Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bộ Binh
    Một trong sáu cơ quan hành chính thời phong kiến (lục bộ) tương đương với cấp bộ ngày nay. Bộ Binh giữ việc binh nhung, quân cấm vệ, xe ngựa, đồ nghi trượng, khí giới, giữ việc biên giới, lính thú, nhà trạm, phố xá, nơi hiểm yếu, việc khẩn cấp, tuyển dụng chức võ.
  2. Bộ Hộ
    Một trong sáu cơ quan hành chính thời phong kiến (lục bộ) tương đương với cấp bộ ngày nay. Bộ Hộ tùy theo triều đại mà giữ các việc ruộng đất, nhân khẩu, kho tàng, thu phát, bổng lộc, đồ cống nạp, thuế khoá, muối và sắt, chính sách điền thổ, hộ khẩu, tiền thóc, điều hòa nguồn của cải nhà nước. Đứng đầu bộ Hộ là Thượng thư bộ Hộ.
  3. Bộ Hình
    Một trong sáu cơ quan hành chính thời phong kiến (lục bộ) tương đương với cấp bộ ngày nay. Bộ Hình giữ việc luật lệnh, hình phạt án tù, ngục tụng và xét xử người phạm tội ngũ hình. Đứng đầu bộ Hình là Thượng thư bộ Hình.
  4. Mắm
    Một loại cây rừng ngập mặn, gặp rất nhiều ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Có bốn loại mắm: mắm lưỡi đồng, mắm đen, mắm ổi, mắm quăn. Tuy có giá trị kinh tế không đáng kể, mắm cùng các loại cây khác như bần, đước... giữ một vai trò rất quan trọng trong việc giữ đất, lấn biển.

    Cây mắm

    Cây mắm

  5. Đước
    Một loại cây rất thường gặp ở miền Tây Nam Bộ. Cây đước mọc thành rừng ở các vùng bờ biển bùn lầy, có bộ rễ rất lớn gồm một rễ cọc và rất nhiều rễ phụ đâm sâu xuống, giúp cây bám chặt lấy đất. Rừng đước ngập mặn có một vai trò rất lớn trong việc chống xói lở đất, giữ phù sa, cải tạo đất, đồng thời là môi trường sinh thái cho nhiều loài động vật nhỏ khác.

    Rừng đước

    Rừng đước

  6. Tràm
    Một loại cây mọc hoang thành rừng ở đồi núi và vùng ngập mặn. Ở nước ta, Cà Mau nổi tiếng là xứ nhiều tràm. Tràm thường được dùng lấy gỗ hoặc cất tinh dầu từ hoa và lá.

    Rừng tràm ở Long An

    Rừng tràm ở Long An

  7. Dừa nước
    Một loài cây thuộc họ Cau, thân mọc ngang trong bùn, lá và cuống hoa đâm lên trên, tán lá khá cao và rộng. Dừa nước sinh trưởng rất dễ dàng nơi nước chảy chậm, bùn lầy phù sa: hạt dừa nước già trôi nổi theo thủy triều, có khi nảy mầm ngay trong nước, mọc thành cây khi dạt vào bùn. Người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nước ta rất quen thuộc với loài cây này vì gần như ở ven bờ kênh rạch nào, dừa nước cũng mọc thành hàng rậm rạp; hơn nữa lá dừa nước là vật liệu chính để lợp nhà tại đây. Tuy trái và mật cuống hoa dừa nước chứa nhiều dinh dưỡng, nhưng người dân nước ta chưa chú ý đến nguồn lợi này.

    Hái trái dừa nước ở Bến Tre.

    Hái trái dừa nước ở Bến Tre.

  8. Bài ca dao này tả lại quá trình lấn biển tự nhiên gắn liền với sự hình thành làng xóm ở vùng đồng bằng ven biển Nam Bộ nước ta. Ban đầu, ở bờ biển, cây mắm và cây đước giữ lại phù sa, mọc lấn dần ra biển. Nước nơi cửa sông dần dần bớt mặn vì biển lùi xa và nhờ khả năng lọc nước của cây đước, cây tràm từ từ mọc tạo thành rừng. Đến lúc nước sông đã đủ ngọt, đất thuần, cây dừa nước có thể mọc được, xóm làng mới hình thành. Nhà văn Bình Nguyên Lộc đã kể lại quá trình mở đất này thông qua câu chuyện về một gia đình đi khai hoang trong truyện ngắn Rừng Mắm, tập truyện Ký Thác:

    "Bờ biển nầy mỗi năm được phù sa bồi thêm cho rộng ra hàng mấy ngàn thước. Phù sa là đất bùn mềm lủn và không bao giờ thành đất thịt được để ta hưởng nếu không có rừng mắm mọc trên đó cho chắc đất. Một khi kia cây mắm sẽ ngã rạp. Giống tràm lại nối ngôi mắm. Rồi sau mấy đời tràm, đất sẽ thuần, cây ăn trái mới mọc được."

  9. Truyền thuyết kể rằng đây là lời Âu Cơ nói với Lạc Long Quân khi chia 50 con theo cha xuống biển, 50 con theo mẹ lên núi.
  10. Nạ
    Mẹ. Theo học giả An Chi, đây là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn từ chữ 女 (nữ).
  11. Nâu sồng
    Màu được nhuộm từ củ nâu và lá của cây sồng; dùng để chỉ quần áo của nhà chùa hay của người dân quê miền Bắc thường mặc.

    Áo nâu sồng

    Áo nâu sồng

  12. Đoái
    Nghĩ tới, nhớ tới.
  13. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  14. Hét
    Một giống chim lông đen giống chim sáo nhưng to hơn.
  15. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  16. Thiên Thai
    Một dãy núi gồm chín ngọn núi liền nhau (ngọn cao nhất cao 150 mét) tạo thành hình rồng lượn, nằm bên bờ sông Đuống, về phía tây bắc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Trên núi có nhiều đền chùa, từ xưa đã là một thắng cảnh.

    Trên núi Thiên Thai
    Trong chùa Bút Tháp
    Giữa huyện Lang Tài
    Gửi về may áo cho ai?
    (Bên kia sông Đuống - Hoàng Cầm)

  17. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  18. Ngô đồng
    Một loại cây gỗ rất cao (có thể hơn 17 mét), thân lớn (khoảng nửa mét), vỏ màu lục xám hoặc nâu xám (khi già), rụng lá vào mùa thu. Gỗ ngô đồng rất nhẹ, màu trắng vàng, có vân, thường dùng làm nhạc cụ. Ngô đồng đóng vai trò quan trọng trong văn hóa Trung Hoa và các nước đồng văn (Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam), thường được đề cập trong thơ ca. Tương truyền chim phượng hoàng luôn chọn đậu trên cành ngô đồng.

    Ô hay buồn vương cây ngô đồng
    Vàng rơi! Vàng rơi: Thu mênh mông

    (Tì bà - Bích Khê).

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

    Ngô đồng trong Đại Nội ở Huế.

  19. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  20. Quan niệm của người Bình Định trong xây dựng.
  21. Đê
    Một lũy đất nhân tạo hay tự nhiên kéo dài dọc theo các bờ sông hoặc bờ biển để ngăn lũ lụt.

    Đường đê

    Đường đê

  22. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý