Ca dao Mẹ

  • Vè ăn thịt chó

    Nghe vẻ, nghe ve
    Nghe vè thịt chó
    Anh nào chịu khó
    Thì đi mua tương
    Cái việc tầm thường
    Ai ai cũng biết
    Muốn cho tươm tất
    Đậu phộng, đậu nành
    Củ sả, củ hành
    Mua ba tiền bún
    Một tiền rau húng
    Một trái dừa khô
    Bỏ tiền đậu vô
    Mua ba chai rượu
    Anh nào hảo tửu
    Thì đậu thêm tiền
    Xách rổ đi liền
    Đi mau tới chợ
    Đừng có xớ rớ
    Gấp gấp mà về
    Anh nào có nghề
    Ra tay đập chó
    Anh nào nhúm lửa
    Bắc chảo nước sôi
    Cạo lông sạch rồi
    Đem thui vàng hực
    Anh nào chịu cực
    Món nướng, món xào
    Xương sống để sau
    Xương sườn nấu cháo
    Ngồi ăn chạo rạo
    Uống rượu bắng tô
    Xương xóc múc vô
    Thịt thà cả rổ
    Kẻ thì ăn tộ
    Người lại gặm xương
    Kẻ nhai be sườn
    Người gặm khu lẳng
    Vừa đi vừa cắn
    Cái miệng chèm nhèm
    Té xuống đứng lên
    Lại còn nói bướng
    Xưng hùng, xưng tướng
    Chẳng đứa nào say
    Hồi nãy coi hay
    Bây giờ quá tệ
    Xúm lại mâm chó
    Kể chắc tiêu tùng
    Vợ thì trông chồng
    Con thời ngóng tía
    Thôi đừng có xía
    Vô chuyện người ta
    Thôi đừng có la
    Thiên hạ đàm tiếu
    Con chó nhỏ xíu
    Ăn chín mười người
    Buồn kiếm chuyện chơi
    Ai thèm say rượu

  • Bình luận

Cùng thể loại:

  • Vè lương tháng

    Ve vẻ vè ve
    Nghe vè lương tháng
    Hai trăm ngồi phán
    Trăm tám ngồi nghe
    Tranh đài tranh xe
    Là thằng trăm rưỡi
    Tất ta tất tưởi
    Là lũ trăm hai
    Vừa làm vừa sai
    Là quân chín chục
    Vợ chồng lục đục
    Là bọn sáu mươi
    Dở khóc dở cười
    Là bọn bốn chịch
    Chẳng ta chẳng địch
    Là lũ con phe
    Nói chẳng ai nghe
    Là ông Nhà nước

  • Vè đánh bạc

    Nghe vẻ nghè ve
    Nghe vè đánh bạc
    Đầu hôm xao xác
    Bạc tốt như tiên
    Đêm khuya không tiền
    Bạc như chim cú
    Cái đầu xù xụ
    Com mắt trõm lơ
    Hình đi phất phơ
    Như con chó đói
    Chân đi cà khói
    Dạo xóm dạo làng
    Quần rách lang thang
    Lấy tay mà túm.

  • Thứ bảy thời bao cấp

    Chồng:
    Cắt cơm
    Bơm xe
    Nghe thời tiết
    Liếc đồng hồ
    Thồ bao gạo
    Cạo bộ râu
    Xâu quai dép
    Tránh mặt sếp
    Tót lên yên
    Guồng như điên
    Về với vợ

    Vợ:
    Mau tắm rửa
    Sửa lông mày
    Thay quần áo
    Báo thêm cơm
    Bơm nước hoa
    Xoa thêm phấn
    Quấn lại tóc
    Bóc coóc-xê
    Kê chân giường
    Giương mắt đợi
    Kêu ối ối

