Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Quan hà
    Cửa ải (quan) và sông (hà). Thường dùng để chỉ sự xa xôi cách trở.
  2. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  3. Cù nèo
    Gậy dài thường làm bằng tre, có móc hoặc mấu ở đầu để hái trái cây. Có vùng gọi là cây cù quèo.
  4. Trường Lại, Trường Phong
    Hai xóm thuộc địa phận xã Kỳ Thịnh, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.
  5. Phú Yên
    Một địa danh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có bề dày văn hóa, du lịch, với các lễ hội bài chòi, lễ hội đầm Ô Loan, lễ đâm trâu, lễ bỏ mả... và các thắng cảnh như gành Đá Dĩa, vịnh Xuân Đài...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa

  6. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  7. Bất đắc vãng lai
    Không được tới lui thăm viếng (thành ngữ Hán Việt).
  8. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  9. Cơ cầu
    Khổ cực, thiếu thốn.
  10. Mống
    Cầu vồng (phương ngữ).
  11. Hòn Sang
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hòn Sang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  12. Ang
    Dụng cụ để đong, đo thóc lúa, bằng gỗ, khối vuông, có nơi đan ang bằng nan tre. Dụng cụ đo gạo của người Việt rất đa dạng, tùy vùng, tùy thời và theo từng thể tích mà người ta dùng các dụng cụ khác nhau như cái giạ, cái vuông, cái yến, cái đấu, cái thưng, cái cảo, cái bơ, cái ô, cái lương, cái lon sữa bò... để đo gạo. Một ang bằng 22 lon gạo.
  13. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  14. Niên
    Năm (từ Hán Việt)
  15. Cơ đoạn
    Có thể hiểu là lúc khó khăn, đói kém.
  16. Xóc đĩa
    Lối đánh bạc ăn tiền bằng cách xóc bốn đồng tiền (hoặc bốn miếng bìa có hai mặt khác nhau) trong một cái đĩa, trên có bát úp kín, ai đoán trúng có mấy đồng sấp, mấy đồng ngửa thì được. Có nơi gọi xóc đĩa là xóc dĩa, hoặc có tên khác là mở bát.

    Đồ để xóc đĩa

    Đồ để xóc đĩa

  17. Cò quay
    Lối đánh bạc dùng một cái mỏ (tựa như mỏ cò) quay trên một bảng số, khi dừng lại chỉ số nào thì người đặt số ấy được.
  18. Đài bi
    Hay đại bi, còn có tên khác là từ bi xanh, đại ngải, bơ nạt, phặc phả (Tày), co nát (Thái), là loại cây nhỏ, toàn thân và quả có lông mềm và tinh dầu thơm. Cụm hoa hình ngù ở nách lá hay ở ngọn, gồm nhiều đầu, trong mỗi đầu có nhiều hoa màu vàng. Cây đại bi có vị cay và đắng, mùi thơm nóng, tính ấm, được dùng làm vị thuốc chữa một số bệnh ngoài da.

    Hoa đài bi

    Hoa đài bi

  19. Vại
    Đồ đựng bằng sành, gốm, hình trụ, lòng sâu, để đựng nước hoặc mắm.

    Vại nước

    Vại nước

  20. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  21. Om
    Đồ đựng thường làm bằng nhôm, có vòi và nắp, để đựng và nấu nước chè.
  22. Chợ Bà Hom
    Tên một chợ nằm ở quận Bình Tân thuộc thành phố Hồ Chí Minh. Theo học giả Trương Vĩnh Ký thì Bà Hom cùng với Bà Rịa, Bà Chiểu, Bà Quẹo, Bà Điểm là năm bà vợ của lãnh binh Nguyễn Ngọc Thăng (thường được gọi là Lãnh binh Thăng), người đã xây dựng cầu Ông Lãnh. Ông đã cho lập ra năm cái chợ mang tên năm bà và giao cho mỗi bà cai quản mỗi nơi.
  23. Nhái bầu
    Tên chung của một số loài nhái có bụng to, lưng thường có màu nâu tối, đôi khi có hoa văn.

    Nhái bầu trơn

    Nhái bầu trơn

  24. Chàng hiu
    Còn gọi là chàng hương, chàng cương, chẫu chàng, nhái bén, một loài thuộc họ ếch nhái, mình nhỏ, chân dài, sống ở đồng ruộng, ao hồ hoặc trên cây.

    Chàng hiu

    Chàng hiu

  25. Thị Nghè
    Tên một con rạch nay thuộc địa phận quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, đồng thời cũng là tên một chiếc cầu bắt ngang qua con rạch này. Cái tên Thị Nghè bắt nguồn từ bà Nguyễn Thị Khánh, con gái quan khâm sai Nguyễn Cửu Vân. Trịnh Hoài Đức viết: "[bà] có chồng là thư ký Mỗ, nên người đương thời gọi là Bà Nghè mà không xưng tên. Sở dĩ có tên ấy là do khi đầu bà khai hoang đất ở, bắc cầu ngang qua để tiện việc đi lại, nên dân gọi là cầu Bà Nghè, cũng gọi sông ấy là sông Bà Nghè."

    Cầu Thị Nghè

    Cầu Thị Nghè

  26. Giồng Ông Tố
    Tên một cái giồng trước thuộc làng Bình Trưng, tổng An Bình, quận Thủ Đức, tỉnh Gia Định, nay là phường Bình Trưng, quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. Tên giồng lấy theo tên ông Trương Vĩnh Tố, một vị tướng tài của tả quân Lê Văn Duyệt. Ông là người đầu tiên đến khai hoang lập ấp, sống bằng nghề đưa đò chở khách qua sông. Sau khi ông mất, cảm nhớ đến công ơn ông, dân làng đặt tên vùng đất này là đất Giồng Ông Tố. Chợ, rạch và cây cầu bắc ngang rạch cũng lấy theo tên này.

    (Lưu ý phân biệt với địa danh ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre).

  27. Thiệt thà
    Thật thà (thổ ngữ Trung và Nam Bộ).
  28. Sẩy
    Chết. Từ này có lẽ có gốc từ cách người Hoa gốc Quảng Đông phát âm chữ tử.