Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  2. Lu
    Mờ, không thấy rõ. Lu li: hơi mờ, mờ mờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  3. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  4. Con đĩ đánh bồng
    Cũng gọi là múa bồng, một trong những điệu múa cổ nhất của Thăng Long xưa, do đàn ông giả gái biểu diễn. Người múa vừa dùng hai tay đánh vào hai bên trống và nhảy múa uốn éo vừa phải thể hiện sự lẳng lơ, ve vãn những thanh niên rước kiệu nhằm gây tiếng cười thoải mái, tạo sự chú ý cho người khác. Điệu múa này nay vẫn được biểu diễn trong các lễ hội cổ truyền.

    Múa bồng

    Múa bồng

    Xem một điệu múa bồng trên YouTube.

  5. Phú Phong
    Một địa danh nay là thị trấn huyện lỵ huyện Tây Sơn, nằm về phía tây của tỉnh Bình Định, từ xưa đã nổi tiếng với nghề ươm tơ dệt lụa.
  6. Phú Lạc
    Tên một làng nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Xưa là làng thuộc Kiên Thanh, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn. Đây là quê hương của người anh hùng Mai Xuân Thưởng, một sĩ phu và lãnh tụ phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ 19 ở Bình Định.
  7. Mai Xuân Thưởng
    Một sĩ phu và lãnh tụ phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ 19 ở Bình Định. Ông sinh năm 1860 tại thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Năm 1885 ông hưởng ứng chiếu Cần Vương, trở về quê Phú Lạc chiêu mộ nghĩa sĩ, lập căn cứ chiến đấu, đến năm 1887 thì cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị giặc bắt và xử trảm tại Gò Chàm (phía đông thành Bình Định cũ). Thi hài ông sau đó được đưa về táng tại Cây Muồng (nơi cha ông đã yên nghỉ), thuộc thôn Phú Lạc.

    Do từng đậu cử nhân và là con thứ bảy trong gia đình, ông còn có tục danh là ông Bảy Cử.

    Lăng Mai Xuân Thưởng

    Lăng Mai Xuân Thưởng

  8. Có bản chép: Dẫu ngay không hái.
  9. Có bản chép: người.
  10. Khá
    Đỡ, thuyên giảm bệnh tình (phương ngữ).
  11. Xông
    Cách trị bệnh cảm cúm trong dân gian, dùng các loại lá chứa tinh dầu như lá bưởi, cúc tần, hương nhu, ngải cứu, tía tô, kinh giới, bạc hà, lá sả, lá tre, lá chanh... để nấu nước xông. Đặt nồi nước xông trên giường, người bệnh trùm kín chăn ngồi xông từ 10 - 15 phút. Khi xông, hơi nước nóng kích thích tuyến mồ hôi hoạt động, đào thải các chất độc trong cơ thể ra ngoài. Tinh dầu trong các loại thảo dược theo hơi nước qua niêm mạc mắt, mũi, tai, da, làm thông các ống dẫn mắt, mũi, tai và các xoang giúp giảm đau, chống viêm, bớt đau đầu, chóng mặt.
  12. Ri
    Thế này (phương ngữ Trung Bộ).
  13. Chặm
    Thấm từng tí cho khô (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  14. Lú lẫn, ngu dại.
  15. Tri phủ
    Chức quan đứng đầu một phủ hoặc châu (tương đương với một huyện nhưng có vị trí quan trọng hơn), có quyền cao nhất cả về dân sự lẫn quân sự trong địa hạt đó.
  16. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương

  17. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  18. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  19. Dặm
    Đơn vị đo chiều dài được dùng ở Việt Nam và Trung Quốc ngày trước. Một dặm dài 400-600 m (tùy theo nguồn).
  20. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Khoai hà
    Khoai bị bệnh đốm đen, khi luộc không mềm, vị đắng không ăn được, còn gọi là khoai rím.
  22. Sùng
    Bị sâu, bị thối. Sùng cũng có nghĩa là sâu.
  23. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  24. Vàm Nao
    Tên một con sông tại tỉnh An Giang, nối sông Tiền với sông Hậu. Theo học giả Vương Hồng Sển, sông này "đứng làm ranh giới giữa Long Xuyên và Châu Đốc, chảy dọc theo làng Hòa Hảo... Vì nước chảy như cắt, sóng to, xoáy tròn khu ốc, nên gọi là Hồi Oa, nôm gọi là Vàm Nao, do tiếng Cơ Me (Khmer) là 'pãm pênk nàv'."
  25. Cá đao
    Loại cá biển rất dữ tợn thuộc họ cá đuối, trên mõm có một mũi sụn kéo dài, hai bên có nhiều răng nhọn, nhìn như thanh đao.

    Cá đao

    Cá đao

  26. Sông Vàm Nao trước đây từng mệnh danh là ổ cá mập, cá đao. Có người nói do Vàm Nao có lòng chảo sâu ăn thông với biển nên lâu lâu có cá mập, cá đao bơi lạc vào. Theo sách Tân Châu xưa (tác giả Huỳnh Minh và Nguyễn Văn Kiềm), năm 1819, Thoại Ngọc Hầu cho đào kinh Vĩnh Tế, dân phu ngán rừng thiêng nước độc đã bỏ trốn, chạy tới Vàm Nao, gặp sông nên đốn cây chuối ôm bơi qua, nhưng tới giữa dòng thì bị nước xoáy cuốn chìm, cá mập lao tới xâu xé, ăn thịt.
  27. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  28. Ba Thắc
    Tên của một địa danh ở miền Nam, xuất phát từ chữ Bassac trong tiếng Khmer. Hiện có ba cách giải thích về địa danh này:

    1. Vùng đất ngày xưa thuộc địa phận của Campuchia, người Khmer gọi là Srok Bassac. Vùng đất này kéo dài từ Châu Đốc xuống Cà Mau hiện nay.
    2. Tên gọi khác của sông Hậu (người Khmer gọi là Tonlé Bassac).
    3. Tên gọi một trong ba cửa biển của sông Hậu, bao gồm Tranh Đề, Định An và Ba Thắc. Cửa Ba Thắc đã bị đất bồi từ khoảng thập niên 1970 nên không còn nữa.

  29. Vải the
    Loại vải dệt bằng tơ nhỏ sợi, mỏng, thưa, không bóng, thời trước thường được dùng may áo dài khoặc khăn, màn.

    Áo the, khăn đóng

    Áo the, khăn đóng

  30. Đụp
    Vá chồng lên nhiều lớp.
  31. Nhơn Ái
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Phong Điền, tỉnh Cần Thơ.
  32. Long Xuyên
    Địa danh nay là một thành phố thuộc tỉnh An Giang. Tiền thân của thành phố này là phủ Đông Xuyên, một đồn nhỏ bên vàm sông Tam Khê (tức rạch Long Xuyên) - được thành lập năm 1789. Hiện nay Long Xuyên cũng là một điểm đến du lịch của tỉnh, tuy không nổi tiếng bằng thị xã Châu Đốc.

    Long Xuyên

    Long Xuyên

  33. Theo nhà văn Sơn Nam: Trai Nhơn Ái giỏi nghề đóng tam bản, ghe hầu. Gái Long Xuyên giỏi khắp miền với bánh trái, thêu thùa, may vá (Lịch sử An Giang, Nxb TH An Giang, 1988).
  34. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  35. Trống chầu
    Loại trống lớn thường được đặt trên giá gỗ, đánh bằng dùi lớn trong các buổi hát bội, lễ hội đình chùa. Lưu ý: phân biệt với loại trống chầu gõ trong các buổi hát ả đào ở miền Bắc.

    Trống chầu

    Trống chầu

  36. Múa bông
    Cũng gọi là múa bài bông, một cách múa trong lễ lên đồng, trong đó người múa (con hát) đeo trên vai hai ngọn đèn làm hình hoa sen thắp lên rồi vừa múa vừa tiến lui ngang dọc.

    Một thằng đầu trọc ngồi khua mõ
    Hai ả tròn xoe đứng múa bông

    (Ông sư và mấy ả lên đồng - Tú Xương)

  37. Tâu rỗi
    Tâu gởi mà cứu ai, hoặc cho ai khỏi chết. (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của)
  38. Xa
    Đồ dùng để kéo sợi dệt vải.