    Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh

    (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

  21. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  22. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  23. Oanh
    Tên gọi chung của một số loài chim có bộ lông đẹp và giọng hát hay. Trong văn chương cổ, chim oanh tượng trưng cho điều cao quý.

    Gần xa nô nức yến oanh
    Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân

    (Truyện Kiều)

    Chim oanh cổ đỏ

    Chim oanh cổ đỏ

  24. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  25. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  26. Huê
    Hoa (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Gọi như thế do kiêng húy tên của bà Hồ Thị Hoa, chính phi của hoàng tử Đảm (về sau là vua Minh Mạng).
  27. Vân vi
    Đầu đuôi câu chuyện, đầu đuôi sự tình (từ cũ).
  28. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  29. Với. Từ này ở Trung và Nam Bộ phát âm thành dí.
  30. Cắm thẻ ruộng
    Cắm thẻ để nhận và xác định chủ quyền của một mảnh ruộng.
  31. Cắm nêu ruộng
    Cắm cây nêu để báo cho mọi người biết là ruộng đang bị tranh chấp hay bị thiếu thuế, không ai được mua lúa, gặt hái.
  32. Vông đồng
    Loài cây tỏa cành rộng, tạo nhiều bóng mát, thân có nhiều gai, cành xốp dễ gãy đổ khi gặp gió lớn. Hoa màu đỏ, hoa đực mọc thành chùm dài, hoa cái mọc đơn độc tại các nách lá. Quả vông đồng thuộc dạng quả nang, khi khô sẽ nứt ra thành nhiều mảnh, tạo ra tiếng nổ lách tách.

    Cây vông đồng

    Cây vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

    Hoa, lá, và quả vông đồng

  33. Này (phương ngữ Trung Bộ).
  34. Anh hào
    Anh hùng hào kiệt, người có tài năng, chí khí. Hội anh hào là dịp để anh hào gặp và thi thố lẫn nhau để lập nên những công trạng hiển hách.

    Đường đường một đấng anh hào,
    Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

    (Truyện Kiều)

  35. Sự tình thâm nhiễm: Sự tình trở nên nghiêm trọng.
  36. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  37. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  38. Sông Hương
    Tên con sông rất đẹp chảy ngang thành phố Huế và một số huyện của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tùy theo giai đoạn lịch sử, sông còn có các tên là Linh Giang, Kim Trà, Hương Trà... Ngoài ra, người xưa còn có những tên địa phương như sông Dinh, sông Yên Lục, sông Lô Dung... Sông Hương đã được đưa vào rất nhiều bài thơ, bài hát về Huế, đồng thời cùng với núi Ngự là hình ảnh tượng trưng cho vùng đất này.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương

  39. Ngự Bình
    Tên một hòn núi đất cao 103 m, còn gọi tắt là Núi Ngự, trước có tên là Hòn Mô hay Núi Bằng (Bằng Sơn), đến thời vua Gia Long thì đổi thành Ngự Bình. Núi ở bờ phải sông Hương (giữa Cồn HếnCồn Giã Viên), cách trung tâm thành phố Huế 4 km về phía Nam, hai bên có hai ngọn núi nhỏ chầu vào gọi là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Núi Ngự và sông Hương là hai biểu tượng của Huế, vì vậy Huế còn được gọi là vùng đất sông Hương - núi Ngự.

    Sông Hương - núi Ngự

    Sông Hương - núi Ngự

  40. Rứa
    Thế, vậy (phương ngữ Trung Bộ).
  41. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  42. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  43. Sen
    Loài cây mọc dưới nước, thân hình trụ, lá tỏa tròn, cuống dài. Hoa to, màu trắng hay đỏ hồng, có nhị vàng.

    Hoa sen trắng

    Hoa sen trắng

  44. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  45. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  46. Đáo
    Đến nơi. Như đáo gia 到家 về đến nhà (theo Thiều Chửu).
  47. Đãi đưa
    Nói chuyện đãi bôi, niềm nở nhưng giả dối, không thật lòng.
  48. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  49. Phủ
    Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
  50. Mốc cời
    Bị mốc nặng, mốc mòn, mốc meo.
  51. Khó
    Nghèo.
  52. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  53. Bộ hành
    Người đi đường (từ Hán Việt). Cũng gọi là khách bộ hành.