Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Rau má
    Một loại cây thân thảo ngắn ngày, thường được trồng để ăn tươi hoăc sắc lấy nước uống. Nước rau má có tác dụng giải độc, hạ huyết áp, làm mát cơ thể. Lá rau má hình thận, nhỏ bằng đồng xu.

    Rau má

  2. Trừng
    Nổi lên, dâng lên (phương ngữ Bình Định - Phú Yên).
  3. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  4. Làng La
    Tên gọi chung bảy làng ở huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây xưa, nay thuộc quận Hà Đông và huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Bảy làng gồm: La Cả (Ỷ La và La Nội), La Khê, La Du, La Dương, La Phù, La Tinh. Xưa kia bảy làng này đều có nghề dệt cổ truyền. La (羅) theo nghĩa chữ Hán có nghĩa là dệt sợi, đan sợi. Các làng dệt thờ 10 vị tiên sư sống vào thời Lê Trung Hưng từ nơi khác đến cư ngụ và có công cải tiến nâng cao kỹ thuật dệt. Ngoài ra nơi đây còn thờ ông Trần Quý (thế kỷ 19) làm ông tổ nghề dệt gấm.
  5. Yên Lãng
    Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.

    Húng Láng

    Húng Láng

  6. Đình Bảng
    Tên một ngôi làng ở tỉnh Bắc Ninh, xưa là làng Cổ Pháp, có tên Nôm là làng Báng. Đây là quê hương của Lý Thái Tổ – vị vua sáng lập triều Lý, người đã dời đô về Thăng Long-Hà Nội.

    Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô, thờ 8 vị vua nhà Lý.

    Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô, thờ 8 vị vua nhà Lý ở làng Đình Bảng

  7. Bần Yên Nhân
    Gọi tắt là làng Bần, một địa danh nay là thị trấn huyện lị của huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Làng Bần nổi tiếng với tương Bần, loại tương đặc trưng của miền Bắc, được sản xuất từ thế kỉ 19.

    Tương Bần

    Tương Bần

  8. Vạn Vân
    Một thương hiệu nước mắm do doanh nhân Đoàn Đức Ban sáng lập, từng nổi danh toàn xứ Bắc Kỳ dưới thời Pháp thuộc (từ sau năm 1959, đổi tên thành nước mắm Cát Hải cho đến nay) và ở giai đoạn hưng thịnh giữa những năm 1930 được xem là cơ sở sản xuất nước mắm lớn nhất Việt Nam cũng như Đông Dương (năm 1939 bắt đầu mở đại lí tại Paris, Pháp). Ông Đoàn Đức Ban đã khôn ngoan sử dụng tên của làng Vân, một làng quê Kinh Bắc từ xưa nổi tiếng về nghề làm rượu và nước mắm, để làm thương hiệu cho sản phẩm của mình, nhờ vậy đã chiếm được lòng tin của toàn miền Bắc và đạt được thành công lớn.

    Doanh nhân Đoàn Đức Ban cũng chính là thân phụ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, tác giả của nhiều những ca khúc tiền chiến bất hủ: Tình nghệ sĩ, Lá thư, Đường về Việt Bắc, Tà áo xanh, Gửi gió cho mây ngàn bay...

