Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bài chòi
    Một loại hình trò chơi dân gian và nghệ thuật độc đáo ở miền Trung, được tổ chức hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán. Người ta dựng 9-11 chòi trên một bãi đất trống. Bộ bài để đánh bài chòi gồm 33 lá, với những cái tên nôm na như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ông Ầm, Sáu Ghe, Bảy Liễu... vẽ trên giấy, dán vào thẻ tre. Vào cuộc chơi, anh hiệu (tức người hô thai) xóc ống bài, rút ra một con và xướng tên con bài lên. Để gây thêm sự hồi hộp và bắt người chơi phải suy đoán, anh hiệu hô lên một câu thai hoặc một câu ca dao có tên con bài. Chòi nào trúng tên con bài thì gõ mõ để anh hiệu mang con bài đến. Trúng ba con bài là chòi đó “tới.”

    Một buổi hát bài chòi

    Một buổi hát bài chòi

    Xem hát bài chòi ở Hội An.

  2. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Ngũ Rún.
  3. Hương
    Tên gọi chung của một số chức tước ở cấp xã dưới thời Nguyễn, ví dụ hương chánh làm nhiệm vụ thu thuế, chi xuất, phân công sai phái, hương quản chuyên trách giữ gìn an ninh trật tự, kiểm tra nhân khẩu, hương thân làm nhiệm vụ giáo hóa thuần phong mỹ tục...
  4. Lí trưởng
    Tên một chức quan đứng đầu làng (: làng, trưởng: đứng đầu), bắt đầu có từ đời Minh Mệnh nhà Nguyễn.
  5. Lương
    Người không theo Công giáo. Thời cấm đạo, vua quan chia dân chúng thành hai thành phần. Những người theo Đạo Khổng, Đạo Phật, Đạo Lão hay những người theo tín ngưỡng thờ cúng ông bà, được gọi là lương dân (người dân tốt). Những người Công giáo bị gọi là dửu dân (dân cỏ dại) hay tả đạo.
  6. Công điền
    Ruộng chung (chữ Hán).
  7. Sào
    Một đơn vị đo diện tích cũ ở nước ta trước đây. Tùy theo vùng miền mà sào có kích thước khác nhau. Một sào ở Bắc Bộ là 360 m2, ở Trung Bộ là 500 m2, còn ở Nam Bộ là 1000 m2.
  8. So
    Cái ống đựng đũa, thường làm bằng tre.
  9. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tám Dây.
  10. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  11. Bẻ cò
    Bẻ gập lại thành từng khúc để đếm (mỗi khúc là một lần).
  12. Ve
    Cái ly (phiên âm từ danh từ tiếng Pháp "le verre"), còn được hiểu là chai nhỏ, lọ nhỏ.
  13. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  14. Bấc
    Sợi vải tết lại, dùng để thắp đèn dầu hoặc nến. Ở một số vùng quê, bấc còn được tết từ sợi bông gòn. Hành động đẩy bấc cao lên để đèn cháy sáng hơn gọi là khêu bấc.

    Đèn dầu

    Đèn dầu

  15. Tiền
    Năm 1439, vua Lê Thánh Tông quy định: 1 quan = 10 tiền = 600 đồng, gọi là tiền tốt hoặc tiền quý (quy định này ổn định cho đến năm 1945). Khoảng thế kỉ 18, trong dân gian xuất hiện cách tính tiền gián, mỗi quan tiền gián chỉ gồm 360 đồng.
  16. Rế
    Vật dụng làm bếp, thường đan bằng tre nứa, hình tròn, để đỡ nồi chảo cho khỏi bỏng và dơ tay.

    Đan rế

    Đan rế

  17. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  18. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  19. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  20. Chộ
    Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  21. Rồng
    Một loài linh vật trong văn hóa Trung Hoa và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. Rồng được coi là đứng đầu tứ linh, biểu tượng cho sức mạnh phi thường. Dưới thời phong kiến, rồng còn là biểu tượng của vua chúa. Hình ảnh rồng được gặp ở hầu hết các công trình có ý nghĩa về tâm linh như đình chùa, miếu mạo. Dân tộc ta tự xem mình là con Rồng cháu Tiên, và hình ảnh rồng trong văn hóa Việt Nam cũng khác so với Trung Hoa.

    Rồng thời Lý

    Rồng thời Lý

  22. Truyện Kiều
    Tên gọi phổ biến của tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh gồm 3.254 câu thơ lục bát của đại thi hào Nguyễn Du. Nội dung chính của truyện dựa theo tác phẩm Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân, Trung Quốc, xoay quanh quãng đời lưu lạc sau khi bán mình chuộc cha của Thúy Kiều.