  • Vè chăn vịt

    Thân tôi coi vịt cực khổ vô hồi
    Sáng ra ngồi trông trời mau xế như chúa trông hiền thần
    Hai cẳng lần lần như Địch Thanh thắng trận
    Quần áo chưa kịp bận như Tào Tháo bị vây
    Tay cầm cái cây như Tề Thiên cầm thiết bảng
    Vịt chạy qua bờ ngăn đón cản như Tiết Nhơn Quý rượt Cáp Tô Văn
    Quần bận còn xăn như Uất Trì tắm ngựa
    Vịt ăn ngồi dựa bóng tùng như Tần Thúc Bảo lúc bệnh đau
    Vịt chạy đuổi lao xao như La Thông tảo Bắc
    Tối về nhà đèn chưa tắt như đãi yến công nương
    Ngày ra tới đứng ngoài đường, chiều về như Phàn Lê Huê nhập trại.

  • Mười lo

    Một lo con nít trắng răng
    Hai lo kẻ thấp không bằng người cao
    Ba lo thầy bói té nhào
    Bốn lo con đĩ không chào lái buôn
    Năm lo thợ đúc méo khuôn
    Sáu lo trên nguồn không có hươu mang
    Bảy lo bà chúa chửa hoang
    Tám lo trai làng không vợ chạy rông
    Chín lo trong ngục không gông
    Mười lo ngoài đồng không đất chôn ma

    Dị bản

    • Một lo em bé trắng răng,
      Hai lo người thấp không bằng người cao.
      Ba lo thầy bói té rào,
      Bốn lo con đĩ miệng chào khách buôn
      Năm lo thợ đúc có khuôn,
      Sáu lo kẻ ở trên nguồn gian nan.
      Bảy lo bà góa chửa hoang,
      Tám lo dân làng hết gạo đi xâu
      Chín lo biển rộng hơn cầu,
      Mười lo bà vãi trọc đầu khó coi.

  • Vè con gái hư

    Đầu hôm ngủ tới canh tư,
    Còn nằm mà ngủ, muỗi thì nó cắn dư cả vùa
    Canh năm thì dộng trống chùa,
    Còn nằm mà ngủ, chúng lùa một bên
    Ngủ thì quên tuổi, quên tên,
    Ngủ cho mặt trời mọc đã lên ba sào
    Sáng ra đái dựa hàng rào,
    Còn đương ngây ngủ té nhào trong gai
    Quét nhà long mốt long hai,
    Con mắt dáo dác thấy trai ngó chừng
    Bày ra cắt áo, cắt quần,
    Cắt không kích tấc, nhằm chừng cắt ngang
    Vải thời một tấc một quan,
    Cắt thời khoét lỗ khoét hang đâu còn
    Bày ra bánh cục bánh hòn,
    Nắn bằng chiếc đũa, hấp còn bột không

Có cùng từ khóa:

Chú thích

  1. Lạc
    Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.

    Hạt lạc (đậu phộng)

    Hạt lạc (đậu phộng)

  2. Đậu nành
    Một giống đậu rất phổ biến ở nước ta và trên cả thế giới. Hạt đậu nành được sử dụng rất đa dạng, bao gồm dùng trực tiếp (rang, luộc, nấu canh, nấu chè...) hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa...

    Hạt và các sản phẩm từ đậu nành

    Hạt và các sản phẩm từ đậu nành

  3. Sả
    Một loại cỏ cao, sống lâu năm, có mùi thơm như chanh. Tinh dầu sả được dùng để ướp tóc. Thân cây sả có thể làm gia vị.

    Sả

    Sả

  4. Rau húng
    Tên chung cho một số loài rau thuộc họ Bac Hà. Rau húng có nhiều loài, tên gọi mỗi loài thường chỉ mùi đặc trưng hay cách sinh trưởng của cây như húng quế (miền Nam gọi là rau quế) có mùi quế, húng chanh (miền Nam gọi là rau tần dày lá) có mùi tương tự chanh, húng lủi vì cây rau bò sát mặt đất... Ở miền Trung và miền Nam, một số loài húng được gọi tên là é. Rau húng là gia vị đặc sắc và không thể thiếu trong các món ăn dân gian như nộm, dồi, lòng lợn, tiết canh, thịt vịt, phở, bún... Tinh dầu trong lá và ngọn có hoa của một số loại húng được có tác dụng chữa bệnh (ví dụ húng chanh trị ho) hoặc dùng làm nguyên liệu sản xuất hương phẩm. Ở miền Nam, người ta lấy hạt húng quế (hạt é) làm nước uống giải nhiệt.