    Ông Đoàn Đức Ban

    Ông Đoàn Đức Ban

  9. Đến nay vẫn còn tranh cãi về hai chữ "Vạn Vân" được nhắc đến trong câu này. Nếu viết hoa chữ "Vạn" thì đây là thương hiệu nước mắm Vạn Vân. Nếu viết thường thì có lẽ câu này muốn chỉ làng Vân (vạn nghĩa là làng chài).
  10. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  11. Đầm Sét
    Một cái đầm lớn thuộc địa phận làng Sét, tên chữ là Thịnh Liệt, còn có tên là Giáp Nhị - quê hương của Tể tướng Bùi Huy Bích cuối thời vua Lê - chúa Trịnh. Cá rô ở đầm Sét, cùng với sâm cầm ở hồ Tây, là một trong những sản vật của Thăng Long-Hà Nội xưa.
  12. Tiện
    Gọt vòng quanh cho đứt hoặc tạo thành khía.
  13. Trai (gái) tơ
    Trai gái mới lớn, chưa có vợ có chồng.
  14. Bể
    Biển (từ cũ).
  15. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  16. Lý qua cầu
    Tên một điệu lý (một thể loại dân ca) rất phổ biến ở Nam Bộ. Đây chính là bài lý được nhắc đến trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Bế Kiến Quốc, đã được nhạc sĩ Trần Tiến phổ nhạc thành bài hát Ngẫu hứng lý qua cầu.

    Nghe ca sĩ Hương Lan trình bày một bản Lý qua cầu.

  17. Ninh Quới
    Một xã nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
  18. Quao
    Loại cây mọc hoang ven sông rạch, thân gỗ xốp, to lớn, vỏ có gai nhỏ, trái to bằng ngón tay cái, có hình sừng trâu. Nhựa quao dùng làm chất nhuộm vải, ruột dùng làm guốc mộc hay làm chất đốt. Lá, rễ, hoa, quả được dùng làm vị thuốc Đông y.

    Trái quao

    Trái quao

  19. Đàng Trong
    Cũng gọi là Nam Hà, một khái niệm bắt nguồn từ thời Trịnh-Nguyễn phân tranh vào thế kỷ 17, chỉ phần lãnh thổ Đại Việt từ sông Gianh trở vào Nam, do chúa Nguyễn kiểm soát. Đàng Trong chấm dứt sự tồn tại của nó trong lịch sử từ năm 1786, khi phong trào Tây Sơn lật đổ chế độ Vua Lê-Chúa Trịnh.

    Xứ Đàng Trong (Cochinchine) với quần đảo Hoàng Sa (Isles Pracel), trong bản đồ của Joachim Ottens, năm 1710

    Xứ Đàng Trong (Cochinchine) với quần đảo Hoàng Sa (Isles Pracel), trong bản đồ của Joachim Ottens, năm 1710

  20. Có bản chép: Bởi anh hàng trứng hóa ra hai lòng.
  21. Hà Trung
    Tên cũ là Tống Sơn, một huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa.
  22. Từ Thức
    Nhân vật trong truyện Từ Thức gặp tiên, được chép lại trong tác phẩm Truyền kì mạn lục của Nguyễn Dữ:

    Xưa có người tên là Từ Thức, nhân đi chơi hội đã cởi áo gấm giúp một cô gái xinh đẹp. Sau chàng từ quan, tìm thú vui nhàn tản. Một lần ra cửa biển Thần Phù, Từ Thức đi qua núi và thấy một hang động rất đẹp, được bà chủ động gả cho Giáng Hương, chính là người chàng đã giúp thuở nào. Được một năm, Từ Thức nhớ nhà, muốn về thăm. Giáng Hương sắm xe và gài sẵn phong thư kín nói lời ly biệt. Khi về đến quê nhà, tất cả đều đã đổi thay, không ai biết chàng là ai. Chàng hỏi một cụ già râu tóc bạc phơ thì mới biết đó là cháu ba đời của mình. Từ Thức buồn rầu, muốn lại ngồi lên xe tiên để đi, thì xe đã hóa thành chim loan bay đi mất rồi. Mở bức thư của Giáng Hương ra xem, chàng chỉ thấy có dòng chữ: "Ở nơi tiên cảnh, cùng nhau kết bạn, nay duyên xưa đã hết, không còn mong hội ngộ." Về sau, người ta thấy Từ Thức đội nón nhẹ đi vào núi Hoàng Sơn (thuộc huyện Nông Cống, Thanh Hóa) rồi không thấy trở về nữa.

    Hang động nơi Từ Thức gặp tiên nay là động Từ Thức.

  23. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  24. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).