    Truyện Kiều có ảnh hưởng rất lớn đối với nền văn hóa nước ta. Đối đáp bằng những ngôn từ, lời lẽ trong truyện Kiều cũng đã trở thành một hình thức sinh hoạt văn hóa của một số cộng đồng người Việt như lẩy Kiều, trò Kiều, vịnh Kiều, tranh Kiều, bói Kiều... Một số tên nhân vật, địa danh và các chi tiết trong Truyện Kiều cũng đã đi vào cuộc sống: Sở Khanh, Tú Bà, Hoạn Thư, chết đứng như Từ Hải...

  23. Đây là hai câu 791 và 792 trong Truyện Kiều:

    Phẩm tiên rơi đến tay hèn,
    Hoài công nắng giữ mưa gìn với ai:
    Biết thân đến bước lạc loài,
    Nhị đào thà bẻ cho người tình chung.
    Vì ai ngăn đón gió đông,
    Thiệt lòng khi ở đau lòng khi đi.

    Đây là lúc Kiều quyết định bán mình chuộc cha.

  24. Hai chữ Kim Trọng 金重 nếu ghép lại thì thành chữ chung 鍾, ý nói chung tình. Lưu ý, ở đây tác giả dân gian đã mượn hiện tượng đồng âm vì thực chất chữ chung 鍾 này có nghĩa là cái chuông, còn chữ chung với nghĩa chỉ sự chung tình, chung thủy thì là 終.
  25. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  26. Ngụ cư
    (Người) từ nơi khác đến và sinh sống ở nơi không phải là quê hương của mình.
  27. Chánh chi
    Những chi họ định cư chính thức lâu đời tại một làng, một địa bàn nào đó, để phân biệt với dân ngụ cư là những người mới đến lập nghiệp.
  28. Răng chừ
    Bao giờ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  29. Từ biểu thị ý như muốn hỏi nhưng thật ra là để khẳng định rằng: không có lẽ nào lại như thế (từ cũ).

    Bờ cõi xưa đà chia đất khác
    Nắng sương nay há đội trời chung

    (Ngóng gió đông - Nguyễn Đình Chiểu)

  30. Rái
    Sợ hãi, e ngại. Có chỗ đọc là dái.
  31. Nghinh Tiên
    Một làng nay thuộc xã Nguyệt Đức, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Làng nổi tiếng có nghề bện, vặn thừng.
  32. Thừng
    Dây thừng. Loại dây to và chắc, thường được bện bằng đay hay gai, dùng để buộc.
  33. Trung Nguyên
    Một làng nay thuộc xã Trung Nguyên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Trước kia làng nổi tiếng có nghề đan thúng.
  34. Mủng
    Cái thúng (phương ngữ Trung Bộ).
  35. Hai làng Nghinh Tiên và Trung Nguyên ngày xưa có kết nghĩa với nhau (theo Địa chí Vĩnh Phúc, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2012).
  36. Phải dè
    Biết vậy thì... (phương ngữ Nam Bộ).
  37. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  38. Rặc
    (Nước) Cạn, kiệt.
  39. Sông Bùng
    Tên một con sông bắt nguồn từ xã Minh Thành, huyện Yên Thành, chảy qua thị trấn Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

    Sông Bùng

    Vẻ đẹp sông Bùng

  40. Hai Vai
    Còn có tên là lèn Dặm hoặc núi Di Lĩnh, một ngọn núi đá vôi (lèn) nằm giáp ranh giữa 3 xã Diễn Bình, Diễn Minh, Diễn Thắng của huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Lèn Hai Vai có chiều dài 800m, nơi rộng nhất 120m, nơi cao nhất 141m. Theo truyền thuyết, ông Đùng đánh giặc ngoại xâm đã đứng từ trên cao ném đá vào quân thù, tạo ra lèn Hai Vai, lèn Cờ, và lèn Trống.

    Lèn Hai Vai

    Lèn Hai Vai

  41. Trúc
    Trốc, đổ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  42. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  43. Luồng
    Cũng gọi là mét, một giống tre có giá trị kinh tế cao, thường được dùng làm nhà, đóng bè mảng, đan lát, làm đũa, làm mĩ nghệ, làm than... Tre có thể bóc mỏng như kiểu bóc gỗ, măng rất ngon. Ở nước ta tre luồng chủ yếu có ở Thanh Hóa, nơi hiện nay có nghề trồng và thu mua tre luồng làm nguyên liệu phục vụ cho sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

    Sản xuất than tre luồng

    Sản xuất than tre luồng