    Làng Láng thuộc Thăng Long xưa là nơi nổi tiếng với nghề trồng rau húng lủi, gọi là húng Láng.

    Rau húng

    Húng lủi (húng Láng)

  5. Hảo tửu
    Mê rượu (chữ Hán).
  6. Xớ rớ
    Đứng quanh quẩn ở nơi không cần đến mình, hoặc mình chẳng có việc gì ở đó.
  7. Cù lẳng
    Còn gọi là củ lẳng, khu lẳng, đều là khẩu ngữ để chỉ cái giò.
  8. Tía
    Cha, bố (phương ngữ Nam Bộ). Từ này có gốc từ cách phát âm của người Triều Châu khi đọc chữ gia (cha).
  9. Đàm tiếu
    Bàn tán (đàm) và chê cười (tiếu).
  10. Con phe
    Con buôn.
  11. Coóc-xê
    Áo ngực của phụ nữ, cũng phát âm là coọc-xê (từ tiếng Pháp corset).
  12. Gio
    Tro (phát âm của các vùng Bắc Trung Bộ và Bắc Bộ).
  13. Vô hồi
    Không ngừng, không hết, một cách nói của người Nam Bộ (cực vô hồi, mừng rỡ vô hồi...).
  14. Hiền thần
    Người bầy tôi giỏi (trong xã hội phong kiến).
  15. Địch Thanh
    Một danh tướng của nhà Tống trong lịch sử Trung Quốc.

    Địch Thanh

    Địch Thanh

  16. Tào Tháo
    Một nhà quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc, được người Việt Nam biết đến chủ yếu qua tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung, theo đó ông được miêu tả là một người gian hùng và đa nghi. Trong lịch sử, Tào Tháo là người đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở miền Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc, và có công rất lớn trong việc dẹp loạn Khăn Vàng (Huỳnh Cân) và nạn Đổng Trác.

    Tào Tháo

    Tào Tháo

  17. Tôn Ngộ Không
    Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

  18. Tiết Nhơn Quý
    Một danh tướng thời nhà Đường trong lịch sử Trung Quốc. Ông được biết đến nhiều bởi hình tượng nhân vật tiêu biểu trong văn hóa kinh kịch Trung Quốc. Hình ảnh Tiết Nhơn Quý được thần thoại hóa thành "tướng tinh cọp trắng" và có nhiều câu chuyện dân gian xung quanh nhân vật này.

    Ở nước ta, cuốn tiểu thuyết dã sử của Trung Quốc Tiết Nhơn Quý chinh Đông đã được chuyển thể thành vở cải lương cùng tên được nhân dân khá yêu thích. Xem trích đoạn vở cải lương này tại đây.

  19. Cáp Tô Văn
    Tướng tài của nước Cao Ly (bán đảo Triều Tiên ngày nay). Theo chuyện ghi trong bộ tiểu thuyết cổ điển Trung Quốc Tiết Nhơn Quý chinh Đông sau được dựng thành tuồng và cải lương ở nước ta, trong chuyến xuất đại binh chinh phạt của vua Trung Quốc đời Đường là Đường Thái Tông, Cáp Tô Văn đánh bại tất thảy các tướng nhà Đường nhưng cuối cùng thua dưới tay Tiết Nhơn Quý, chặt đầu mình tự vẫn.
  20. Uất Trì Cung
    Một danh tướng thời Đường bên Trung Hoa. Ông họ Uất Trì tên Cung, tên chữ là Kính Đức, nổi tiếng có sức mạnh phi thường, phò tá vua Đường Thái Tông rất trung thành. Hình tượng Uất Trì Cung trong quan niệm dân gian Trung Hoa là một viên tướng mặt đen như than, cùng với Tần Quỳnh (mặt vàng) là hai vị thần giữ cửa (môn thần) trong tín ngưỡng truyền thống.

