Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  2. Quạch
    Còn gọi là dây mấu, một loài dây leo mọc hoang thuộc họ đậu, thân gỗ, có hoa màu đỏ, lá có hình tương tự móng bò. Dân ta dùng vỏ cây quạch để ăn kèm với trầu hoặc làm thuốc nhuộm đen.

    Dây quạch

    Dây quạch

  3. Thuốc lào
    Theo học giả Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữĐồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo (cỏ nhớ thương), vì người nghiện thuốc lào mà hai, ba ngày không được hút thì trong người luôn cảm thấy bứt rứt khó chịu, trong đầu luôn luôn nghĩ đến một hơi thuốc, giống như nhớ người yêu lâu ngày không gặp. Thời xưa, ngoài "miếng trầu là đầu câu chuyện," thuốc lào cũng được đem ra để mời khách. Hút thuốc lào (cũng gọi là ăn thuốc lào) cần có công cụ riêng gọi là điếu.

    Thuốc lào thường được đóng thành bánh để lưu trữ, gọi là bánh thuốc lào.

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

    Hút thuốc lào bằng ống điếu

  4. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  5. Miệt vườn
    Tên gọi chung cho khu vực nằm trên những dải đất giồng phù sa dọc theo hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang tại đồng bằng sông Cửu Long. "Miệt" là phương ngữ Nam Bộ chỉ vùng, miền. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, miệt vườn bao gồm các tỉnh Tiền Giang, Gò Công, Trà Vinh, Sa Đéc, Vĩnh Long, một phần của tỉnh Cần Thơ và một phần của tỉnh Đồng Tháp. Ngành nông nghiệp chính trên những vùng đất này là lập vườn trồng cây ăn trái.  Đất đai miệt vườn là phù sa pha cát màu mỡ, sạch phèn, lại không bị ảnh hưởng của lũ lụt và nước mặn. Do vậy, miệt vuờn được coi là khu vực đất lành chim đậu, có nhiều tỉnh lị phồn thịnh, sầm uất. Nhiều loại trái cây ngon của miệt vuờn đã trở nên nổi tiếng, gắn liền với địa danh như xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), quýt Lai Vung (Đồng Tháp), vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), ...

    Quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

    Quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

  6. Dưa hồng
    Dưa hấu non. Gọi vậy vì dưa hấu non có ruột màu hồng nhạt (hường) chứ chưa đỏ như khi dưa chín.
  7. Gió độc Gò Công
    Một tên gọi dân gian của trận bão năm Giáp Thìn (1904).
  8. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  9. Quýt
    Một loại cây thân gỗ. Quả hình cầu hơi dẹt, màu xanh, vàng da cam hay đỏ, vỏ mỏng, nhẵn hay hơi sần sùi, không dính với múi nên dễ bóc; cơm quả dịu, thơm, ăn có vị ngọt; hạt trắng xanh. Hoa, lá, vỏ, xơ và múi quýt cũng là những vị thuộc dân gian.

    Quả quýt

    Quả quýt

  10. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  11. Toóc
    Rạ (phương ngữ miền Trung).
  12. Son
    Màu đỏ.
  13. Công hầu
    Công và hầu, nghĩa gốc là hai chức lớn trong triều đình phong kiến, nghĩa rộng là chức tước, đỗ đạt.

    Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai
    Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế thế thời phải thế

    (Đôi câu đối của Đặng Trần Thường và Ngô Thì Nhậm)

  14. Tày
    Bằng (từ cổ).
  15. Liếp
    Tấm mỏng đan bằng tre nứa, dùng để che chắn.

    Tấm liếp

    Tấm liếp

  16. Núi, rừng nói chung (phương ngữ Trung Bộ).
  17. Hoành Sơn
    Tên một dãy núi ở phía nam tỉnh Hà Tĩnh, phía bắc tỉnh Quảng Bình. Hoành Sơn và sông Gianh là biểu trưng lịch sử, văn hoá, địa lý của tỉnh Quảng Bình. Thế kỷ 17, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã nói với sứ của chúa Nguyễn Hoàng "Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân," nghĩa là "một dải Hoành Sơn có thể dung thân đời đời." Nguyễn Hoàng đã vượt Hoành Sơn vào đến Thuận Hóa và dựng nên nghiệp lớn của các chúa NguyễnĐàng Trong và nhà Nguyễn sau này.

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

    Đèo Ngang thuộc dãy Hoành Sơn

  18. Bàn Độ
    Tên một ngọn núi ở địa phận xã Đỗ Chữ về phía bắc huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Núi nằm giáp biển, trên núi có đầm, gọi là đầm Thủy Tiên, tương truyền nước có tiên nữ trong đầm đi ra. Đời Trần, vua Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành, khi thuyền qua đây bị sóng gió không tiến được, phải đem người cung nữ là Nguyễn Bích Châu đặt lên cái mâm đồng dâng cho thủy thần, bấy giờ thuyền mới đi được, nên gọi tên là núi Bàn Độ.
  19. Chợ Voi
    Tên cái chợ nay thuộc xã Kỳ Phong, Huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
  20. Vóc
    Thơm ngon (từ gốc Hán).
  21. Công đường
    Nơi quan trường dưới chế độ phong kiến. Người Nam Bộ cũng gọi chữ này là công đàng.
  22. Vênh
    Cong lên một bên.
  23. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).