    Hai vị môn thần, mặt đen là Uất Trì Cung, mặt vàng là Tần Quỳnh.

    Hai vị môn thần, mặt đen là Uất Trì Cung, mặt vàng là Tần Quỳnh.

  21. Tần Thúc Bảo
    Danh tướng nhà Đường dưới thời Đường Thái Tông, là một trong những khai quốc công thần của nhà Đường, được dân gian tôn làm Môn Thần (thần giữ cửa) và được tiểu thuyết hoá trong nhiều tác phẩm văn học và sân khấu-điện ảnh.
  22. La Thông
    Một danh tướng đời Đường trong tiểu thuyết cổ điển của Trung Quốc La Thông tảo Bắc kể việc La Thông kéo quân lên cứu Đường Thái Tông bị vây khốn ở Bắc Phiên. Tiểu thuyết này đã được chuyển thể thành một vở cải lương cùng tên (còn có tên khác là "Công chúa Đồ Lư"), được nhân dân ta, đặc biệt là người miền trong, ưa chuộng. Nhân vật La Thông cũng được nhắc đến trong các vở tuồng cổ Tiết Nhơn Quý chinh ĐôngTiết Đinh San chinh Tây.

    Xem vở cải lương "La Thông tảo Bắc".

  23. Phàn Lê Huê
    Một nữ tướng thời Đường, vợ của Tiết Đinh San, cũng là một danh tướng trong dã sử Trung Quốc. Phàn Lê Huê là nhân vật chính trong nhiều vở tuồng và cải lương biên soạn dựa trên tiểu thuyết Trung Quốc ở nước ta.

    Xem trích đoạn cải lương Phàn Lê Huê phá Hồng thuỷ trận và Tiết Định San cầu Phàn Lê Huê tại đây.

  24. Mang
    Cũng gọi là con mễn hay con mển, một loại hươu nai gặp trong những cánh rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới.

    Con mang

    Con mang

  25. Gông xiềng
    Gông là một dụng cụ làm bằng gỗ hoặc tre, thường là rất nặng, để đeo vào cổ tội nhân ngày trước. Xiềng là sợi xích lớn có vòng sắt ở hai đầu để khoá chân tay người tù. Gông xiềng vì thế thường được dùng để chỉ ách nô lệ.

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

    Tù nhân đeo gông dưới thời Pháp thuộc

  26. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  27. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  28. Bảo Đại
    (1913-1997) Hoàng đế thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta, đồng thời cũng là quốc trưởng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam (3/1945) và Quốc gia Việt Nam (7/1949). Ông sinh tại Huế, là con vua Khải Định, có tên huý là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông có một câu nói nổi tiếng khi chính thức thoái vị và trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho cách mạng vào ngày 23 tháng 8 năm 1945: Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Cuối đời ông sống lưu vong tại Pháp và qua đời trong lặng lẽ vào ngày 31 tháng 7 năm 1997, thọ 85 tuổi.

    Vua Bảo Đại

    Vua Bảo Đại

  29. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  30. Vùa
    Một loại đồ đựng bằng sành hoặc đất nung. Ở một số địa phương Nam Bộ, người ta cũng gọi cái gáo (dừa) múc nước là vùa.

    Từ này cũng được phát âm thành dùa.

  31. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  32. Lồng mốt, lồng hai
    Có nơi gọi là "long mốt, long hai," hai kiểu đan nan tre hoặc mây. "Lồng mốt" hay "lồng một" là cách đan lồng từng sợi nan lẻ, dùng để đan các loại rổ rá thưa, lớn. Lồng hai (còn gọi là lồng đôi) là cách đan lồng từng cặp sợi nan, để đan rổ nhỏ, nan khít. Đan lồng mốt đòi hỏi kĩ thuật cao hơn đan lồng hai.

    Đan lồng mốt (trái) và lồng hai

    Đan lồng mốt (trái) và lồng hai

  33. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  34. Le Mur
    Pháp âm là "lơ-muya," một kiểu áo dài cách tân do họa sĩ Cát Tường (nghệ danh là Le Mur Cát Tường) tung ra vào những năm 1930. Áo Le Mur lấy cảm hứng từ chiếc váy của phương Tây với nối vai, tay phồng, cổ lá sen..., đặc biệt những màu thâm, nâu, đen của áo dài truyền thống được thay bằng màu sắc sặc sỡ, tương sáng mặc kết hợp với quần trắng. Sau khi thịnh hành một vài năm, đến năm 1934, họa sĩ Lê Phổ cải tiến kiểu áo theo cách dung hòa giữa váy phương Tây với áo tứ thân truyền thống (gọi là áo "Lê Phổ"), áo Le Mur bớt phổ biến dần.

    Đám cưới họa sĩ Cát Tường, Bắc Ninh 1936. Chú rể đứng phía trái, đang giang hai tay. Cô dâu Nguyễn Thị Nội mặc áo trắng, đi bên cạnh phù dâu, đều mặc áo Le Mur.

    Đám cưới họa sĩ Cát Tường, Bắc Ninh 1936. Chú rể đứng phía trái, đang giang hai tay. Cô dâu Nguyễn Thị Nội mặc áo trắng, đi bên cạnh phù dâu, đều mặc áo Le Mur.

  35. Bóp phơi
    Cũng đọc trại thành bóp (bót) tơ phơi, từ chữ tiếng Pháp portefeuille, nghĩa là cái ví tiền. Đây cũng là gốc của từ "bóp," được dùng nhiều ở miền Nam.
  36. Ô cánh dơi
    Ô (dù) hình khum, những múi ô khi mở ra trông giống cánh con dơi căng ra, xưa kia nam giới thường dùng.
  37. Hồi đó, ngay tại thủ đô Huế, nơi có triều đình Việt Nam và Toà Khâm Sứ Pháp, một số các cô tân thời hay mặc "mốt" áo Le Mur. Dân Huế do đó mà có bài vè này.
  38. Chó chực chuồng chồ
    Chỉ sự đê tiện, nhục nhã vì miếng ăn.
  39. Chó ông thánh cắn ra chữ
    Thơm lây, có uy tín nhờ người khác.
  40. Pháo
    Một loại đồ chơi dân gian, gồm thuốc nổ (thuốc pháo) bỏ trong vỏ giấy dày hay tre quấn chặt để khi đốt nổ thành tiếng to trong các lễ hội như ngày Tết, đám cưới... Người xưa tin rằng tiếng nổ của pháo có thể xua ma quỷ. Ở một số vùng quê ngày trước cũng tổ chức hội pháo, như hội pháo Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây), hội pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Trước đây, ngày Tết gắn liền với:

    Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
    Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

    Năm 1994, chính phủ Việt Nam ra chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo để ngăn ngừa các tai nạn xảy ra do pháo, tuy nhiên nhắc đến Tết người dân vẫn nhớ đến tràng pháo. Những năm gần đây trên thị trường còn xuất hiện loại pháo điện tử, phát ra tiếng kêu như pháo nổ.

    Pháo

    Pháo

  41. Chó chạy ruộng khoai
    Lông bông, không mục đích.
  42. Chó ăn vã mắm
    Chỉ sự chửi bới, tranh giành nhau.
  43. Giậu
    Tấm tre nứa đan hoặc hàng cây nhỏ và rậm để ngăn sân vườn.

    Hàng giậu tre

    Hàng giậu tre